Theo đó, các ngành kinh tế chịu tác động lớn gồm: lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; dịch vụ y tế; giáo dục, đào tạo. Đơn cử, với lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, theo các chuyên gia BIDV, đây sẽ là ngành gặp khó khăn trong XK hàng hóa và NK phụ trợ nông nghiệp. Chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất là các loại rau, quả tươi, thủy sản do đây là các sản phẩm tươi hoặc sơ chế, khó có thể bảo quản lâu dài. Trong giai đoạn cao điểm của dịch, hoạt động XK sang các thị trường lớn này đều diễn ra rất chậm, giảm mạnh, chủ yếu do các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại – giao thương, dẫn đến việc hủy hàng loạt hợp đồng XK. Kim ngạch XK các mặt hàng nông - lâm sản giảm 4,5%, thủy sản giảm 11,2% trong quý 1/2020 so với cùng kỳ. Giá cổ phiếu ngành thủy sản giảm gần 2% quý 1/2020 so với đầu năm. Với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, các ngành sản xuất với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy và ngành xây dựng sụt giảm do bất động sản khó khăn Theo đó, với công nghiệp chế biến – chế tạo, chỉ số sản xuất toàn ngành chỉ tăng 7,1% trong quý 1/2020, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,2% quý 1/2019; số lượng DN tạm ngừng hoạt động tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các ngành chịu tác động tiêu cực khá mạnh là: dệt may, da giày với kim ngạch XNK giảm trên 10% so với cùng kỳ, giá cổ phiếu dệt may giảm 18,2% và da giày giảm 6% so với đầu năm; sản xuất, kinh doanh thép với doanh thu giảm khoảng 10% và giá cổ phiếu giảm 27,4%; khai khoáng (nhất là dầu khí và than) – chủ yếu do giá dầu giảm mạnh, với kim ngạch XK dầu thô giảm 8% và giá cổ phiếu giảm 32%. Với lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực này chịu tác động mạnh do tổng cầu giảm (cả trong và ngoài nước). Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất là ngành du lịch (gồm dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống và lữ hành). Trong quý I/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã sụt giảm 18% so với cùng kỳ năm trước; trong khi lượng khách trong nước giảm 6%, doanh thu toàn ngành giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, giá cổ phiếu của nhóm du lịch lữ hành giảm rất mạnh (33,2%) so với đầu năm. Trong khi đó, doanh thu ngành hàng dịch vụ ăn uống và lưu trú lần lượt giảm 9,6% và 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Số DN tạm ngừng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống quý 1/2020 tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chứng kiến doanh thu giảm không nhiều trong quý 1/2020 tuy nhiên tiềm ẩn rủi ro cao, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh (trên 20%) so với đầu năm. Các chuyên gia cho biết, trên thị trường chứng khoán, tính đến hết 31/3/2020, chỉ số VN-Index sụt giảm mạnh (31%) so với đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 33 phiên liên tiếp với giá trị bán ròng cả quý 1 khoảng 9.200 tỷ đồng; giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán giảm 28% so với đầu năm. |