Thu hồi trụ sở cũ của một số bộ, ngành
Theo đánh giá từ Cục Công sản, công tác quản lý, sử dụng tài sản công trong năm 2018 đã đi vào nề nếp trên nhiều lĩnh vực, như quản lý trụ sở công; quản lý, sử dụng xe ô tô công và máy móc, thiết bị; quản lý tài chính đất đai...
Đối với việc quản lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp gắn với việc triển khai sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành sớm việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức trong đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng trụ sở làm việc; nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị giữ lại trụ sở làm việc để bố trí cho các cơ quan, đơn vị khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền; các đơn vị phải bàn giao lại trụ sở cũ khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng trụ sở mới.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với 7 bộ, ngành đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới để thực hiện rà soát, đề xuất phương án xử lý đối với trụ sở cũ. Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã quyết định thu hồi trụ sở làm việc cũ của một số bộ, ngành để xử lý, bố trí cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu cấp thiết về trụ sở làm việc.
Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai việc sắp xếp nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương và địa phương đang quản lý. Tính đến hết tháng 11/2018, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất đối với 166.699 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích khoảng 3.217,6 triệu m2 đất và 146,4 triệu m2 nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 132.844 cơ sở với tổng diện tích là 2.282 triệu m2 đất; 124,4 triệu m2 nhà.
Về quản lý, sử dụng xe ô tô công và máy móc, thiết bị, theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ chưa ban hành nghị định nên, trong năm 2018, các nội dung quản lý liên quan đến quyết định giao, điều chuyển, bán xe ô tô của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban Quản lý dự án (trừ xe ô tô của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài) đều tạm dừng thực hiện chờ cho đến khi Chính phủ ban hành nghị định.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương thường xuyên thực hiện rà soát đối với các tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản được xác lập sở hữu nhà nước, tài sản của các dự án khi dự án sử dụng vốn nhà nước kết thúc để xử lý kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, các bộ, ngành tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời nghĩa vụ tài chính đất đai, tài nguyên của tổ chức, cá nhân khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, tránh thất thoát.
Phải rà soát, sắp xếp lại xe công
Năm 2019, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nghị định: quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán dự án BT và quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Sau khi Chính phủ ban hành nghị định quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp lại xe ô tô hiện có của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý đảm bảo đúng quy định. Trong trường hợp còn thiếu xe ô tô theo tiêu chuẩn, định mức mà không có xe ô tô phù hợp để điều chuyển thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, cơ quan, người có thẩm quyền theo phân cấp của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc mua xe ô tô đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Đối với tài sản công khác thực hiện mua sắm theo tiêu chuẩn, định mức quy định, kế hoạch và dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương ban hành tiêu chuẩn, định mức về máy móc, thiết bị chuyên dùng trang bị cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Kho bạc nhà nước các cấp thực hiện việc kiểm soát chi, đảm bảo tính nhất quán chính sách tài khóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Đối với công tác tổ chức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, xe ô tô, máy móc, thiết bị và các tài sản khác, cần phải bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và đẩy mạnh việc áp dụng cơ chế khoán, thuê tài sản phục vụ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tài sản dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng phải được xử lý kịp thời, công khai để thu nộp ngân sách nhà nước, đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để thất thoát tài sản công.
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2019 tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tăng cường quản lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Theo đó, kiên quyết thu hồi diện tích nhà, đất sử dụng cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định và trụ sở cũ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới.
Tại hội nghị tổng kết của Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, trong năm 2019 cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia./.
Minh Anh