Áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm giúp người trồng mai có đủ lượng nước tưới khi hạn, xâm nhập mặn
Được biết, năm 2003, nghề trồng mai tại xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa bắt đầu hình thành. Ban đầu, có khoảng 20 hộ trồng để tạo cảnh quan. Năm 2015, Tân Tây được công nhận xã nông thôn mới, từ đó hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, mua bán trong vùng, từ đó, diện tích trồng mai của xã ngày càng mở rộng.
Năm 2020, nghề trồng mai tại xã Tân Tây được UBND tỉnh quyết định công nhận là làng nghề, đến nay, có diện tích trồng là 412ha, với trên 300 hộ dân tham gia. Trung bình, người dân trồng được khoảng 2.000 gốc/ha. Sau 4-5 năm chăm sóc, trừ chi phí, nông dân thu hoạch, lợi nhuận hơn 800 triệu đồng/ha. Ông Phạm Văn Từ (ấp 4, xã Tân Tây) cho biết, trước đây, nông dân chủ yếu trồng lúa, thu nhập không cao. Ngày nay, nhờ trồng mai vàng, đời sống người dân được nâng lên. Thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở giúp đỡ, hỗ trợ nông dân về đường sá, điện, đặc biệt là hướng dẫn về kỹ thuật trồng mai.
Được biết, sau khi Làng nghề trồng mai xã Tân Tây được công nhận, Chi hội Mai vàng Tân Tây cũng được thành lập với 60 thành viên. Năm 2021, Chi hội Mai vàng Tân Tây được hỗ trợ xây dựng mô hình áp dụng công nghệ cao, sản xuất thông minh, có 19 hộ tham gia với tổng diện tích 10ha. Khi thực hiện mô hình, nông dân áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm, giúp đủ lượng nước tưới khi hạn, xâm nhập mặn.