Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa: Lợi ích đa chiều | |
Chuyển hướng kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu | |
Sẽ thay đổi căn bản mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu | |
Khẩn trương hoàn thiện đề án thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng hàng hóa |
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng kiểm tra hàng nhập khẩu. Ảnh: N.Linh. |
Cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện
Theo ban soạn thảo, pháp luật hiện hành quy định để được thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ về thông quan hàng hóa quy định tại Luật Hải quan và các Luật chuyên ngành. Theo đó, tùy từng trường hợp cụ thể, để thông quan hàng hóa, doanh nghiệp phải nộp/xuất trình cho cơ quan Hải quan giấy phép hoặc giấy tờ về kết quả kiểm tra (kiểm dịch, chất lượng, an toàn thực phẩm, hợp chuẩn, hợp quy).
Hiện nay, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Hệ thống văn bản quy định về chuyên ngành khá đầy đủ, tạo được môi trường pháp lý cần thiết với chủ trương bảo đảm an toàn, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, an ninh kinh tế, an ninh quốc gia. Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập làm phát sinh thủ tục hành chính, làm tăng chi phí, kéo dài thời gian làm thủ tục của doanh nghiệp, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội. Từ đó, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã đạt được một số kết quả nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giao lưu thương mại qua biên giới. Để tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp và xã hội nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa, ngày 13/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2019, trong đó giao: “Bộ Tài chính cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm, trình Chính phủ trong quý I năm 2020.”
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) đã xây dựng dự thảo Đề án. Theo đó, trên cơ sở Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng kèm quy chuẩn kỹ thuật tương ứng bắt buộc áp dụng do bộ quản lý chuyên ngành ban hành, cơ quan Hải quan sẽ áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, lựa chọn các lô hàng có khả năng vi phạm quy định về kiểm tra chuyên ngành để thực hiện kiểm tra hoặc đề nghị tổ chức đánh giá sự phù hợp đã được bộ quản lý chuyên ngành chỉ định thực hiện kiểm tra chất lượng; doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Cải cách toàn diện về mô hình kiểm tra
Đề án sẽ cải cách toàn diện về mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện; giảm chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp và xã hội; Phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và trách nhiệm kiểm tra của cơ quan/tổ chức thực hiện kiểm tra trên cơ sở áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian, nguồn lực cho xã hội nhưng vẫn tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo kế hoạch được giao, dự kiến Đề án trình Chính phủ vào quý I/2020 theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 99/NQ-CP.
Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay dự thảo Đề án đã hoàn thiện. Bên cạnh đó để đảm bảo triển khai mô hình kiểm tra chất lượng mới theo đề xuất tại dự thảo Đề án, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về kiểm tra chất lượng hàng hóa XNK để đảm bảo cơ sở pháp lý cho cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra chất lượng hàng hóa XNK. Các Nghị định sửa đổi, bổ sung gồm: Nghị định 85/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Nghị định 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung; Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Theo ban soạn thảo, để trình Chính phủ trong quý I/2020, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị triển khai một số nhiệm vụ như: Hoàn thiện Đề án trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện các bộ, ngành tại cuộc họp ngày 18/12/2019; lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Đề án; tổ chức 2 Hội thảo tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo Đề án; tổ chức cuộc họp (lần 2) lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về nội dung Đề án.
Dự kiến từ 15-20/3/2019, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ về Đề án “Đổi mới mô hình mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”.