Đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ Theo Nghị quyết, Quốc hội đã quyết nghị 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KTXH) chủ yếu của năm 2024. Cụ thể như: tốc độ tăng GDP từ 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% - 24,2%; tốc độ tăng CPI bình quân 4 - 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%... Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 1%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ; số giường bệnh/10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, xây dựng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6 - 6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng từ 5 - 6%. Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm. Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu, do đó, đề nghị giữ như dự thảo Nghị quyết.
Bên cạnh đó, có ý kiến băn khoăn về việc tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2024 đang để thấp hơn năm 2023. Về nội dung này, UBTVQH cho hay công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn khó khăn do thị trường thế giới chưa phục hồi hoàn toàn, thiếu đơn hàng sản xuất dẫn tới tình trạng ngừng sản xuất và thu hẹp quy mô. Về lao động, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiếp tục diễn ra sẽ kéo theo sự chuyển dịch lao động giữa các ngành kinh tế nhưng với tốc độ chậm do một bộ phận lao động phải chuyển sang những công việc, lĩnh vực chuyên môn mới, cần thời gian học tập, nghiên cứu, thích nghi. Dự kiến mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm 2024 khoảng 4,8% - 5,3%, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% - 24,2% là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng và dự báo về tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và lực lượng lao động. Ngoài ra, theo UBTVQH, các chỉ tiêu khác của năm 2024 được tính toán trên cơ sở bối cảnh trong nước, quốc tế, cơ sở kết quả thực hiện của năm 2023 và các nguồn lực hiện có để triển khai trong năm 2024. Giải quyết dứt điểm những dự án dở dang Trao đổi bên hành lang Quốc hội về tình hình KTXH năm 2024, đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá nhiều chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 khá thách thức. Đặc biệt là khi kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo còn nhiều khó khăn. Các yếu tố bất định từ bên ngoài tạo nên nhiều thách thức lớn hơn tới điều hành kinh tế, cũng như thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Đánh giá những kết quả mà nền kinh tế Việt Nam đạt được cho đến nay là “đáng trân trọng và ghi nhận”, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng những nỗ lực và sự chủ động trong bối cảnh hiện tại là vô cùng có ý nghĩa. Những giải pháp mà Quốc hội, Chính phủ đang thực hiện là toàn diện, đầy đủ. Tuy nhiên, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng cần có sự ưu tiên, tập trung hơn để giải quyết dứt điểm các vấn đề đã được đặt ra. Cụ thể, quan trọng nhất là khơi thông những nguồn lực hiện có, các nguồn lực đang nằm trong dự án đã triển khai, đang dang dở vì vướng mắc thể chế, pháp lý, vướng mắc phòng cháy, chữa cháy. “Điểm chung của các dự án này là đã nhận diện được vướng mắc, có thể giải quyết dứt điểm, nhưng vẫn đang loay hoay chưa có lối ra” - đại biểu nói. Với quan điểm này, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị rà soát, lên danh mục chi tiết những dự án quy mô lớn thuộc diện vướng mắc đã được nhận diện, có thể có nghị quyết đặc thù, để tháo gỡ ngay, kịp thời, dứt điểm cho từng dự án. Với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần có nghị quyết của Quốc hội để giải quyết những dự án có địa chỉ, có vướng mắc, chứ không chỉ là các nghị quyết về cơ chế chung hay nghị quyết thí điểm. “Quan điểm của tôi là không cầu toàn, chưa thể giải quyết đồng loạt, mà chọn giải quyết dứt điểm được một số dự án quy mô lớn sẽ khơi được đầu ra, khai thông được dự án thì sẽ liên thông giải quyết được rất nhiều vấn đề của thị trường trái phiếu và thị trường vốn” - đại biểu đề nghị.
|