Ngành điều bớt lo về nguyên liệu nhập khẩu | |
12 năm liên tiếp Việt Nam đứng đầu thế giới về chế biến, xuất khẩu điều nhân |
Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Vinacas phát biểu tại hội nghị. Ảnh:N.H |
Báo cáo tại hội nghị, Vinacas cho biết, tính đến hết tháng 11 năm 2019, cả nước xuất khẩu được 418.110 tấn nhân điều các loại với kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 3 tỷ USD, tăng 16,5% về lượng, nhưng giảm 8,3% về trị giá so với 11 tháng của năm 2018. Giá điều nhân xuất khẩu bình quân là 7.269 USD/tấn, giảm 20,73% so với cùng kỳ.
Về nhập khẩu hạt điều thô nguyên liệu, Việt Nam cũng đã xác lập kỷ lục mới với tổng số lượng hạt điều thô nhập khẩu về Việt Nam đạt trên 1,53 triệu tấn, với giá nhập khẩu bình quân là 1.333 USD/ tấn, tăng 27,54% về lượng nhập khẩu và giảm 29,78% về giá bình quân so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo kế hoạch đã đề ra (về lượng) là 450.000 tấn điều nhân xuất khẩu và trên 1,5 triệu tấn điều thô nhập khẩu của cả năm 2019, Vinacas tự tin rằng ngành điều sẽ đảm bảo hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra của năm 2019.
Đặc biệt, ông Phạm Văn Công – Chủ tịch Vinacas vui mừng thông báo, sản lượng điều nhân chế biến sâu (chiên, rang, tẩm gia vi, mật ong, bánh kẹo điều…) tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong năm nay đều tăng, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điều nhân được chế biến của toàn ngành. Trong khi cùng kỳ năm trước, con số này chỉ ở mức khoảng 7 – 8%. Với sự tăng trưởng tích cực ở khâu chế biến sâu, ông Công dự báo kim ngạch xuất khẩu điều cả năm nay sẽ đạt khoảng 3,6 tỷ USD, tăng nhẹ so với mức 3,52 tỷ USD năm 2018.
Theo đó, ngành điều Việt Nam tiếp tục giữ vững ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân. Đây là kết quả đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh giá điều nhân xuất khẩu giảm mạnh so với năm 2018.
Theo Vinacas, tình hình năm 2020 vẫn khó dự đoán khi kinh tế quốc tế vẫn diễn biến phức tạp, cùng với đó là xung đột thương mại Mỹ - Trung, Mỹ - Ấn; chính sách bảo hộ của các nước liên quan đến cả điều thô và điều nhân cùng những diễn biến trên thị trường hạt điều toàn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2020, giá điều thô và điều nhân có thể có biến động nhưng biên độ không lớn.
Trong bối cảnh đó, Vinacas khuyến nghị các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện chủ trương “Giảm lượng, tăng chất” nhằm nâng cao chất lượng điều nhân và hiệu quả chế biến. Vinacas tập hợp, động viên những doanh nghiệp chế biến đầu ngành phối hợp và chủ động trong kinh doanh để giúp ngành điều cơ bản làm chủ nguồn nguyên liệu. Theo đó, Vinacas đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD nhân điều trong năm 2020.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Long đánh giá, Vinacas đã tổ chức rất nhiều chuyến tham quan và khai thác thị trường mới như Mỹ, châu Âu, Trung Đông… Nhưng những hoạt động này mới chỉ dừng lại ở mức thăm dò hơn là tổ chức triển khai các công việc hỗ trợ kinh doanh.
Để ngành điều phát triển bền vững hơn, ông Bá cho rằng Vinacas phải thiết lập được văn phòng thường trú và nhân sự thường trực tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Trung Đông để hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…