Không ai có thể nắm rõ được thời hạn sử dụng của mực siêu rẻ LTS: Thời gian gần đây,ựcsiêurẻvôthờihạnbiếtđượcnguồngốcđốaidámăbong da hnay người tiêu dùng vô cùng hoang mang bởi trên thị trường xuất hiện một loại mực lạ giá siêu rẻ, chỉ 30-50 nghìn đồng/1kg. Trong khi đó, loại mực mọi người vẫn thường ăn có giá trên 200 nghìn đồng/1kg. Loại mực siêu rẻ này đến từ đâu và người ta đã “phù phép” thế nào để chúng luôn tươi rói, bắt mắt đến vậy? Người biết... không dám ăn! Lấy thông tin từ ki ốt của ông chủ Đ. xong, vờ như cần khảo sát thêm, chúng tôi rút ra ngoài ngõ. Thấy chúng tôi ôm hộp xốp theo mà không lấy được hàng, một người chở hàng thuê mà chúng tôi đã gặp tại ki ốt của bà P. tấp vào hỏi chuyện. Theo sự chỉ dẫn của anh này thì nếu muốn lấy hàng “trắng nõn nà” thì ra chợ Đổ (quận Hồng Bàng) hoặc chợ Tràng Cát (quận Hải An). “Ở đó có nhiều đại lý lớn lắm, họ cũng chuyên đóng hàng gửi đi các tỉnh đấy”, người đàn ông chở hàng thuê này cho biết. “Các anh cứ hám rẻ chứ ở đây chả ai ăn loại mực đó đâu”, vừa khởi động chiếc xe máy chuyên dụng, anh này vừa chia sẻ. Hỏi vì sao không dám ăn thì anh này chỉ cười rồi bảo: “Cứ đến xem người ta làm thì khác biết, ăn vào để sinh bệnh à!?”. Mực không rõ nguồn gốc được sơ chế ngay tại rảnh nước bẩn ở chợ Đổ (Ảnh cắt từ Clip) Theo sự chỉ dẫn của anh chở hàng thuê này, chúng tôi tìm ra chợ Đổ khi trời mới tờ mờ sáng. Chợ Đổ là chợ đầu mối về nông sản của Hải Phòng. Tuy nhiên, giữa chợ có đại lý có tiếng chuyên buôn bán mực tươi và các sản phẩm từ mực. Trời chưa rõ mặt người nên chợ đổ vắng tanh. Tuy nhiên, những sạp nông sản thì đã được các chủ hàng bày biện. Nằm đối diện với những sạp hoa quả ú hụ ấy là chừng 20 người đang hối hả… chế biến mực. Có lẽ, một lần tận thấy “công xưởng” chế biến mực này thì nhiều người sẽ không dám động đũa đến những món ăn được chế biến từ mực nữa. Những tảng mực như chúng tôi đã thấy được ngâm trong những thùng tôn lớn. Khi mực rã đông, các công nhân chân đi ủng, tay đeo găng tay cao su xúm vào moi ruột mực. Loại mực này nhiều ruột. Mỗi con moi ra cỡ vốc tay. Ruột mực được tống vào thùng nhựa to như bể nước để ngay dưới lòng đường. Theo lời một công nhân đang làm việc tại đây thì số ruột mực mỗi ngày cơ sở này thải ra được bán cho một đầm nuôi cá. Thấy chúng tôi xuất hiện, những nhân công sơ chế mực ở chợ Đổ đã rất dè chừng (Ảnh từ Clip) Hỏi mực này có nguồn gốc thế nào thì một công nhân ở đây cho biết, đó là mực nhập khẩu. “Em cũng không biết nhập từ nước nào chỉ biết là mực của nước ngoài thôi”, công nhân này nói. Cũng theo công nhân này thì cơ sở nhận “ship hàng toàn quốc” với mực tươi và chả mực. “Chỗ em nhiều khách đến lấy hàng lắm, bọn em phải làm từ đêm tới sáng hẳn mới đủ hàng cho người ta”, công nhân này cho biết. Khi chúng tôi đang