Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Long An đóng góp dự thảo Nghị quyết
Phát biểu tại phiên họp,ốchộithảoluậndựthảoNghịquyếtvềđấugiábiểnsốxeôtôbxh seria brazil đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An cơ bản tán thành với hồ sơ Dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá và báo cáo số 1085/BCA-BC-BST của Bộ Công an giải trình tiếp thu các ý kiến thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, việc thực hiện thí điểm này nhằm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đầu tư cho hạ tầng giao thông và công tác an sinh xã hội của các địa phương; đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người mua xe ô tô muốn được cấp biển số xe theo mong muốn cá nhân và tăng tính minh bạch, công khai trong cấp biển số xe.
Góp ý cho những vấn đề cụ thể, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị sửa tên gọi của nghị quyết là “Nghị quyết thí điểm về đấu giá biển số xe ô tô”, với tên gọi như thế này đảm bảo đầy đủ, bao quát, phù hợp hơn với các quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, đề nghị sửa từ “chuyển nhượng” thành từ “bán” và “nhận chuyển nhượng” thành từ “mua”, với lý do việc sử dụng các từ, cụm từ này rất quan trọng, có ý nghĩa xác lập quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trúng đấu giá biển số, phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự và Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị quyết này quy định thí điểm cho phép mua bán biển số xe. Mặt khác, khi biển số xe trúng giá được đăng ký với một xe ô tô cụ thể thì trị giá của biển số đã hòa vào trị giá của xe, khi chúng ta mua bán xe ô tô thì giá mua bán này đã bao gồm cả giá của biển số xe trong đó.
Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một nội dung thể hiện, khẳng định được ý là các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi không tham gia chọn, tham gia đấu giá biển số xe theo nghị quyết thí điểm này thì quyền được cấp biển số cho xe vẫn như hiện nay, theo quy định hiện hành không bị ảnh hưởng, không bị thiệt thòi gì về quyền lợi để cho người dân an tâm, ủng hộ.
Tại điểm đ, khoản 1, Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định cách xử lý khi trong thời gian 12 tháng người trúng đấu giá chết nhưng biển số trúng đấu giá chưa đăng ký gắn với xe thì biển số được thu hồi và hoàn trả số tiền trúng đấu giá. Người thừa kế của người trúng đấu giá tiếp nhận số tiền này”, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, quy định này là còn có “khoảng trống”; vì theo pháp luật về thừa kế, thì tài sản thừa kế chỉ phát sinh khi cá nhân là chủ sở hữu tài sản đó chết đi và trong phạm vi điều chỉnh, người tham gia đấu giá biển số xe còn có tổ chức và doanh nghiệp, vậy nếu tổ chức, doanh nghiệp khi không còn tồn tại, giải thể, phá sản thì giải quyết về biển số trúng đấu giá chưa được đăng ký với xe được xử lý như thế nào. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định xử lý trong trường hợp khi xe hết niên hạn sử dụng mà người mua, được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe không được bán, cho tặng biển số trúng đấu giá nữa mà xe đã hết niên hạn lưu hành.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường
Tại điểm b, khoản 2, Điều 3, đại biểu đề nghị rút ngắn thời gian phải thực hiện thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe để gắn biển số với xe này xuống còn 3 tháng hoặc 6 tháng, vì chưa đánh giá cơ sở pháp lý hay cơ sở thực tiễn của việc biển số được “treo” trong 12 tháng. Điều này sẽ gây lãng phí, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm, đến lúc đã hết thời gian thí điểm rồi mà còn nhiều biển số chưa được đăng ký cùng xe đang nằm “treo” trong tay các cá nhân, tổ chức trúng đấu giá biển số xe. Mặt khác, quy định kéo dài thời gian 12 tháng được treo biển số này sẽ là cơ hội, điều kiện cho phát sinh tình trạng đầu cơ biển số xe ô tô.
Về các khoản thu từ đấu giá biển số xe ô tô, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị quy định trực tiếp vào nghị quyết thay vì giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Bên cạnh đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng cho rằng với thời gian thí điểm là 3 năm, với tính đặc thù là chỉ tổ chức đấu giá bằng hình thức trực tuyến và người chọn biển số để đăng ký tham gia đấu giá, các thao tác thủ tục đều thực hiện tại các trang thông tin điện tử nên việc thông tin, tuyên truyền cho người dân thông suốt, nắm bắt, hiểu biết và việc chuẩn bị hệ thống cơ sở hạ tầng mạng, phần mềm và hướng dẫn cách sử dụng cho người có nhu cầu là rất quan trọng, vì khi thực hiện Nghị quyết thí điểm này ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân đặc biệt là người dân ở vùng núi, vùng sâu xa, vùng dân tộc.
Do đó, Nghị quyết cần bổ sung nội dung giao cho Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết thi hành để các cơ quan triển khai thực hiện từ ngày 01/01/2023./.
Kiến Quốc