Hàng trăm con heo sữa thối chuẩn bị vận chuyển vào TP.HCM
Sau một thời gian thâm nhập trong vai tài xế xe tải,ãiheochếttừlòmổđếnnhàhàbảng xếp hạng giải bóng đá hà lan phóng viên phát hiện một đường dây chuyên cung ứng heo chết từ Quảng Ngãi về TP.HCM để bán cho các nhà hàng, quán nhậu, chợ nhỏ lẻ...
Ngày 16-11, chúng tôi có mặt tại tỉnh Quảng Ngãi và bám theo xe tải tới các điểm chuyên tập kết heo lậu. 16g, khu vực bến xe cóc trên quốc lộ 1 khá nhộn nhịp. Nhiều “cò” xe hối hả điều xe vận chuyển các mặt hàng vào Nam.
Tại đây, bà Thu - một “cò” chuyên điều xe chở mặt hàng heo lậu - hì hục ghi sổ vận chuyển. Một lúc sau, một chiếc xe tải dừng lại bấm còi inh ỏi ra hiệu cần chở hàng. Bà Thu gật đầu báo hiệu có hàng.
Tài xế tên Chiến mở cửa nhảy xuống xe rồi vào một quán cà phê cóc ngay bên quốc lộ 1 gặp bà Thu. Bà Thu nói nhỏ với tài xế: “Tí vào lò lấy heo sữa thì đừng hỏi linh tinh, không người ta không cho nhận hàng. Giá vận chuyển vẫn như cũ, 250.000 đồng/thùng”.
Trộn heo sống với heo chết
Đúng 15g cùng ngày, theo lời chỉ dẫn của bà Thu, chiếc xe tải 5 tấn chạy ngược về phía xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh vào lò giết mổ của bà Lan. Lò giết mổ này nằm trong một con hẻm rộng khoảng 500m2.
Heo sữa nằm la liệt giữa nền nhà, người làm thản nhiên đi ủng, đi dép vào khu vực giết mổ. Tài xế Chiến cho hay: “Lần trước chở heo sữa về chưa kịp xuống hàng, đậu xe tải trước phòng trọ, mùi thối bốc ra nồng nặc. Người ở trọ than phiền quá, phải chạy xe đi chỗ khác”.
16g, hàng trăm con heo sữa được bỏ vào hàng chục thùng xốp loại lớn. Một người làm ở đây cho biết: “Heo sữa chết có, sống có, trộn lẫn vào rồi bỏ mối giá mềm mới kiếm được tiền”.
Lúc này phía bên kia lò mổ, một người phụ nữ ngoài 40 tuổi gọi bà Lan bảo: “Có thêm hai con heo chết ở trong xã, hỏi chị mua với giá bao nhiêu?”. Bà Lan nói gắt giọng: “Tí vào coi trực tiếp rồi nói giá”.
Theo tìm hiểu, lò giết mổ heo của bà Lan có quy mô khá lớn ở khu vực huyện Sơn Tịnh. Mỗi chuyến hàng bà gửi vào thành phố hàng trăm con heo sữa.
Một tài xế tên Lương cho hay: “Thường thì họ làm và vận chuyển vào ngày chẵn, nghĩa là cứ một ngày làm một ngày nghỉ. Đó là cách làm ăn của nhiều đầu mối người Hoa ở Sài Gòn, họ kỵ chuyển hàng vào những ngày lẻ”.
Để tránh tai mắt cơ quan chức năng, heo sữa ở đây được chở bằng xe tải, xe khách, thậm chí cả xe container. Theo Hùng - một đầu nậu chuyên thu gom heo chết ở xã Tịnh Hà, nếu chỉ vận chuyển một loại xe sẽ rất dễ bị cơ quan chức năng phát hiện, thường xuyên thay đổi xe sẽ dễ trót lọt qua các trạm kiểm dịch.
Chiều xuống, chiếc xe tải bắt đầu xuất phát từ Quảng Ngãi vào TP.HCM. Lúc này hai tài xế nhanh chóng vén các tấm bạt phía trên xe lên để tỏ ra là xe không có hàng. Cả tối hôm đó đến hôm sau, chiếc xe thản nhiên đi qua chốt kiểm dịch của các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Khi tới địa phận tỉnh Khánh Hòa có một chốt cảnh sát giao thông ra hiệu dừng xe, ngay tức khắc tài xế mở cửa nói lớn: “Xe không sếp ơi...”. Nhìn thấy trần xe vén bạt nên cảnh sát giao thông vẫy tay cho đi.
