Như đã đề cập ở kỳ trước, trả lời phỏng vấn Văn Hóa, ông Trần Văn Thái, Trưởng phòng VHTT và ông Lục Văn Thành, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Mường Khương đều đưa ra cùng một lý do chính yếu, khiến địa phương này bị thu hồi cả ba điểm du lịch, đó là không được quan tâm đầu tư. Cụ thể, huyện không đủ ngân sách để đầu tư trong khi UBND tỉnh, Sở Du lịch Lào Cai cũng chưa thể hỗ trợ.
Ai đứng ra để xin, ai đứng ra để làm?
Trước sự lý giải này của các phòng chức năng huyện Mường Khương, một cán bộ Sở Du lịch Lào Cai cho rằng: “Khi đã đề nghị công nhận điểm du lịch trình tỉnh thì bản thân địa phương phải cố gắng xây dựng, duy trì, phát triển. Ai lấy đâu ra tiền để cứ đổ vào. Trên đấy, sau khi rà soát thì huyện cũng đồng tình trình công văn đề nghị thu hồi, sau này những điểm có khả năng phục hồi và làm được du lịch, chính quyền địa phương, đơn vị được giao phải đứng lên làm chứ không thể giữ rồi tính sau. Về vấn đề đầu tư, ai đứng ra để xin, ai đứng ra để làm? Các huyện miền núi về cơ bản khá giống nhau, quan trọng là địa phương có tài nguyên gì, sản phẩm gì đặc sắc mới làm được, chứ không chỉ chờ đầu tư. Sở Du lịch không thể dồn hết nguồn lực cho tất cả các địa phương, cũng phải theo thứ tự ưu tiên. Ví dụ như tỉnh đang hướng tới Bắc Hà thì ưu tiên cho Bắc Hà…”.
Trong khi đó, theo ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch, nếu không đề nghị UBND tỉnh thu hồi quyết định đã công nhận thì các điểm du lịch này sẽ không đảm bảo theo quy định của Luật Du lịch, cũng như mục tiêu đề ra; đồng thời cũng là cảnh báo cho các địa phương cần quan tâm đầu tư cho các điểm du lịch, bởi để công nhận được một điểm du lịch tốn rất nhiều công sức từ khảo sát đến xây dựng hồ sơ, thẩm định… Đừng để các điểm du lịch chỉ có tên trên giấy. Nhưng, đối với những điểm du lịch thiếu sự quan tâm và đầu tư từ tỉnh đến huyện, để rồi “cực chẳng đã” phải thu hồi như lời Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai, thì ai phải chịu trách nhiệm?
Theo dõi sát sao hoạt động của địa phương, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chỉ đồng tình một phần nào với cách giải thích như trên. “UBND cấp tỉnh thu hồi quyết định công nhận điểm du lịch trong trường hợp điểm du lịch không còn bảo đảm điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Du lịch. Chính vì vậy, nếu quá trình quản lý, kiểm tra, giám sát, UBND tỉnh Lào Cai xét thấy các điểm du lịch nói trên không còn đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Du lịch thì việc thu hồi quyết định công nhận là đúng”. Hơn nữa, các điểm du lịch này được công nhận theo quy định tại Luật Du lịch năm 2005. Luật Du lịch năm 2017 được ban hành đã có nhiều thay đổi, đặc biệt, không còn quy định về tuyến du lịch như đã nêu trong quyết định số 1669/ QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai. Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch và nhiều quy định tại các luật khác cũng thay đổi nên việc rà soát, thay đổi của địa phương là hoàn toàn phù hợp”, ông Phúc nói. Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch, không phải cứ thu hồi xong là thôi.
Cần sớm hồi sinh du lịch Mường Khương
Lào Cai là địa phương phát triển du lịch mạnh mẽ. Sa Pa thậm chí đang xảy ra tình trạng quá tải. Thế nhưng Mường Khương lại trở thành “điểm trắng” du lịch. Hỏi huyện, huyện kêu khó khăn, không có kinh phí đầu tư cho du lịch. Hỏi Sở, Sở cho là trách nhiệm của huyện, để được hỗ trợ cũng phải chờ đến lượt. Vậy để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm cần thuộc về một địa chỉ cụ thể chứ không thể “hòa cả làng”.
Mường Khương là huyện mang vẻ đẹp hoang sơ đầy quyến rũ với thiên nhiên hùng vĩ, đồng thời cất giữ những giá trị văn hóa đặc biệt của cộng đồng dân tộc thiểu số. Vì vậy đây là sự việc rất đáng tiếc, ít nhiều gây ảnh hưởng tới hình ảnh và sức hấp dẫn của du lịch huyện Mường Khương nói chung và cá nhân, tổ chức kinh doanh, quản lý các điểm du lịch nói riêng.