trò chuyện thì một xe tải nhỏ trườn tới. Thấy xe đến, chẳng cần nói gì, một số công nhân chạy về phía thùng xe để xuống hàng. Vẫn là những tảng mực đóng đá được bọc tạm trong bao tải dứa. Ngay sau khi xuống hàng, một số tảng mực được đám công nhân ngâm ngay vào trong thùng nước, số còn lại thì được vứt ngay trên sàn nhà cáu bẩn. Trời tỏ mặt người thì cơ sở này có thêm một tốp công nhân nữa. Những người này làm nhiệm vụ lột da mực. Tuy được lột da nhưng mực vẫn có màu tối, đen. “Muốn làm trắng thì phải có một công đoạn nữa. Cái này là bí quyết riêng, không tiết lộ được”, một công nhân ở cơ sở này cho biết. Cận cảnh khu vực "không phận sự miễn vào" Tìm hiểu ở chợ Tràng Cát (Hải An – Hải Phòng), một khu vực cũng sầm uất về hoạt động buôn bán đồ hải sản tươi sống, phóng viên đã chứng kiến quy trình làm sạch mực tương tự tại đại lý của một người phụ nữ tên T. Đại lý của bà T. nằm ngay cạnh ngã chợ Tràng Cát. “Ở đây người ta chỉ họp chợ lúc nửa đêm về sáng thôi”, nhân viên của đại lý của bà T. vừa dẫn tôi vào khoảng sân phía sau vừa giới thiệu. Đại lý của bà T. có thể nói là lớn nhất ở khu chợ này. Khoảng sân phía sau rộng cả trăm mét vuông, khi chúng tôi đến thì cũng chỉ còn lác đác vài người. Những người này đang xúm quanh bể bán tôm sú. Góc sân, đối diện với bể tôm là “lãnh địa bất khả xâm phạm” với những người không có phận sự. Chúng tôi hiểu như vậy bởi khu vực này được quây kín bằng những tấm bạt xanh thẫm, chỉ chừa một khe nhỏ để lách vào. Như đã quen lối, chúng tôi thản nhiên xộc thẳng vào nơi được “phong tỏa” nghiêm ngặt ấy. Thấy chúng tôi được người nhà dẫn vào, mấy người đang lúi húi làm việc cũng chẳng buồn bận tâm, nghi ngờ. Trên khoảng sân rộng hơn chục mét vuông ấy những tảng mực được vứt chỏng chơ, hơi đá bốc ra lạnh toát. Mực ở đây dường như có… nguồn gốc hơn bởi trên mỗi tảng đều có nhãn mác. Tuy nhiên, trên tờ nhãn bé bằng bàn tay được gá tạm vào lớp đá lạnh đó chỉ có 2 chữ Trung Quốc cùng những dãy số giống nhau. Những tảng mực đóng đá vứt la liệt dưới sàn bê tông trong khu sơ chế bí mật của bà T. (Ảnh cắt từ Clip) Trên nhãn ấy tuyệt nhiên không ghi nơi sản xuất, thời hạn sử dụng. “Mực này mình nhập từ đâu đấy anh, không thấy ghi nơi sản xuất và thời hạn sử dụng”, tôi vờ bâng quơ hỏi. “Mực nhập từ nước ngoài đấy, yên tâm đi, ở đây chỉ có hàng chuẩn thôi”, người đàn ông tuổi chạc 40 vừa bóc mực vừa trả lời. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua loại mực trắng nõn, người đàn ông này bảo đại lý sẵn sàng đáp ứng. