Công ty TNHH Dệt Nhuộm Jasan VN có trụ sở tại KCN dệt may Phố Nối B thắc mắc, hiện tại việc khai báo hàng hoá NK và các khoản phải cộng: CIC, THC… vẫn chưa rõ ràng và khai báo chưa chính xác. Đặc biệt, thủ tục khai báo hải quan (đính kèm) vẫn còn rườm rà, mất thời gian. Phí BAF (phụ phí nhiên liệu) có cộng vào các khoản điều chỉnh hay không?
Về chi phí vận tải, theo Tổng cục Hải quan, Khoản 1 và Điểm g, Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 quy định, các chi phí vận tải và các chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa trả cho những hoạt động phát sinh sau khi hàng hóa NK đến cửa khẩu nhập đầu tiên, hoặc các chi phí phát sinh đến cửa khẩu nhập đầu tiên nhưng không đáp ứng đồng thời các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2015/TT-BTC thì không phải cộng vào trị giá hải quan.
Trong đó, cửa khẩu nhập đầu tiên đối với phương thức vận tải đường biển, đường hàng không là cảng dỡ hàng ghi trên vận đơn theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018. Theo đó, phí THC là không phải cộng vào trị giá của hàng hóa NK; phí BAF (phụ phí xăng dầu) là khoản phải cộng vào trị giá của hàng hóa NK; các chi phí khác như phí DO (chi phí cấp hồ sơ ra lệnh giao hàng), phí CCC (vệ sinh container) nếu phát sinh sau cửa khẩu nhập đầu tiên thì không phải cộng vào trị giá hải quan của hàng hóa NK.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, người khai hải quan khai phí vận chuyển theo hướng dẫn tại chỉ tiêu số 1.49 tờ khai hàng hóa NK theo phụ lục I Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi một số điều của Thông tư 38/2015/TT-BTC.
Công ty TNHH Dệt Nhuộm Jasan VN mong muốn được cơ quan Hải quan cho biết thêm thông tin cần khai báo với một số hàng hoá NK có rủi ro về giá, xác định mã loại hình khai báo với hàng hoá không thanh toán.
Tổng cục Hải quan cho biết, về trị giá hải quan, tại Điều 3 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định: Người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quan theo các nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Luật Hải quan 2014, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực của các nội dung kê khai và kết quả tự xác định trị giá hải quan. Các nội dung khai báo được chi tiết tại tờ khai hàng hóa NK theo phụ lục I Thông tư số 39/2018/TT-BTC và tờ khai trị giá (nếu có) theo quy định tại mục II Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015.
Cơ quan Hải quan kiểm tra trị giá khai báo, xử lý kết quả kiểm tra theo quy định tại Khoản 14 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
Liên quan đến xác định mã loại hình khai báo với hàng hóa không thanh toán, Tổng cục Hải quan cho biết, đơn vị đã có Công văn số 2765/TCHQ-GSQL ngày 1/4/2015 hướng dẫn các đơn vị hải quan địa phương và DN về mã loại hình khai báo hải quan đối với hàng hóa không thanh toán.
Cụ thể, hàng hóa NK là H11 và hàng hóa XK là H21.
Petrolimex nêu, cho phép thực hiện bảo lãnh ngân hàng đối với khoản thuế chênh lệch giữa thuế ưu đãi MFN và thuế ưu đãi đặc biệt (ATIGA, VKFTA) của hàng xăng dầu NK đang xin nợ C/O (form D, form KV): Petrolimex đang NK xăng dầu từ các nước thuộc Hiệp hội ASEAN và từ Hàn Quốc là những quốc gia có để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Theo quy tắc xuất xứ của các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, các lô hàng xăng dầu NK buộc phải có Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mới được hưởng thuế suất NK ưu đãi đặc biệt. Tuy vậy, do đặc thù của mặt hàng xăng dầu để hạn chế rủi ro biến động giá mua bán là giá bình quân của nhiều ngày trước và sau khi xếp hàng nên khi hàng về tới cảng Việt Nam cũng chưa đủ ngày tính giá cho lô hàng, chưa xuất hóa đơn thương mại (Commercial Invoice) và do đó chưa được cấp C/O. Trong trường hợp này, theo quy định hiện hành, DN phải tạm đóng thuế suất MEN, sau đó khi có C/O xuất trình sẽ cho hướng ưu đãi đặc biệt và làm thủ tục hoàn thuế.
DN cho rằng, đối với ngành xăng dầu, cơ quan cấp C/O đều là cơ quan Nhà nước của nước XK nên chênh lệch thuế suất ưu đãi đặc biệt và thuế suất MEN khá cao, thủ tục hoàn thuế phức tạp dẫn đến mất nhiều thời gian của cả cơ quan Hải quan và DN khi kiểm tra, hoàn thuế, theo đó các DN bị tồn đọng lượng rất lớn vốn kinh doanh cho tạm nộp thuế chờ hoàn.
Để tạo thuận lợi cho các DN đầu mối kinh doanh XNK xăng dầu, DN đề nghị, cho phép thừa nhận xuất xứ ngay khi các DN khai báo, chưa cần xuất trình C/O, cho hưởng ngay thuế suất ưu đãi, kèm theo yêu cầu bảo lãnh của ngân hàng đối với khoản thuế chênh lệch theo thuế MEN và thuế ưu đãi đặc biệt của hàng NK đang xin nợ C/O và ngân hàng bảo lãnh sẽ thay mặt DN chịu trách nhiệm trước cơ quan Hải quan khi hậu kiểm.
Về vấn đề DN nêu, Tổng cục Hải quan cho biết, Khoản 1 Điều 9 Luật thuế XK, thuế NK quy định: “1. Hàng hóa XK, NK thuộc đối tượng chịu thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa theo quy định của Luật Hải quan, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa nhưng phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày nộp thuế. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan…”.
Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, với quy định này, để được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa, người nộp thuế phải nộp thuế ngay hoặc có bảo lãnh với số tiền tương đương số tiền thuế phải nộp, thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, trong thời gian bảo lãnh thì phải nộp tiền chậm nộp.
Như vậy, đối chiếu với kiến nghị của Petrolimex thì DN có thể sử dụng bảo lãnh đối với số tiền thuế chênh lệch theo thuế suất MFN và thuế ưu đãi đặc biệt của tờ khai NK mà DN đang xin nợ C/O trước khi thông quan hàng hóa, thời hạn bảo lãnh tối đa 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Hết thời hạn bảo lãnh mà DN không xuất trình C/O thì phải nộp đủ tiền thuế chênh lệch, tiền chậm nộp theo quy định.