Hát Trống quân là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian giao lưu văn hóa của các làng quê Việt Nam, điển hình là ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Hát Trống quân xuất phát từ lao động sản xuất, đời sống sinh hoạt nông dân nên những câu hát rất tình tứ, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, sự trù phú của non sông đất nước, cảnh lao động sản xuất vui vẻ ở nông thôn, ca ngợi tình cảm vợ chồng, gia đình, tình yêu đôi lứa, tình cảm bạn bè...
Hát Trống quân có từ cuối thế kỷ XVII tại Bình Giang, sau đó phổ biến tại một số huyện trong tỉnh. Do biến cố lịch sử, ở các huyện khác hầu hết bị thất truyền, riêng ở xã Thúc Kháng (Bình Giang), phong trào hát Trống quân vẫn được người dân hai thôn Ngọc Cục, Tào Khê giữ gìn, duy trì trong đời sống văn hóa. Hai câu lạc bộ Trống quân thôn Ngọc Cục và Tào Khê được xã Thúc Kháng thành lập năm 2013, đến nay có trên 50 thành viên. Ngoài các bài hát lời cổ, các nghệ nhân vẫn sáng tác những bài hát mới phù hợp với đời sống xã hội đương đại. Năm 2016, hát Trống quân được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Ngày 6/9/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương đã ban hành Kế hoạch 1922/KH-SVHTTDL về thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật hát Trống quân, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang. Theo đó, Sở phối hợp với UBND dân huyện Bình Giang triển khai chương trình từ tháng 9 - 11/2024. Phòng Quản lý di sản văn hóa phối hợp với địa phương đã tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức truyền dạy nghệ thuật hát Trống quân từ tháng 9 - 11/2024. Gần 30 học viên tham gia lớp truyền dạy được trang bị những hiểu biết cơ bản về nghệ thuật hát Trống quân đã có thể trình diễn thuần thục được một số bài hát.