Bệnh viện TW Huế cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ Với vị trí là bệnh viện hạng đặc biệt,ọngchobệnhnhânđộtquỵthứ hạng của hertha bsc chịu trách nhiệm phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế luôn quan tâm, đầu tư trong lĩnh vực điều trị bệnh mạch máu não và đột quỵ. Bệnh viện đã cử người đi đào tạo, đồng thời mua sắm trang thiết bị hiện đại điều trị bệnh với mục tiêu an toàn, hiệu quả cao. PGS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế cho biết, từ năm 2014 đến nay, BV đã thành lập đơn vị Can thiệp mạch máu não, đồng thời đầu tư máy hiện đại chụp mạch kỹ thuật số hóa xóa nền (DSA) và nhiều thiết bị tiên tiến như máy cộng hưởng từ, máy xạ phẫu… triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới điều trị bệnh lý mạch máu não và đột quỵ. Theo TS. bác sĩ Tôn Thất Trí Dũng, phụ trách đơn vị đột quỵ Trung tâm điều trị theo yêu cầu Quốc tế - BVTW Huế, từ ngày thành lập đơn vị đến nay, kết hợp với nhiều chuyên khoa, như: Can thiệp tim mạch, hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh… dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc BV, các đơn vị phối hợp thực hiện theo quy trình cấp cứu, tranh thủ thời gian vàng (từ khi khởi bệnh đột quỵ nhồi máu não đến lúc điều trị đường tĩnh mạch là 4 - 5 giờ hoặc lấy huyết khối đường động mạch trước 6 giờ) đáp ứng kịp thời cấp cứu, cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ cấp với hiệu quả cao. Số bệnh nhân bị bệnh lý mạch máu não và đột quỵ được BV cứu sống ngày càng tăng. Năm 2014, khi mới thành lập đơn vị chụp và can thiệp mạch não 75 ca; năm 2015 là 230 ca, năm 2016 có 400 ca và năm 2017 tính đến thời điểm này trên 300 ca. Các bệnh thường gặp, xuất huyết dưới nhện do vỡ phình mạch, xuất huyết não do vỡ AVM và nhồi máu não cấp. Nhiều ca rất nặng, có bệnh nhân đã bị chết lâm sàng nhưng vẫn được BV cứu sống . Tôi nhớ mãi trường hợp may mắn của bệnh nhân Nguyễn Văn L (63 tuổi, phường Phú Hiệp, TP. Huế). Hôm ấy, ông L. đang chở vợ đi trên đường thì đột ngột ngất xỉu, hôn mê, liệt nửa người bên trái. Ông L. được đưa vào cấp cứu ở BVTW Huế. Bác sĩ chẩn đoán ông bị đột quỵ (nhồi máu não cấp), liệt nửa người bên trái, hôn mê sâu. Sau khi điều trị kịp thời, bệnh nhân hồi tỉnh và chân tay cử động được. Theo TS. Tôn Thất Trí Dũng, trường hợp này để chậm vài giờ nếu cứu sống, bệnh nhân cũng sẽ phải chịu đời sống thực vật. Cách đây 2 tháng, khi đang thăm người quen nằm viện, tôi thấy các bác sĩ đang tiến hành cấp cứu cho một bệnh nhân lớn tuổi, vừa được đưa vào viện trong tình trạng liệt một nửa người bên phải, kích thích vật vã, rối loạn ý thức có nguy cơ tử vong. Ông là Tôn Thất T., 82 tuổi, ở Huế bị đột quỵ. Bệnh nhân được can thiệp mạch cấp cứu với chụp mạch não số hóa xóa nền (DSA), xác định động mạch cảnh trong bên trái hoàn toàn bị tắc. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được sớm tái thông đường máu lên não trở lại, não được cung cấp máu đầy đủ, các triệu chứng lâm sàng như liệt nửa người được cải thiện, bệnh nhân tỉnh táo… Sau 2 ngày mổ, ông T. đã đi lại bình thường, tay chân cử động tốt, nói được Theo Thông tư 47/2016/TT-BYT của Bộ Y tế quy định các về đột qụy: Đối với các bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, phấn đấu đến năm 2020 thành lập Đội phản ứng nhanh đột quỵ, đến năm 2025 sẽ thành lập Trung tâm đột qụy. PGS. TS. bác sĩ Phạm Như Hiệp cho hay: “BVTW Huế đang xúc tiến, tiếp tục đào tạo nhân lực, xây dựng hoàn chỉnh, đầu tư các phương tiện hiện đại, triển khai các kỹ thuật cao, điều trị nội khoa tích cực, can thiệp mạch não, phẫu thuật thần kinh… trước năm 2020 sẽ thành lập Trung tâm đột quỵ, nơi phản ứng nhanh cho bệnh nhân đột quỵ cấp. Tính ưu việt của trung tâm này là các khoa phối hợp điều trị bệnh cùng một lúc để thực hiện cấp cứu giờ vàng cho bệnh nhân chứ không hoạt động riêng lẻ từng đơn vị như trước đây, bảo đảm hoạt động liên tục 24/24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần. Trung tâm sẽ xây dựng các quy trình cấp cứu theo tiêu chuẩn, quy trình của hiệp hội đột quỵ Việt Nam và thế giới. Chất lượng ngang tầm trong nước và khu vực. BV sẽ kết hợp Sở Y tế triển khai mạng lưới cấp cứu đột quỵ trên toàn tỉnh để thực hiện tốt cấp cứu điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ não, tranh thủ giờ vàng, nhằm nâng cao sự hồi phục và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bài, ảnh: Đinh Hoàng Xuân Hồng |