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi làm cách nào để mực trở lên trắng ngần thì người đàn ông này đang luyến thoắng bỗng ngập ngừng. “Cái đó các anh không cần hỏi đâu, mua hàng thì cứ biết mua thôi”, một phụ nữ đang bóc mực ở gần đó chẹn vào. Quan sát, chúng tôi thấy trong góc lều, nơi khuất nhất có chiếc thùng phuy cỡ lớn. Trong thùng phuy có cánh quạt, được vận hành bằng mô tơ điện. Chẳng cần giới thiệu chúng tôi cũng biết đó là công cụ để làm mực siêu trắng. Mực... vô thời hạn Không ai có biết mỗi ngày có bao nhiêu lượng mực “không xuất xứ”, “không ngày tháng” được các chợ hải sản đầu mối của Hải Phòng tiêu thụ. Tuy nhiên, cứ nhìn lượng xe kìn kìn tới ăn hàng thì cũng có thể biết đã có cả chục tấn mực siêu rẻ được chuyển đi khắp các tỉnh thành. Không chỉ bán hàng trực tiếp, làm việc với chúng tôi, các thương lái này đều khẳng định rằng sẽ chuyển hàng tới tận nơi dù xa đến đâu miễn là bên mua phải đảm bảo là sẽ thanh toán tiền sòng phẳng. Làm việc với phóng viên, ông Lê Bá Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh XNK Thủy sản Hải Phòng xác nhận, một số đại lý buôn bán mực ở chợ Máy Chai nhập hàng từ kho của công ty. Theo ông Thủy, loại mực siêu rẻ như miêu tả các thương lái ở đây quen gọi là “mực Đài Loan. Mực này do các đội tàu thuyền của Đài Loan đánh bắt từ biển Nam Mỹ. “Năm ngoái đội tàu của họ đánh bắt được nhiều lắm, bán ở nước họ không hết họ mới đưa sang đây”, ông Thủy cho biết. Khi phóng viên đặt vấn đề về nhãn mác hàng hóa, hạn sử dụng trên mỗi bao bì sản phẩm, ông Thủy thừa nhận, có đôi khi… bị rơi mất. Ông Thủy khẳng định, khi bán hàng ra sẽ dán ghi rõ. Theo như thông tin trên nhãn mác mà ông Thủy đưa ra thì mực Đài Loan có thời hạn sử dụng là 24 tháng kể từ ngày sản xuất. Và, mực chỉ đảm bảo chất lượng khi được bảo quản trong kho lạnh đạt chuẩn. “Các kho lạnh của các đại lý ở đây đều không đảm bảo chất lượng đâu”, ông Thủy hé lộ. Căn cứ vào hạn sử dụng như ông Thủy nói thì với các loại mực như không nhãn mác, không ngày sản xuất mà chúng tôi đã thấy ở các đại lý đầu mối thì không ai có thể biết chúng đã tồn tại được bao lâu trong kho lạnh. “Muốn biết mực còn hạn sử dụng hay đã để quá lâu thì phải trông cậy vào các cơ quan chức năng thôi”, ông Thủy cho biết. Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Quang Long, Chi cục phó Chi cục quản lý thị trường Hải Phòng cho biết, trong vài năm gần đây, chi cục chưa phát hiện hàng hải sản không rõ nguồn gốc. “Nếu hàng hóa để trong kho thì cũng khó xử lý về nhãn mác bởi người kinh doanh lý giải rằng lưu kho nên chưa dán nhãn mác, khi bán sẽ dán”, ông Long chia sẻ. Còn việc kiểm tra chất lượng hàng hóa, cụ thể là mực đông lạnh không tem nhãn, không hạn sử dụng thì ông Long cho rằng đây là việc khó. “Muốn kiểm tra thì phải lấy mẫu rồi đem đi giám định mới có kết luận cụ thể được. Tuy nhiên việc này là quá sức với chúng tôi. Ngay cả thiết bị test thử nhanh chúng tôi còn không được trang bị nữa là…”, ông Long thật thà. Theo Trí thức trẻ Đổi vị ngày Tết với mứt táo mèo chua cay hấp dẫn |