Xã Nguyễn Phích, huyện U Minh có hơn 25.000 dân, số người trong độ tuổi lao động hơn 15.000 người. Thời gian qua, để giải quyết việc làm cho người lao động, xã đã nhân rộng các mô hình sản xuất, đồng thời tổ chức đào tạo nghề, khuyến khích thành lập tổ hợp tác sản xuất, duy trì nghề đan đát…
Xã Nguyễn Phích, huyện U Minh có hơn 25.000 dân, số người trong độ tuổi lao động hơn 15.000 người. Thời gian qua, để giải quyết việc làm cho người lao động, xã đã nhân rộng các mô hình sản xuất, đồng thời tổ chức đào tạo nghề, khuyến khích thành lập tổ hợp tác sản xuất, duy trì nghề đan đát…
Từ đầu năm đến nay, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh đã mở các lớp dạy nghề như: trồng nấm, sửa chữa điện tử, may dân dụng… Qua các lớp học cơ bản, nhiều lao động đã tự tìm việc làm trong tỉnh và đi lao động ngoài tỉnh với mức thu nhập bình quân từ 2,5-4 triệu đồng/tháng. Ðến đầu tháng 9, xã đã giải quyết việc làm cho khoảng 780 lao động, đạt trên 97% chỉ tiêu giải quyết việc làm năm 2015.
Tạo thu nhập cho lao động nhàn rỗi
Hợp tác xã (HTX) Anh Ðào (ấp 3, Rạch Chệt) chính thức thành lập vào cuối năm 2014, nhưng thực tế thì HTX này đã hoạt động hơn 5 năm qua, khởi nghiệp từ gia đình của chị Trịnh Bé Ðào.
Đan đát - nghề truyền thống của gia đình chị Nga. |
Sản xuất cây lau nhà, thảm chùi chân…, HTX Anh Ðào có khoảng 30 thành viên và thuê thêm nhiều lao động mới đáp ứng được sản xuất, đảm bảo thời gian giao hàng. Bình quân mỗi lao động có thu nhập từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/tháng.
“Ðể có cây lau nhà, thảm chùi chân phải qua nhiều công đoạn, nên có công đoạn chúng tôi giao vật liệu cho lao động mang về nhà làm, để họ vừa có thể giải quyết việc nhà, vừa tranh thủ kiếm thêm thu nhập”, chị Ðào cho biết.
Cũng hình thức thuê mướn lao động làm việc theo dây chuyền (có thể làm tại nhà), cơ sở đan đát của gia đình chị Huỳnh Thị Nga ở Rạch Sộp, xã Nguyện Phích đã giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động. Chị Nga bộc bạch: “Tuy sản phẩm làm ra tăng, giảm theo nhu cầu thị trường (chủ yếu là ngoài tỉnh), nhưng bình quân mỗi lao động (chủ yếu là tranh thủ thời gian nhàn rỗi) thu nhập từ 1,2-2 triệu đồng/tháng”.
Khuyến khích lao động tại chỗ
Ngoài 2 HTX nghề tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi và cơ sở đan đát, trên địa bàn Nguyễn Phích hiện cũng đã thành lập hơn 40 tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản, với nhiều mô hình sản xuất đang phát huy hiệu quả.
Ðiển hình như Tổ hợp tác nuôi tôm quảng canh ở ấp 1. Toàn ấp có 4 tổ hợp tác, hằng tháng các tổ đều tổ chức họp bàn kế hoạch, quy trình sản xuất và thống nhất thực hiện đồng loạt để có hiệu quả năng suất cao. Bên cạnh đó, các tổ viên còn vận động hùn vốn sửa chữa nhà ở. Thế nên, điều kiện kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần đoàn kết của người dân ấp 1 ngày càng phát triển.
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Võ Văn Liêu cho biết, trong thời gian tới, xã Nguyễn Phích tiếp tục tập trung thực hiện các chương trình giải quyết việc làm. Tranh thủ các nguồn vốn vay để hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, chú trọng đến đào tạo nghề phổ thông phù hợp với lao động nông thôn, nhằm tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
“Phổ biến, nhân rộng các mô hình sản xuất, khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, duy trì nghề truyền thống; đồng thời quy hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện từng ấp… là những công tác trọng tâm của xã trong nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 1-2% hằng năm. Hiện tỷ lệ thất nghiệp của xã là 5%, giảm hơn 1% so với cùng kỳ năm 2014”, ông Võ Văn Liêu thông tin thêm./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha