Rà soát toàn diện tiêu chuẩn nước mắm | |
Nước mắm Phú Quốc tiếp cận EU nhờ chỉ dẫn địa lý | |
Xử phạt nhiều cơ quan báo chí thông tin sai sự thật về chất lượng nước mắm | |
Doanh nghiệp nước mắm truyền thống đã “sống lại” |
Lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì buổi gặp gỡ báo chí. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Chiều tối nay 8/3, trước nhiều luồng ý kiến trái chiều xung quanh nội dung Dự thảo TCVN 1260: 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có buổi gặp gỡ báo chí để trao đổi về những nội dung liên quan.
Nhiều câu hỏi tại buổi gặp gỡ đề cập tới nghi ngại về các nội dung bất hợp lý trong Dự thảo, thậm chí nếu tiêu chuẩn này được ban hành sẽ làm khó, có nguy cơ “giết chết” nước mắm truyền thống, ông Đào Trọng Hiếu-Phó trưởng phòng Phát triển thị trường thủy sản (Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản) cho biết: Dựa trên kết quả đề tài nghiên cứu 10 năm (do Bộ Thủy sản trước đây thực hiện) và kế hoạch khoa học công nghệ năm 2017 đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (nay là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) được giao nhiệm vụ biên soạn Dự thảo TCVN Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm từ đầu năm 2017.
Qua 2 năm triển khai thực hiện, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã hoàn thiện toàn bộ hồ sơ Dự thảo, đảm bảo đầy đủ trình tự xây dựng TCVN.
“Các chỉ tiêu đưa ra trong Dự thảo tiêu chuẩn này chỉ nhằm mục đích hỗ trợ, tạo công cụ cho nhà quản lý DN, nhà sản xuất nhận diện được mối nguy, nâng cao uy tín của nhà sản xuất, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm. Quy chuẩn thì bắt buộc phải thực hiện khi sản xuất, còn tiêu chuẩn không bắt buộc”, ông Hiếu nói.
Hàm lượng histamine quy định trong nước mắm ở mức 400ppm là một trong những nội dung nhận được khá nhiều sự quan tâm tại buổi trao đổi. TS.Trần Thị Dung- một chuyên gia trong ngành nước mắm nêu quan điểm: Không có tiêu chuẩn, trên thực tế, hiện nay hơn 2.800 DN và hộ chế biến nước mắm truyền thống (nước mắm cốt với cách ủ chượp truyền thống từ cá không qua pha chế) vẫn đang hoạt động tốt.
Họ hoạt động đông đảo như vậy chứng tỏ vẫn phải đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm nếu không các cơ quan chức năng đã xử lý. Hình ảnh ủ chượp nước mắm nổi các vi sinh vật mất vệ sinh đã là quá khứ, không nên nhắc lại khiến người tiêu dùng có nhìn nhận không đúng về nước mắm truyền thống.
“Bộ NN&PTNT hoặc Bộ Y tế cần có nghiên cứu cụ thể để đưa ra tiêu chuẩn về hàm lượng histamine riêng tại Việt Nam, theo thực tế sản xuất nước mắm trong nước để người tiêu dùng có thể tham khảo rõ ràng”, TS. Dung nói.
Về con số giới hạn hàm lương histamine 400ppm, ông Vũ Ngọc Quỳnh-nguyên Giám đốc Văn phòng Codex Việt Nam phân tích thêm: Quy định hàm lượng histamine là vấn đề phức tạp. Hàm lượng histamine trong nước mắm có trong tiêu chuẩn Codex, tiêu chuẩn này dùng cho 198 nước. Vậy tại sao lại quy định 400 ppm mà không rộng ra chút cho “dễ thở”?
"Trước đây, khi chưa có con số 400 ppm này, toàn thế giới áp tiêu chuẩn 200 ppm. Lúc đó tiêu chuẩn nước mắm cơ sở Phú Quốc còn quy định nghiêm hơn, chỉ có 100 ppm. Hiện nay ít nơi đáp ứng được yêu cầu 200 ppm. Trên cơ sở đề xuất của Thái Lan và Việt Nam-hai quốc gia sản xuất nhiều nước mắm, Ủy ban Codex Quốc tế đã đồng ý mức 400 ppm histamine trong nước mắm. Đây là lượng rất an toàn cho người tiêu dùng trên toàn thế giới”, ông Quỳnh nói.
Trước câu hỏi dù tiêu chuẩn về nước mắm không bắt buộc áp dụng nhưng liệu về lâu dài, đây có thể là cơ sở để xây dựng nên quy chuẩn về nước mắm sau này, ông Nguyễn Hoàng Linh-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khẳng định: Dự thảo này theo đúng tinh thần pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn. Tiêu chuẩn là tự nguyện áp dụng không phải bắt buộc.
"Với lo ngại tiêu chuẩn sẽ thành quy chuẩn, lúc đó sẽ gây khó khăn cho nước mắm truyền thống thì tôi xin khẳng định, quá trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật hoàn toàn khác, độc lập với xây dựng tiêu chuẩn. Khi thực sự có xây dựng quy chuẩn, toàn bộ bước nghiên cứu, xây dựng dự thảo, lấy ý kiến, thẩm định… là độc lập”, ông Linh nói.
Ông Trần Văn Công-Phó cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh: Hiện nay, dự thảo về tiêu chuẩn này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến. Cục luôn lắng nghe và sẵn sàng tiếp thu các ý kiến xây dựng để hoàn thiện dự thảo trong thời gian tới.