Thiệt hại đã “chạm đáy” Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến “Mở cửa du lịch thế nào để an toàn” diễn ra ngày 20/10, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, bức tranh du lịch rất ảm đạm qua gần hai năm qua. Qua thống kê sơ bộ cho thấy, thiệt hại về du lịch rất lớn. Năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80%, khách nội địa giảm 34% so với năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch giảm 59% so với năm 2019. Trong 9 tháng năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16%. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020. Sau 4 đợt dịch bùng phát, nguồn lực doanh nghiệp đã hết sức cạn kiệt. Khi du lịch đã "chạm đáy" tính đến thời điểm này, việc khôi phục du lịch là một trong những yêu cầu cấp bách của tất cả những người làm du lịch và doanh nghiệp du lịch, ông Khánh nhấn mạnh. Đồng quan điểm, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch là một trong những ngành gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch Covid-19. Từ một ngành công nghiệp không khói tăng trưởng đạt trên 2 con số, đóng góp hiệu quả, quan trọng với 9,2% vào GDP cả nước, đại dịch bùng phát đã khiến cho ngành du lịch tê liệt. Chưa bao giờ, số doanh nghiệp, đại lý lữ hành phải đóng cửa, phá sản, người lao động trong ngành du lịch mất việc… nhiều như giai đoạn này. Thiệt hại của du lịch gần như đã "chạm đáy", sự ảm đạm, khó khăn đối với du lịch là vô cùng nghiêm trọng. Trước tình hình đó, với sự nỗ lực, quyết tâm chống dịch của Chính phủ và các cơ quan, ban ngành, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát tốt. Từ ngày 1/10, nhiều địa phương miền Trung đã lên kế hoạch đón khách ngoại tỉnh có "thẻ xanh, thẻ vàng". Trong đó, một số địa phương như Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế đã thống nhất kế hoạch mở đường bay nội địa của Cục Hàng không. Từ ngày 14/10, Hà Nội cũng đã cho phép các khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50% công suất, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định và hướng dẫn của ngành Du lịch. TPHCM cũng đang triển khai kế hoạch phục hồi du lịch, thí điểm các tour du lịch, kết nối các điểm đến an toàn. Một số địa phương cũng đã có phương án để thí điểm đón khách quốc tế như Đà Nẵng, Phú Quốc… Quy trình xuất nhập cảnh, phục vụ khách đảm bảo an toàn và chất lượng, tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia thí điểm cũng như các chương trình du lịch đều đang được hoàn thiện. Chờ tiêu chí an toàn chung Đây là cơ hội, tín hiệu tốt để ngành Du lịch có thể phục hồi, từng bước trở lại quỹ đạo, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thế nhưng, vấn đề đặt ra lúc này là mở cửa du lịch sao cho an toàn trong tình hình mới. Theo các chuyên gia, khái niệm an toàn, tiếp cận từ góc độ khách du lịch hay doanh nghiệp, ở thời điểm thí điểm này vấn đề đặt ra đầu tiên là "hộ chiếu vắc xin" hay "giấy thông hành vắc xin". Tuy nhiên hiện nay, việc phân bổ vắc xin chưa đồng đều, không phải nơi nào cũng đảm bảo tiêm chủng đạt mức 70% để người dân đi lại thuận lợi. Mặt khác, dù hiện nay Chính phủ cũng đã có những hướng dẫn cụ thể về việc phòng chống dịch và đảm bảo sản xuất kinh doanh nhưng nhiều tỉnh vẫn rất lo ngại, dẫn đến tình trạng mỗi tỉnh có một quy định khác nhau. Điều này gây khó khăn cho việc phát triển hồi phục kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, ông Vũ Thế Bình cho biết. Về phía doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TST tourist cho rằng, các doanh nghiệp đều sẵn sàng cho việc trở lại thông qua tuân thủ, đáp ứng những tiêu chí an toàn về phòng chống dịch đối với du khách, người làm du lịch. Điều doanh nghiệp mong muốn nhất lúc này là sự đồng bộ trong áp dụng bộ tiêu chí an toàn, quy định đưa đón khách, nhất là liên quan đến việc cách ly người đến từ các địa phương khác. Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao nhiệm vụ cho Bộ khẩn trương ban hành hướng dẫn về du lịch thích ứng an toàn, từ đó có cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc. Hiện Bộ đang gấp rút thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ với tinh thần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trở lại hoạt động, đóng góp tích cực vào kinh tế - xã hội của từng địa phương. Thời gian tới, cần có hội nghị hướng dẫn triển khai và đưa thông điệp mạnh mẽ, nhất quán với doanh nghiệp. |