Nhà báo Phạm Văn Tri, bí danh Bảy Minh, bút danh Thanh Minh, sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo thuộc huyện Cái Nước. Anh kể, quãng đời từ thơ ấu đến tuổi thanh niên, học nhiều trường, nhiều lớp nhưng chưa một lần tốt nghiệp bởi vừa học, vừa làm nhiệm vụ.
Nhà báo Phạm Văn Tri, bí danh Bảy Minh, bút danh Thanh Minh, sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo thuộc huyện Cái Nước. Anh kể, quãng đời từ thơ ấu đến tuổi thanh niên, học nhiều trường, nhiều lớp nhưng chưa một lần tốt nghiệp bởi vừa học, vừa làm nhiệm vụ.
Bảy Minh trở thành phóng viên chiến trường từ năm 1966-1975. Anh sớm xác định ngòi bút của mình phải viết những gì, viết cho ai và viết để làm gì? Trải qua nhiều nhiệm vụ, từ Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng đến Báo Cà Mau, anh luôn thể hiện quan điểm trong sáng, mục tiêu rõ ràng qua từng trang viết.
Cuộc chiến không tiếng súng
Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh được lãnh đạo tỉnh Cà Mau cử đi học tại Trường Tuyên huấn Trung ương ở Hà Nội. Anh trở về vào tháng 1/1978, nhận nhiệm vụ Uỷ viên Ban Biên tập Báo Minh Hải. Năm 1980 là Phó Tổng Biên tập, từ năm 1984 làm Quyền Tổng Biên tập cho đến năm 1990; anh là Bí thư Chi bộ Báo Minh Hải nhiều nhiệm kỳ. Lãnh đạo tỉnh cũng như phóng viên, cán bộ biên tập rất kỳ vọng vào anh bởi họ đánh giá được phẩm chất, năng lực qua cách xử lý công việc, các mối quan hệ và thái độ trách nhiệm của anh với vai trò được phân công.
Nhà báo Phạm Văn Tri. Ảnh: HOÀNG VŨ |
Nhờ đồng tâm hiệp lực của anh em, tờ báo phát hành liên tục, nội dung, hình thức được cải tiến nâng cao theo hướng “đổi mới thông tin - chống tiêu cực”. Với anh, tờ báo phải thực sự là diễn đàn của Nhân dân và tiếng nói chính thống của Ðảng bộ Minh Hải. Muốn làm được điều đó phải có con người, dù lực lượng lúc ấy vừa thiếu, vừa yếu nhưng anh mạnh dạn chọn người đi học nghiệp vụ, 5 phóng viên được đi học đại học báo chí ở Hà Nội.
Ðể khắc phục những chỗ trống nầy, anh xin ý kiến lãnh đạo chọn 15 học viên giỏi ở Trường Công Nông có năng khiếu viết, gởi lên Trường Tuyên huấn Trung ương 3 Thủ Ðức để đào tạo. Nhờ sự quyết đoán của anh mà Báo Minh Hải có được đội ngũ nhà báo hùng hậu, vững vàng quan điểm, bản lĩnh, nhạy bén trong nghề nghiệp cho những năm tiếp theo.
Khi có Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, Báo Nhân Dân xuất hiện chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của tác giả NVL (Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng). Báo Minh Hải được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin, Ban Biên tập đề ra lộ trình thông tin nhiều chiều, đa dạng theo xu hướng đổi mới báo chí, chống tiêu cực, nhằm làm trong sạch một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ mắc những sai lầm một thời quan liêu bao cấp, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhân dân. Hiện tượng ức hiếp quần chúng, cửa quyền, tham ô, móc ngoặc, bè phái… xuất hiện, nhưng họ là ai? Chắc chắn không phải là nông dân, người lao động nghèo. Và các nhà báo đã vào cuộc để chống lại hiện tượng tha hoá, biến chất, gây ảnh hưởng xấu đến chính quyền cách mạng. Nhân dân Minh Hải vô cùng phấn khởi, nhiều đại lý phát hành các tỉnh lân cận đặt Báo Minh Hải, toà soạn mở ra nhiều phương thức đưa báo tới tay bạn đọc nên số lượng phát hành lên đến vài chục ngàn bản/kỳ.
Hàng loạt vụ bê bối trong tỉnh được Báo Minh Hải phanh phui như: chủ nhiệm lộng quyền tước đoạt thành quả lao động của xã viên, hủ hoá, mất đạo đức ở HTX nông nghiệp Vĩnh Thuận; tham ô ở các công ty lương thực, vật liệu xây dựng, chất đốt…; khuất tất ở Ty Thương nghiệp; tiêu cực tại HTX 1/5, HTX 30/4 ở huyện Vĩnh Lợi; vụ án Lữ Anh Dồi 8 năm chưa truy tố hung thủ; chuyện xe, nhà, vuông tôm ở Ðầm Dơi… và rất nhiều vụ tiêu cực khác.
