Qua công tác này, các doanh nghiệp (DN) dần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, cơ quan hải quan cũng tổng hợp phản ánh kịp thời vướng mắc, bất cập để sửa đổi, bổ sung chính sách.
Tăng thu hơn 1.000 tỷ đồng
Tính đến hết tháng 6, lực lượng KTSTQ toàn ngành Hải quan đã thực hiện 3.166 cuộc KTSTQ, trong đó có 531 cuộc tại trụ sở người khai hải quan (NKHQ), đạt 41% chỉ tiêu năm 2018 và 2.635 cuộc kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 1.174,3 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN số tiền (bao gồm thu cả các cuộc kiểm tra năm 2017) là 1.029,9 tỷ đồng, đạt 46% chỉ tiêu được giao.
Riêng kế hoạch năm 2018 của Cục KTSTQ là thực hiện 150 cuộc, thực thu ngân sách đạt 650 tỷ đồng. 6 tháng, đơn vị này đã thực hiện 71 cuộc KTSTQ tại trụ sở NKHQ, đạt 47% chỉ tiêu được giao; ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 624,6 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN số tiền (bao gồm thu cả các cuộc kiểm tra năm 2017) là 504 tỷ đồng, đạt 78% chỉ tiêu được giao.
Năm 2018, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch KTSTQ, đánh giá tuân thủ pháp luật đối với 246 DN giao cho Cục KTSTQ và 21 cục hải quan địa phương (có chi cục KTSTQ) thực hiện; trong đó chú trọng công tác thu thập thông tin đối với DN. Đặc biệt, lực lượng KTSTQ đã tiến hành phân tích rủi ro, kiểm tra đánh giá tuân thủ pháp luật của các DN, tập đoàn lớn, lĩnh vực, mặt hàng, nhóm mặt hàng có rủi ro cao và những DN chưa thực hiện KTSTQ, có dấu hiệu gian lận, trốn thuế lớn. Cùng với đó, công tác kiểm tra tập trung trọng tâm, trọng điểm vào các mặt hàng phức tạp, có kim ngạch lớn và có khả năng gian lận về mã giá như ô tô, rượu bia…
Bên cạnh đó, qua kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh, cơ quan hải quan cũng kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN như: xử lý kiến nghị về việc truy thu thuế cho các lô hàng gỗ nhập khẩu; hướng dẫn các cục hải quan địa phương đẩy mạnh công tác KTSTQ tại cơ quan hải quan đối với các lô hàng có dấu hiệu rủi ro cao, các trường hợp nghi ngờ về mã số, trị giá...
Đẩy mạnh thu thập, phân tích thông tin
Tuy nhiên, đại diện Cục KTSTQ cũng chỉ ra một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là: Chính sách về mặt hàng có sự thay đổi theo thời gian; nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thời gian áp dụng khác nhau dẫn đến việc đánh giá thông tin gặp nhiều khó khăn. Một số quy định pháp luật còn phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau nên việc xử lý kết quả KTSTQ gặp vướng mắc. Bên cạnh đó, tại một số cục hải quan địa phương, có một số đơn vị thực hiện kiểm tra chưa đúng với quy định, quy trình KTSTQ…
Đầu năm 2018, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo thực hiện đạt tối thiểu 1.280 cuộc KTSTQ tại trụ sở NKHQ và đạt số thực thu NSNN qua hoạt động này tối thiểu 2.235 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu này, đại diện Cục KTSTQ cho biết từ nay đến cuối năm, lực lượng KTSTQ toàn ngành sẽ tiếp tục chủ động đẩy mạnh công tác thu thập, phân tích thông tin để phục vụ việc lựa chọn DN kiểm tra. Đặc biệt, các cơ quan này sẽ tăng cường thu thập, phân tích thông tin các DN, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, có rủi ro cao, tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu, số thuế lớn trên phạm vi toàn quốc. Đây được xem là giải pháp quan trọng giúp công tác KTSTQ được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả, rút ngắn thời gian kiểm tra; DN có thể nắm bắt ngay được yêu cầu của cuộc kiểm tra và hợp tác kịp thời với cơ quan hải quan.
Đồng thời, Cục KTSTQ sẽ tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với hải quan các địa phương về công tác nghiệp vụ, đảm bảo việc triển khai hoạt động KTSTQ đúng quy định pháp luật; xây dựng các chuyên đề KTSTQ cụ thể để chỉ đạo hải quan các địa phương kiểm tra đạt hiệu quả.
Cục KTSTQ đang phấn đấu thẩm định trình Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan công nhận chế độ DN ưu tiên thêm cho khoảng 8 DN, nâng tổng số DN được công nhận là DN ưu tiên lên hơn 73 DN… |
Nam Khánh