Xe chạy thêm một đoạn thì tài xế gọi điện cho bà Lan hỏi: “Nếu có thú y kiểm tra thì phải xử lý như thế nào?”. Ngay lập tức bà Lan trả lời: “Không có kiểm dịch đâu. Chung nó cho xong đi. Chung 1 triệu, 2 triệu gì đó. Thôi em chung 2 triệu đi, có gì vào đó tiền chia nhau trả”.
Bà Lan trong lò mổ heo của mình ở Sơn Tịnh (Quảng Ngãi)
Phát tán cho các nhà hàng
Đến khoảng 21g ngày 17-11, chiếc xe tải tập kết hàng tại một bãi xe bên quốc lộ 1 thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM. Lúc này, tài xế xe tải hì hục ngồi bấm điện thoại báo cho các chủ hàng từ quận 5, 8, 11, Gò Vấp, Phú Nhuận qua lấy hàng. Khoảng 30 phút sau, các xe máy, xe tải tấp nập đổ xô đến. Khu vực nhận hàng tối mịt, các chủ hàng phải rọi đèn pin tìm tên người nhận.
Trong số xe đến nhận hàng có chiếc xe ba gác chạy tới chở năm thùng lớn heo sữa rồi chở đến bến xe trên đường Lê Hồng Phong (P.1, Q.10), sau đó chuyển lên một chiếc xe tải có dòng chữ lớn “Tô Châu - chuyển phát nhanh tiền - bưu phẩm - bưu kiện đi các tỉnh miền Tây”.
Một phần hàng còn lại được gửi vào một gara cũ trong một con hẻm đường Lý Thường Kiệt (quận 11). Khoảng 10 phút sau, một xe tải nhỏ khác đến nhận hàng và đưa về một ngôi nhà ở đường số 28, P.6, Q.Gò Vấp.
Bà Ngân là một trong số những người nhận hàng từ Quảng Ngãi vào. Bà này trữ hàng tại kho trên ở địa chỉ số 10 Ưu Long. Tại đây có hơn 10 thanh niên thường xuyên túc trực nhận và giao hàng khắp các quận huyện TP.HCM. Kho hàng gồm hai ngăn với quy mô dự trữ khá lớn.
Bà Ngân là mối bỏ heo sữa có tiếng tại khu vực quận 8. Bà Ngân nói thẳng: “Tôi bỏ mối mặt hàng này đã 20 năm, khu vực này hỏi Ngân chắc ai cũng biết. Mối hàng của tui là các nhà hàng, quán nhậu lớn trên địa bàn thành phố”.
Nói đến đó, bà Ngân lật sổ bán hàng ra chỉ thẳng vào tên các nhà hàng cực lớn tại thành phố như: “AH (một trong những nhà hàng lớn ở quận 5), HH (đường Ba Tháng Hai, quận 10), H.Phong, hệ thống nhà hàng ĐPH..., khách sạn NW (quận 1). Nhà hàng AH hôm nay lấy 40 con, hôm qua lấy 50 con. Còn ĐPH vào mùa một lần lấy 200 con là bình thường. Gần cuối tháng 12 là làm không kịp, số lượng bán khủng khiếp lắm, bán ra cả trăm tấn”.
Theo điều tra, sau khi nhận heo từ các nguồn khác nhau, bà Ngân chia ra thành nhiều loại. Heo sữa từ 2,1-2,2kg bỏ mối với giá 380.000 đồng/con, loại 2,3-2,4kg bán giá 400.000 đồng/con, loại 2,5-2,6kg bán giá 420.000 đồng và cứ thế loại lớn nhất 6-6,9kg bán với giá 650.000 đồng.
Không chỉ bỏ mối ở TP.HCM, bà Ngân còn đóng hàng gửi đi các tỉnh thành, trong đó nhiều nhất là Cần Thơ, Đà Lạt, Vũng Tàu. Bà Ngân cho hay: “Nhà hàng LC ở Cần Thơ lấy đều lắm, cứ cách hai ngày gọi thùng thùng”.
Chiều 7-12, một mối gọi mua heo. Người của bà Ngân vào trong kho đưa ra một loại heo tím tái, bốc mùi hôi. Khoảng 19g, một thanh niên chở hai bao heo sữa phóng xe chạy với tốc độ cao đến giao heo cho lò heo quay HP tại xã Phong Điền, huyện Bình Chánh.
Đây là một trong những cơ sở bán heo sữa - heo quay có quy mô lớn nhất khu vực này. Heo sữa sau khi rã đông được cho vào các lò nướng. Khoảng 20 phút cho ra một sản phẩm heo sữa vàng ươm, bắt mắt người ăn.
Theo Tuổi trẻ
Nông dân nghèo bán thận ở Cần Thơ: Công an điều tra được gì?