Ðể có được chứng cứ phục vụ công tác thông tin công khai trên báo, nhà báo phải thực hiện chức năng của người thám tử, một điều tra viên. Nhà báo Phạm Văn Tri đã thành lập “tổ công tác đặc biệt”, lên kế hoạch từng khâu, từng công đoạn, giao việc cho từng người thật chi tiết, chặt chẽ nên khi “ra quân” tránh được những sơ suất đáng tiếc. Khi cơ quan ngôn luận đứng về phía chính nghĩa, dư luận rất đồng tình và hết sức tin tưởng. Thời điểm báo chí tuyên chiến với tiêu cực cũng là lúc Báo Minh Hải tiếp nhận rất nhiều đơn, thư tố cáo, khiếu nại, yêu cầu… hầu như ngày nào cũng có bà con nghèo, gia đình có công bị ức hiếp đến yêu cầu can thiệp, giúp đỡ. Nhà báo Phạm Văn Tri chưa bỏ sót hay vô tình với bất cứ trường hợp nào, anh tổ chức bộ phận tiếp bạn đọc để lắng nghe, thẩm tra, đối chiếu làm cơ sở để thông tin, phản ảnh kịp thời và chính xác.
Hàng trăm nông dân ở HTX Vĩnh Thuận, nếu báo Minh Hải không lên tiếng đấu tranh thì cán bộ Hai Nghé sẽ tiếp tục cướp đoạt thành quả lao động của bà con. Tình trạng tiêu cực ở Công ty Xây dựng, Ty Lương thực; bê bối ở Vĩnh Lợi, ở Ðầm Dơi, nếu Báo Minh Hải không vào cuộc, người nông dân, công nhân bị trù dập không thương tiếc, tài sản Nhà nước bị bọn tham ô đục khoét không biết đến bao giờ...
Những sự vụ điển hình trên, hơn 30 năm rồi nhưng người dân Cà Mau - Bạc Liêu không thể quên những bài viết nóng hổi tính thời sự, những ý kiến tranh luận sôi nổi của bạn đọc, bởi đó là những hồi chuông cảnh tỉnh, là niềm tin của dân đối với chế độ. Báo Minh Hải đã phát huy sức mạnh truyền thông, làm tốt chức năng của cơ quan ngôn luận, là công cụ chuyên chính của Ðảng, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.
Hoài niệm và tri ân
Anh được hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau từ năm 1990-2010. Trải qua nhiều nhiệm kỳ, anh luôn giữ chắc “tay chèo”, củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, ổn định tư tưởng để anh em yên tâm phát huy khả năng sáng tạo. Hơn 200 nhà báo đang hoạt động hiện nay đều được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nghiêm túc và được rèn luyện phẩm chất, bản lĩnh của người làm báo. Trong 10 làm Chủ tịch Hội, mỗi năm đều có ít nhất 4 lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn ngày. Năm 1995, Hội phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở lớp đại học báo chí tại chức, hơn 60 nhà báo trong tỉnh đã hoàn thành chương trình cử nhân báo chí, niềm mơ ước bấy lâu của anh em làm báo ở Cà Mau.
Một thành tích đáng ghi nhận nữa của anh, đó là việc tổ chức các cuộc thi nghiệp vụ nhằm phát hiện những nhà báo giỏi, tâm huyết với nghề. Từ năm 1990 đã mở ra phong trào thi viết, đến nay đã có 9 cuộc thi hằng năm và đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư kinh phí phục vụ cho hoạt động báo chí thường niên lên đến hàng tỷ đồng/năm. Ðây là động lực, sân chơi trí tuệ của những người làm báo chuyên nghiệp đã lan toả đến những người viết báo không chuyên. Ðến nay, Cà Mau có lực lượng cộng tác viên khá đông và có nhiều tác phẩm giá trị được đăng, phát.
Anh đang sưu tầm thêm tư liệu của Cà Mau, viết tiếp những trang đời, trong đó có tập hồi ký. Ðây là niềm vui, là sự chia sẻ của một người luôn nặng lòng với sự nghiệp báo chí, với sự chuyển động không ngừng nghỉ của cuộc sống đang tiếp diễn. Ðến nay, anh vẫn là “trung tâm” để anh em đồng nghiệp gởi gắm niềm tin, kính trọng. Nhìn lại quá trình hoạt động báo chí của Nhà báo Phạm Văn Tri, tôi tự nhủ, ai mang trong mình bản chất cương trực, khẳng khái, công minh… thì khó tránh khỏi những cuồng phong mà họ phải đối mặt, bởi cuộc đời cũng như thời tiết, nó có quy luật nhưng không bất biến. Anh như người đi qua bão giông, đến khi “biển lặng sóng yên” những gì còn lại, đá - vàng mới tỏ rõ.
40 năm công tác cùng ngành, hôm nay tôi có thể kể một chút với độc giả về anh, một con người tử tế, một nhà báo chân chính với những gì anh đã cống hiến, nếm trải trong suốt chặng đường làm báo cách mạng. Tôi hỏi động lực nào khiến anh đứng vững trên trận địa gian nan một thời gian dài như thế? Anh điềm tĩnh lý giải: "Tôi tin và dựa vào đường lối đổi mới của Ðảng. Tôi tin vào sự thật - lẽ phải - chân lý".
Và tôi cũng rất thích câu nói mang tính đúc kết trong công việc của anh “Sự thật - vị thần nghiêm khắc mà giàu lòng nhân ái”./.
Lê Ngọc Diễm