Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Để phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2017, tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tài chính- ngân sách 6 tháng cuối năm 2017 tổ chức ngày 5/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính tập trung vào 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Thứ nhất,tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, đảm bảo số lượng, chất lượng, thời hạn; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Trong đó, cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, dự toán NSNN năm 2017, phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2017.
Thứ hai,đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để cải cách thủ tục hành chính đi vào thực tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế theo các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba,tổ chức điều hành dự toán NSNN năm 2017 tích cực, chủ động, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách; hạn chế tối đa việc đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách; tăng cường thanh tra, kiểm tra tài chính, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thuế, thu hồi tiền nợ đọng thuế; quyết tâm thu vượt dự toán Quốc hội quyết định, đảm bảo cân đối NSTW; kiên quyết cắt giảm những khoản chi không cần thiết, chậm triển khai,...
Thứ tư,kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo trong giới hạn cho phép; không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN.
Thứ năm,đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; phấn đấu thu đủ 60 nghìn tỷ đồng tiền bán bớt phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, hoạt động đặt cược, casino, trò chơi có thưởng.
Thứ sáu,đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công; tập trung hoàn thiện, ban hành các danh mục sự nghiệp công sử dụng NSNN; quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các dịch vụ sự nghiệp công lập do Nhà nước quản lý.
Thứ bảy,đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, quản lý tốt giá cả, thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, nhà nước còn định giá, bình ổn giá.
Thứ tám,phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để đề xuất các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển.
Thứ chín,triển khai quyết liệt, có chất lượng công tác xây dựng dự toán NSNN năm 2018 và kế hoạch tài chính 3 năm 2018-2020 theo đúng quy định của Luật NSNN năm 2015.
Thứ mười,tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính của ngành; kiểm tra nội bộ trong toàn ngành để đánh giá việc thực hiện quyền hạn, trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhất là các nhiệm vụ liên quan đến quy trình, thủ tục, giải quyết hồ sơ hành chính đối với cá nhân, doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu đơn vị. |