“Tấm khiên” chống gian lận
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), hiện nay tỷ lệ trung bình đạt yêu cầu của các kỳ sát hạch lái xe khoảng 65%. Với tỷ lệ này, lãnh đạo các trung tâm đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe thừa nhận, chưa có ngành nghề nào tỷ lệ thi đỗ hay trượt chỉ đạt tỷ lệ hơn 50%, điều đó cho thấy độ khó của bài thi đã đến bước gần như tiệm cận.
Dẫn chứng từ việc sát hạch trắc nghiệm trên giấy với bộ đề thi được soạn sẵn, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã xây dựng bộ đề 300 câu hỏi năm 2005, 405 câu hỏi (năm 2009) 450 câu hỏi (năm 2012) và phần mềm sát hạch để người dự sát hạch thực hiện bài sát hạch trên máy vi tính với các đề sát hạch ngẫu nhiên lấy trong ngân hàng dữ liệu.
Đến năm 2020, ngành GTVT đã tăng câu hỏi lý thuyết lên 600 câu nhằm tăng cường kiến thức về Luật Giao thông đường bộ cũng như pháp luật an toàn giao thông cho người học lái xe. Trong 600 câu hỏi sẽ có 60 câu hỏi liên quan đến các trường hợp mất an toàn giao thông nghiêm trọng (60 câu điểm liệt), mỗi đề sát hạch có 1 câu này, nếu thí sinh trả lời sai sẽ không đạt nội dung sát hạch lý thuyết. Phòng sát hạch lý thuyết có gắn các camera giám sát, lưu trữ dữ liệu và truyền dữ liệu giám sát ra 2 đường độc lập; một đường ra màn hình trong phòng hội đồng và phòng chờ, công khai quá trình sát hạch để thí sinh và người dân giám sát; một đường kết nối về Tổng cục ĐBVN để các cơ quan truy cập trực tiếp giám sát quá trình sát hạch.
Với sát hạch thực hành lái xe trong hình, từ các bài sát hạch tiến và lùi xe qua các cọc chuẩn, cán bộ sát hạch ngồi trên xe cùng với thí sinh để chấm điểm. Từ 10 bài sát hạch lái xe năm 2010, đã tăng 1 bài sát hạch ghép xe ngang vào nơi đỗ năm 2015 để học viên luyện tập kỹ năng ghép xe ngang sát vỉa hè ở các đô thị. Hiện nay, khi sát hạch, không có cán bộ sát hạch ngồi trên ô tô sát hạch, thí sinh tự điều khiển xe qua các bài sát hạch trong sân, thiết bị tự động chấm điểm, trực tiếp thông báo kết quả trên ô tô sát hạch và biên bản tổng hợp được in ra từ máy tính.
Hơn nữa, trong quá trình thí sinh thực hiện bài sát hạch, các lỗi vi phạm và kết quả sát hạch của thí sinh tại từng bài sát hạch được công khai trên loa phóng thanh, loa trong ô tô sát hạch và màn hình hiển thị trong phòng chờ để thí sinh và người dân giám sát.
Đặc biệt, thiết bị chấm điểm tự động được lắp đặt trên phòng điều hành, ô tô sát hạch và tại hình các bài sát hạch trong sân sát hạch sẽ kết nối trực tuyến liên thông về Sở GTVT và Tổng cục ĐBVN nhằm theo dõi, kiểm tra giám sát và hậu kiểm để chống “bao đậu” hay gian lận trong khi sát hạch.
Lái xe đủ tự tin sau khi cấp bằng
Ông Lê Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề, Công ty cổ phần vận tải ôtô số 2 cho biết, với các quy định trong đào tạo, sát hạch lái xe hiện nay, nếu vượt qua, học viên hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu căn bản khi lái xe ngoài đường trường. Đầu ra về đào tạo lái xe của Việt Nam hoàn toàn tốt và đáp ứng được đòi hỏi vì trong sân sát hạch đã đầy đủ các tình huống, đánh giá rất tốt. Tỷ lệ lái xe ra trường sẽ tiếp tục được sàng lọc bởi nghề lái xe có đặc thù tập nhiều, rèn luyện từ kinh nghiệm thành kỹ năng.
Để tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ quá trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Tổng cục ĐBVN yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe ứng dụng công nghệ nhận dạng bằng vân tay học viên nhằm đảm bảo theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ôtô. Trong năm 2021, các cơ sở đào tạo lái xe trang bị và duy trì ca bin học lái xe ôtô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường, bổ sung nội dung học lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông. Đối với công tác sát hạch lái xe, trong năm 2021, Bộ GTVT bổ sung nội dung sát hạch “xử lý các tình huống giao thông trên phần mềm mô phỏng”.
Theo ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục ĐBVN, trong quá trình đào tạo, ngoài các tình huống, sa hình được thực hiện trên ca bin tập lái xe ô tô, Tổng cục ĐBVN cũng sẽ xây dựng thêm phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông diễn ra trong thực tế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông để người học, sát hạch thực hành xử lý các tình huống trong quá trình đào tạo và sát hạch lái xe.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo, siết chặt quy trình quản lý, tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hóa, công khai hóa và giám sát chặt chẽ quá trình sát hạch lái xe. Hiện Tổng cục ĐBVN đang triển khai với các sở GTVT và các trung tâm đào tạo việc cấp bằng sau 2 giờ thi, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân không mất thêm thời gian và tiền bạc…
Trí Dũng – Văn Nam