(CMO) Là chủ trương lớn của tỉnh, qua gần 5 tháng triển khai, Đề án xuất khẩu lao động của tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã vấp phải một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.Một trong những khó khăn được ghi nhận từ các địa phương đó chính là công tác tư vấn ban đầu chưa rõ ràng, khiến nhiều lao động sau khi đăng ký học (tại TP. Hồ Chí Minh) phải quay về "chạy" tiền để đóng học phí. Nhìn nhận vấn đề này, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau Từ Hoàng Ân cho biết, sự việc trên có xảy ra, bởi ban đầu một số doanh nghiệp hứa hỗ trợ không thu học phí, gần đến ngày các lao động đi xuất cảnh mới thanh quyết toán. Nhưng sau đó, có một vài lao động tự ý bỏ về nên doanh nghiệp vừa sợ mất chi phí đào tạo, vừa sợ mất lao động mới buộc học viên phải đóng tiền để gắn kết trách nhiệm. Do vậy, các lao động đăng ký sau doanh nghiệp buộc phải đóng tiền, khiến con em lúng túng khi lên TP. Hồ Chí Minh không tiền đóng, buộc phải đi về xoay xở tiền, khiến một số gia đình hoang mang. Ngoài ra, theo đề án, mỗi lao động được UBND tỉnh hỗ trợ chi phí ban đầu dự kiến 13,8 triệu đồng trong quá trình học, từ 6-8 tháng trước khi đủ điều kiện xuất cảnh qua các thị trường lao động (bao gồm chi phí học tiếng nước ngoài, điều kiện ăn ở…), nhưng khi thực hiện đề án, để đảm bảo ngân sách không bị thất thoát (do học viên tự ý bỏ học), nguồn kinh phí hỗ trợ này cũng được “dời” về cuối khoá học mới được nhận với đầy đủ thủ tục chứng từ, hoá đơn, phiếu thu các khoản chi phí. Chính sách vẫn đảm bảo hỗ trợ cho các em đủ các nguồn đó, nhưng thời điểm chi phải học xong mới được nhận khoản hỗ trợ. Điều đó cũng đồng nghĩa các em hoàn toàn tự túc cho đến khi đủ chuẩn đi làm việc nước ngoài.
Theo báo cáo từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh, tính đến ngày 10/10/2018, toàn tỉnh có 416 người đăng ký xuất khẩu lao động (259 người đăng ký thị trường Nhật Bản, 146 người thị trường Hàn Quốc và 1 lao động thị trường Đài Loan). Trong đó, có 183 người đã được khám sức khoẻ tổng quát, 155 lao động đang theo học ngoại ngữ. Đã có 1 lao động xuất cảnh sang Nhật Bản. Số lao động đã phỏng vấn đạt là 40 người, 8 người hiện đang chờ xuất cảnh. Tuy nhiên, những đối tượng này đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ hay vay vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội và ngân hàng thương mại theo sự liên kết từ đề án. Vướng mắc trên là do phương thức cho vay, hình thức cho vay và thu nợ của các ngân hàng không đồng nhất. Bởi mỗi ngân hàng có quy định gói cho vay khác nhau, với lãi suất khác nhau, nhưng đối với chính sách của tỉnh yêu cầu tất cả các ngân hàng tham gia lãi suất phải như nhau, quy trình như nhau nên khó trong quá trình thực hiện.
Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã làm việc với các ngân hàng thương mại, thống nhất chủ trương cho vay, hiện tại đang hoàn chỉnh hướng dẫn liên ngành giữa Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính, Ngân hàng Chính sách - Xã hội, ngân hàng thương mại. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành và đơn vị có liên quan sẽ sớm ban hành hướng dẫn quy trình thủ tục cho các em ngoài đối tượng chính sách được vay vốn. Được biết, trong 13 doanh nghiệp được cho chủ trương thẩm định để thực hiện kết nối cho các lao động xuất khẩu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH) đã chọn và ký kết với 7 doanh nghiệp có đầy đủ thủ tục pháp lý về đưa lao động đi nước ngoài. Theo ông Từ Hoàng Ân, việc chọn 7 công ty có uy tín nhất, không tràn lan là để tránh xảy ra tình trạng bóc lột sức lao động, không đúng nguyện vọng hay việc "đem con bỏ chợ". Trung tâm Dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp này có hợp đồng, quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của công ty đối với người lao động.
Rút kinh nghiệm từ những lần đưa người đi lao động trước đây, Sở LĐ-TB&XH quản lý lao động chặt chẽ hơn. Khi 1 lao động sang thị trường nước ngoài, doanh nghiệp đó phải có trách nhiệm cập nhật địa chỉ công ty, doanh nghiệp mà lao động đang làm việc báo về Sở LĐ-TB&XH. Sau đó, sở không cần thông qua công ty vẫn liên hệ trực tiếp lao động xem tình trạng ăn ở, sinh hoạt, chế độ như thế nào. Hoặc bên nước ngoài sẽ có địa chỉ liên hệ với Sở LĐ-TB&XH, khi có vấn đề gì bức xúc, phản ánh ngay để can thiệp kịp thời... "Nhìn chung, hiện nay bước đầu tháo gỡ vấn đề vay vốn, đây là mấu chốt vướng mắc của đề án. Sắp tới, các lao động sẽ được hỗ trợ tất cả chi phí như đề án đã nêu và dự kiến đợt đào tạo đầu tiên sẽ được xuất khẩu lao động. Hy vọng đây sẽ là tiền đề tốt đẹp cho những lao động tiếp theo, đáp ứng mục tiêu mà đề án hướng đến", ông Từ Hoàng Ân cho biết./. Hồng Nhung |