Nguồn: ORS Đồ họa tư liệu |
Chứng khoán năm 2025 được kỳ vọng khởi sắc
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, chứng khoán năm 2025 có thể giữ xu hướng tích cực, thậm chí vượt mức đỉnh lịch sử trên 1.500 điểm nhờ hàng loạt yếu tố tích cực từ những câu chuyện mới.
Việt Nam dự báo tiếp tục là ngôi sao tăn trưởng trong khu vựcTheo Công ty chứng khoán Tiên Phong, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế dự báo tiếp tục là ngôi sao tăng trưởng trong khu vực năm 2025, vượt qua nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. IMF dự báo, tăng trưởng 2025 của Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan lần lượt là 6,1%, 4,5%, 5,1% và 3%. Bên cạnh đó, dựa vào tình hình thực tế tích cực của Việt Nam trong năm 2025, ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng lên 6,5% so với mức 6,2% trong báo cáo trước đó. |
Trong đó, triển vọng nâng hạng thị trường, khả năng đảo chiều dòng vốn ngoại và đầu tư công sẽ là những yếu tố có thể tạo đà cho quá trình đi lên của chứng khoán.
Ảnh hưởng lớn tới thị trường trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 là câu chuyện tỷ giá và sức mạnh của đồng USD, dẫn tới áp lực bán ròng ồ ạt của nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2024 đang tiến gần tới mức kỷ lục "đáng quên" khi ghi nhận quy mô rút ròng tới 3,3 tỷ USD của nhóm này. Tuy nhiên, theo ông Thế Minh, diễn biến có thể tích cực hơn trong năm tới khi các yếu tố ảnh hưởng tới sức mạnh của đồng bạc xanh đã ghi nhận vào nhịp tăng vừa qua, đặc biệt là khả năng trở lại của dòng vốn ngoại khi thị trường Việt Nam được nâng hạng.
Theo TS. Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), Việt Nam hiện nay đứng trước nhiều câu chuyện lớn, không như trước đây bị bó hẹp trong phạm vi đổi mới kinh tế, còn bối cảnh hiện tại rộng hơn liên quan đến đổi mới thể chế, môi trường kinh doanh, điển hình là sắp xếp lại bộ máy.
"Chính phủ Việt Nam cho thấy rõ hướng đi từ cải cách thể chế, sau đó đi vào các chính sách kinh tế lớn", TS. Thế Anh nhận xét. Chuyên gia này cũng cho rằng, thị trường chứng khoán Mỹ đang được định giá quá cao, khi dòng vốn rút khỏi thị trường này, các thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ hưởng lợi. Cùng với chính sách cải cách, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn quay trở lại.
Động lực từ câu chuyện đầu tư công
Trong báo cáo mới công bố, nhóm phân tích Công ty chứng khoán Tiên Phong (ORS) nâng dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2024, trong khoảng 6,8% - 7,3% so với mức 5,8% - 6,3% trong báo cáo bán niên năm 2024 và mức 6,2% - 6,5% trong dự báo đầu năm. Trong đó, riêng quý IV năm nay, tăng trưởng kinh tế có thể trong khoảng 7% -7,5%.
Trong đó, ba luận điểm cho dự báo này xuất phát từ kỳ vọng đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam và tiêu dùng nội địa tăng.
"Năm 2025 là năm kết thúc giai đoạn kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng của toàn giai đoạn, Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra nhiều biện pháp để thúc đẩy kinh tế. Trong đó, chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực đầu tư công sẽ được thúc đẩy nhiều hơn", nhóm phân tích bình luận.
Giải ngân đầu tư công trong năm 2024 bị tác động bởi nhiều yếu tố không tích cực như lạm phát và tỷ giá. Vì vậy, dư địa để thúc đẩy đầu tư công trong năm tới, theo ORS, vẫn còn nhiều.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, giải ngân đầu tư công bắt đầu tăng tốc trong tháng 11 với ước giải ngân trong 11 tháng qua đạt 60,4% kế hoạch, thu hẹp đà giảm so với cùng kỳ.
Theo Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), Chính phủ đưa ra kế hoạch đầu tư công trong năm 2025 khá tham vọng, với mức tăng 16% so với kế hoạch năm 2024. Một số giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công đã được đưa ra như việc thông qua Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật PPP sửa đổi trong đó tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương cũng như áp dụng trở lại hợp đồng BT.
"Năm 2025 đánh dấu là một năm quan trọng khi là năm kết thúc của Kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025 và là năm bản lề cho kỷ nguyên sắp tới, với các kế hoạch cải cách toàn diện nhằm tập trung vào chất lượng tăng trưởng để Việt Nam có thể trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030", nhóm phân tích từ SSI Research nhận xét.
Ngoài thúc đẩy một số lĩnh vực tăng trưởng cao, như vật liệu xây dựng, xây lắp, đầu tư công còn kỳ vọng tạo lực đẩy cho dòng vốn FDI. Một số dự án tiêu biểu được thực hiện 2025 như sân bay quốc tế Long Thành, Đường vành đai số 4, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam được kỳ vọng là những dự án lớn nhằm mục đích tăng cường kết nối giữa khu vực thành thị - nông thôn và giảm chi phí logistic, thu hút dòng vốn FDI.
Dòng vốn FDI cũng được dự báo tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam khi chiến lược “Trung Quốc +1” của các công ty đa quốc gia dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ và sâu sắc hơn, đặc biệt là dòng vốn chảy vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ có giá trị cao.
"Dòng vốn FDI không chỉ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mà còn là yếu tố đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của GDP", báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô của ORS viết./.