Xã Long Cốc,áttriểndulịchcộngđồngởốcđảochèLongCốcPhúThọlịch thi đấu giải vô địch quốc gia thụy điển huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ được ví như ốc đảo chè xanh mướt với những quả đồi to nhỏ như chiếc bát úp, trải dài nối tiếp nhau tới tận chân trời. Vào những buổi sớm mai, sương và mây lang thang trôi bồng bềnh trên đồi chè, tạo lên cảnh sắc tuyệt đẹp cho vùng trung du phía Bắc.
Là một xã miền núi với trên 93,3% người dân tộc Mường, nguồn thu nhập chính của người dân xã Long Cốc là các sản phẩm nông nghiệp, trong đó cây chè được xác định là cây chủ lực.
Từ năm 2015, với sự hỗ trợ, quan tâm của chính quyền địa phương, các hộ gia đình trong xã chuyển đổi sang mô hình trồng chè hữu cơ, tăng hiệu quả kinh tế cho cây chè. Đến nay, trên 95% diện tích chè xã Long Cốc được trồng và chăm sóc theo quy trình sản xuất VietGAP, an toàn sinh thái.
Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, nhờ sản xuất sạch, quy mô lớn, nhiều đồi chè trên địa bàn xã Long Cốc đã tạo thành cảnh quan tự nhiên, là điểm đến hấp dẫn khách du lịch.
Những năm qua, địa phương cũng nỗ lực thay đổi nhận thức, cách làm du lịch của người dân để vùng chè có thể thu hút nhiều hơn du khách, cũng như tìm đầu ra, quảng bá sản phẩm chè sạch an toàn đến với người tiêu dùng.
Bà Phạm Thị Hạnh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất chè an toàn Long Cốc thông tin, hợp tác xã đặt mục tiêu là sản xuất và chế biến chè xanh chất lượng cao trên cơ sở phát triển vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn an toàn, góp phần xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Xây dựng ngành nghề sản xuất bền vững, tạo việc làm ổn định và nâng cao cuộc sống cho người dân trong cộng đồng. Đồng thời gắn kết mô hình sản xuất với du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch sinh thái và trải nghiệm thực tế.
“Từ năm 2018 đến nay, Hợp tác xã Sản xuất chè an toàn Long Cốc đã đón tiếp gần 100 đoàn khách tham quan trong và ngoài nước, trong đó có cả đoàn tham quan của Mỹ, Úc, Nhật... Rất nhiều khách du lịch đã đến trải nghiệm về thu hái và chế biến chè”, bà Hạnh cho biết.
Anh Luận, chủ một homestay ở Long Cốc là một trong những thanh niên có khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Sau thời gian làm việc tại các tỉnh, đi nhiều nơi, khám phá cảnh đẹp của đất nước và con người Việt Nam, anh nhận thấy Long Cốc được thiên nhiên ưu đãi cho không khí trong lành, cảnh sắc nên thơ với những đồi chè thoai thoải, nếu phát triển đúng hướng sẽ là tiềm năng để thu hút du khách qua hoạt động cộng đồng.
Du khách được thưởng thức các món ăn do đồng bào Mường chế biến và nghỉ ngơi trong những căn nhà sàn mát mẻ.
Thời điểm du lịch sinh thái ở đây mới chỉ manh nha, mang tính tự phát, nhiều khách đến đồi chè trải nghiệm không có chỗ ăn, ngủ, nghỉ; các hoạt động chỉ dừng lại ở check in chụp ảnh, săn mây… Anh Luận mạnh dạn thuyết phục gia đình mở homestay đón khách, kết hợp các hoạt động trải nghiệm như: Tự tay hái chè, tham gia vào một số công đoạn sản xuất chè, thưởng thức chè sạch, thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh, thưởng thức các điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc Mường.
Để chúng tôi hiểu rõ hơn về hoạt động cộng đồng tại khu nghỉ dưỡng của gia đình, anh Luận dẫn đoàn đến khu vực nhà sàn gỗ gần đồi chè. Tiếng hát vang vọng của điệu ví Mường, tiếng vỗ tay của du khách và tiếng reo hò khi nhảy sạp… tạo nên thanh âm cuộc sống trong trẻo, đầy năng lượng tích cực.
Chị Nguyễn Thanh Hà ở Hải Dương chia sẻ: “Tôi là giáo viên môn địa lý, hôm nay được trải nghiệm cuộc sống ở Long Cốc cùng đồng bào dân tộc Mường và tham quan cảnh sắc nơi đây, đón bình minh, đi hái chè… tôi thấy rất thú vị. Tôi nghĩ đây cũng là những kiến thức bổ ích để bài giảng của tôi truyền tải sinh động, hấp dẫn hơn đến học trò”.
Du khách đến đây còn được thưởng thức ẩm thực độc đáo của người Mường. Đặc biệt là một số món dùng chính chè xanh Bát tiên làm nguyên phụ liệu như: Gà, cá, vịt nướng lá chè xanh Bát tiên, cá trắm kho chè xanh Bát tiên… cùng một số đặc sản vịt suối lam hoa chuối, xôi ngũ sắc, thịt chua, cá suối…
"Thông qua việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, chúng tôi cũng mong quảng bá, giới thiệu và bảo tồn những nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường đến du khách", anh Luận nói.
Nhiều nhiếp ảnh gia từ các tỉnh thành tìm đến đây để thỏa trí sáng tạo nghệ thuật.
Trung bình một năm, nhà anh Luận đón khoảng 200 khách đặt ăn trưa, 300 khách nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại homestay. Trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 15%. Hiện tại nhà anh có gần 1ha chè thường và khoảng 3 nghìn m2 trồng chè Bát tiên. Đây là loại chè ngon và đặc sản của riêng Long Cốc.
Với thắng cảnh trời ban và khí hậu ôn hoà, Long Cốc là điểm đến có thể ghé thăm vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, anh Luận tư vấn thời điểm lý tưởng nhất là từ tháng 3 đến tháng 12 hàng năm. Lúc này, chè lên xanh mát phủ kín cả ngọn đồi, tạo thành những tấm thảm xanh mướt.
Du khách quốc tế thích thú khi tham quan đồi chè Long Cốc.
Đặc biệt, vào thời điểm giao mùa cuối thu đầu đông, vùng đồi chè bao phủ sương mù huyền ảo, thu hút rất đông du khách đến tham quan, săn mây, đón bình minh trong sương mờ…
Long Cốc còn là địa điểm được nhiều nhiếp ảnh gia tìm đến sáng tạo nghệ thuật. Họ chụp để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của tạo hoá và sự tuyệt mỹ của cảnh sắc tự nhiên. Năm 2019, một bức ảnh chụp đồi chè Long Cốc đã vinh dự lọt vào Top những hình ảnh nổi bật trong Cuộc thi ảnh quốc tế Sony World Photography Award.
Hiện tại, toàn xã có 3 homestay, 2 nhà nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, hoạt động du lịch cộng đồng ở đây vẫn chưa mang tính quy mô, chuyên nghiệp. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, giới thiệu mời gọi liên kết du lịch. Đồng thời, thực hiện tập huấn nghiệp vụ công tác du lịch, nấu ăn, pha chế cho các chủ hộ kinh doanh homestay…
Thùy Chi và nhóm PV, BTV