Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa diễn ra tại thủ đô Buenos Aires của Argentina.
Các nhà lãnh đạo G20 chụp ảnh chung tại Hội nghị ở Buenos Aires,ềubấtđồngtạtỉ số đá bóng hôm qua Argentina, ngày 30-11-2018. Ảnh: THX/TTXVN
Với những bất đồng liên quan đến thương mại, biến đổi khí hậu, hay cuộc đối đầu mới đây giữa Nga và Ukraine trên eo biển Kerch, hội nghị kéo dài 2 ngày lần này đang phải đối mặt với những rạn nứt nghiêm trọng nhất kể từ khi G20 tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên cách đây 10 năm.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo các nhà lãnh đạo G20 về việc gia tăng các nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu. Ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 “theo đuổi sự mở cửa” cũng như “chèo lái kinh tế thế giới một cách có trách nhiệm”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã chỉ trích việc áp đặt “sai trái” các biện pháp trừng phạt và chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Tổng thống Putin nêu rõ: “Hành động xấu xa trở lại với các biện pháp trừng phạt đơn phương, bất hợp pháp cũng như các biện pháp bảo hộ đang được lan truyền, bỏ qua Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tiêu chuẩn pháp lý được quốc tế công nhận”.
Theo ông, điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần hợp tác quốc tế, cản trở hoạt động thương mại quốc tế.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga dù không nêu đích danh, song trên thực tế có thể thấy rõ những tuyên bố này ám chỉ trực tiếp đến Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Trump cũng bị chỉ trích là đã phá hủy sự ổn định mà G20 đã thúc đẩy một thập kỷ trước. Hiện Mỹ - cường quốc số 1 thế giới đang đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào một loạt nước như Iran, Nga, Cuba, Venezuela... và cũng là nước “châm ngòi” cho cuộc chiến về thuế với các đối tác thương mại lớn với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”.
Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng trở thành diễn đàn để các nhà lãnh đạo bàn luận một loạt vấn đề từ cái chết của nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đến vụ đối đầu giữa Nga và Ukraine hay cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
G20 gồm 19 quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới và một tổ chức là Liên minh châu Âu đóng góp tới 85% sản lượng đầu ra của kinh tế và chiếm 2/3 dân số thế giới. Hội nghị G20 lần đầu tiên được tổ chức năm 2008, được xem là cơ hội để các thành viên cùng nhau thúc đẩy các chính sách toàn cầu nhằm đối phó với các vấn đề lớn trên thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, những quyết định chủ chốt luôn luôn được đưa ra chỉ trong các cuộc gặp riêng, bên lề hội nghị.
Một số cuộc gặp bên lề được dư luận chờ đợi phải kể đến cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, trước thềm hội nghị, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố hủy cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin vì căng thẳng giữa Nga và Ukraine sau vụ tàu và thủy thủ Ukraine bị bắt giữ ở khu vực Biển Đen, gần bán đảo Crimea.
Cuộc gặp cấp cao thứ 2 cũng được dư luận quan tâm là cuộc trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với chủ đề chính là tranh chấp thương mại Mỹ - Trung. Một số nhà quan sát nhận định một thỏa thuận dỡ bỏ mọi thuế suất là điều bất khả thi nhưng nhiều khả năng hai bên sẽ đồng ý tạm “đình chiến” để tiếp tục thương lượng. Trong khi đó, những người hoài nghi lo ngại Tổng thống Trump có thể không hài lòng về những nhượng bộ của Trung Quốc nên sẽ xúc tiến quyết định tăng thuế, làm leo thang căng thẳng thương mại và ảnh hưởng đến kinh tế đôi bên lẫn toàn cầu.
Những căng thẳng và bất đồng giữa các nước G20 tại hội nghị lần này khiến giới phân tích dự báo, trường hợp các bên có thể giải quyết được căng thẳng thương mại thì vẫn còn một vấn đề gai góc khác khó có thể đạt đồng thuận, chính là vấn đề biến đổi khí hậu. Tháng trước, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2018 cũng nảy sinh nhiều bất đồng và lần đầu tiên không thể đưa ra tuyên bố chung trong lịch sử.
LONG TẤN tổng hợp