Niềm vui của các cử nhân ngày tốt nghiệp
Nhưng thực tế,ảnmạnvềnhântàkeo nha xai có bao nhiêu người tài ở nước ngoài về Việt Nam phụng sự? Cho nên, chuyện thu hút nhân tài của chúng ta, suy cho cùng là từ địa phương này đến địa phương kia, từ khu vực này đến khu vực khác. Nói thẳng ra, nếu có chuyện thực chất thu hút nhân tài thì nhân tài “cũng chạy loanh quanh đâu đó” trong nước. Nếu nhìn nền kinh tế Việt Nam là một tổng thể, thoạt nhìn thì người tài chỉ chạy trong tổng thể này, tức là nền kinh tế không thiệt. Tôi là người tài, nếu tôi dịch chuyển công việc, tôi không đóng góp chỗ này thì đóng góp chỗ kia, cũng là đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam. Nếu quả đúng như vậy thì tại sao chúng ta lại đặt nặng vấn đề thu hút nhân tài?
Có lẽ nhiều địa phương nhìn ra một vấn đề - không phải môi trường ở bất cứ nơi đâu cũng tốt như nhau để nhân tài hoạt động. Nếu nhân tài đang hoạt động ở môi trường, điều kiện tốt thì rất khó mà nhấc được chân họ. Họ rời đi chỉ ở những nơi môi trường, điều kiện làm việc không tốt, hoặc ít tốt hơn. Họ muốn tìm kiếm một môi trường mới để “tung tẩy” hết năng lực, sở thích, đam mê… và kết quả là cống hiến. Có lẽ các địa phương đặt ra vấn đề thu hút nhân tài chính là đã đọc ra “vị này”. Thì về làm việc với chúng tôi, chúng tôi sẽ tạo ra những điều kiện, kể cả điều kiện làm việc và điều kiện về đời sống để chính người tài và công việc, đóng góp của người tài đều làm cho hai bên – người tài và sử dụng người tài thỏa mãn. Thế là có một số nhân tài rời bước.
Nhưng oái ăm thay, nhân tài làm được việc gì, có những đột phá gì, có những đóng góp gì cụ thể… để có thể lượng hóa được ở nơi làm mới thì dường như chưa thấy nơi nào có tổng kết, đánh giá xem nó ra sao. Dưới góc nhìn kinh tế thì sự đóng góp của họ tạo ra được bao nhiêu tiền, dưới góc nhìn xã hội thì họ đã tạo ra những giá trị gì để thúc đẩy phát triển cộng đồng, xã hội, họ đã có những phát minh sáng kiến gì cho sự phát triển.
Quan sát trên báo chí về các đề án thu hút nhân tài ở một số địa phương nhận thấy, điều kiện đầu tiên được đưa ra là các địa phương đặt nặng những đãi ngộ về vật chất. Đại ý, nếu một người nào đó nằm trong chương trình thu hút nhân tài của một địa phương nào đó, khi nhân tài đến làm việc thì được hưởng mức lương bao nhiêu, được hưởng những điều kiện gì về nhà ở và một số đãi ngộ gì khác…
Có vẻ như, cách đặt vấn đề thu hút nhân tài như vậy đã “không ổn” ngay từ đầu. Muốn thu hút được nhân tài việc đầu tiên phải hỏi nhân tài cần gì và cần điều gì nhất. Cách đây chưa lâu, nhân đề cập đến việc thu hút nhân tài tôi có nghĩ đến một khía cạnh tạm gọi là thiên hướng xã hội của nhân tài. Nó như là thuộc tính của người tài.
Người tài, tất nhiên là khác với những người bình thường. Thiên tài lại càng khác nữa. Một người lao động bình thường, họ ít có điều kiện đóng góp nhiều cho xã hội. Xét về mặt này, người tài có nhiều điều kiện hơn. Cho nên, dù muốn hay không, có thể nói, thiên hướng xã hội là một đặc tính của người tài. Từ trong bản chất, những suy nghĩ và việc làm, hành động của họ đã có ý nghĩa xã hội. Ví như một phát minh mới, tự nhiên bản thân nó đã thúc đẩy xã hội phát triển. Chính vì thiên hướng, bản chất xã hội của người tài mà có khi họ không phải quá coi trọng vật chất cho riêng mình!
Thế thì người tài quan trọng điều gì nhất? Có lẽ đó là một môi trường làm việc tốt để họ phát huy hết những tố chất của mình. Một người tài mà đặt không đúng chỗ, không có điều kiện làm việc tốt, môi trường làm việc tốt, những cộng sự tốt đầy năng lực và năng lượng… thì chẳng những không phát huy được mà đôi khi còn “giết chết” nhân tài. Điều này không chỉ đối với người tài, mà đối với những người bình thường cũng vậy. Một môi trường làm việc tốt sẽ tạo ra sự hứng thú, năng động, tháo vát, cống hiến… từ đó mà hiệu suất công việc sẽ tăng lên. Điều này ở khu vực tư nhân có vẻ như làm tốt hơn khu vực nhà nước.
Đến đây thì chúng ta thấy một điều, mệnh đề “người tài đi loanh quanh” trong nước thì tổng nền kinh tế - xã hội không chịu thiệt gì, chẳng qua họ không đóng góp ở chỗ này thì đóng góp ở chỗ kia là một lập luận khó đứng vững. Vì sao vậy, chính là vì môi trường, điều kiện và nhiều yếu tố khác cho nhân tài làm việc, phát huy hết khả năng của mình không phải nơi nào cũng như nhau. Người làm việc ở nơi này thì thấy bình bình nhưng đến nơi khác, khu vực khác cũng là con người ấy nhưng năng động hẳn lên, hiệu suất lao động tăng cao hơn; những sáng kiến, định hướng của họ ở nơi này không phát huy được, thậm chí là không hiện thực được nhưng ở nơi khác thì ngược lại.
Cho nên nói rằng điều kiện làm việc, môi trường làm việc tốt, phù hợp là thứ cần nhất của người tài. Đã là người tài, ngoài thiên hướng xã hội như đã nói trên thì ở một khía cạnh nào đó họ cũng là người “khác người”. Đơn giản một điều là cách nghĩ, cách làm của họ đi trước người khác. Từ đó cũng dẫn đến cảm xúc khác. Đã là người tài thì họ rất nhạy cảm, cho nên, họ cũng thừa biết ở đâu, nơi nào có trọng dụng người tài thật hay không!
Bài: Nguyên Lê -Ảnh:Hạ An