Tạo không gian đủ rộng cho động lực tăng trưởng mới
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024. Nghị quyết đặt mục tiêu trong năm 2024 tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế. Đáng chú ý, Quốc hội đã thống nhất đưa ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4-4,5%... Đánh giá về mục tiêu tăng trưởng năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, xây dựng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6-6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng từ 5-6%. Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, đây là mục tiêu có nhiều thách thức nhưng có thể đạt được nếu triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kích hoạt, làm mới các động lực tăng trưởng. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, trong thời gian tới, cơ hội và thách thức sẽ đan xen khi tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% trong năm 2024 có nhiều thách thức nhưng nếu nền kinh tế phát huy được những động lực tăng trưởng hiện hữu, tìm kiếm và khai thác tốt những động lực tăng trưởng mới thì mục tiêu tăng trưởng đề ra sẽ khả thi. Cũng theo TS Cấn Văn Lực, muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống, vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới. Theo đó, Chính phủ cần củng cố những động lực tăng trưởng hiện hữu như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng thông qua các kịch bản chủ động ứng phó phù hợp để tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản, xăng dầu, thanh khoản ngân hàng… Đồng thời, kích cầu tiêu dùng nội địa, quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế, nhất là Hà Nội và TPHCM, qua đó thúc đẩy liên kết vùng. Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh triển khai chương trình phục hồi, tăng tốc giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đầu tư cơ sở hạ tầng. Các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô, phải được phối hợp, tổ chức hiệu quả nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, lao động… “Đối với các động lực tăng trưởng mới (gồm chuyển đổi số, liên kết vùng, thúc đẩy hai động lực chính Hà Nội, TPHCM) cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đấu thầu… bao gồm cả tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi và phối hợp chính sách; quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Xây dựng và thực thi các cơ chế chính sách huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn gắn với kinh tế xanh là yêu cầu quan trọng trong thời gian tới”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh. Kỳ vọng xuất khẩu phục hồi mạnh Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhìn chung năm 2024 nền kinh tế vẫn chịu nhiều “cơn gió ngược”, điều kiện để đạt được mục tiêu trong năm 2024 là các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, địa phương tiếp tục được duy trì. Cụ thể, phải thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ lãi suất để giúp doanh nghiệp phục hồi, tiếp tục kích thích xuất khẩu. Tuy nhiên theo TS Nguyễn Quốc Việt, có một số vấn đề cần nhận diện rõ và có giải pháp thúc đẩy sức mạnh kinh tế nội địa trong thời gian tới. Đó là khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) có sự tăng trưởng đáng kể về vốn đăng ký, tuy nhiên tăng trưởng vốn đầu tư tư nhân trong nước thấp cho thấy khả năng chống chịu, thích ứng của khối tư nhân có vấn đề. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu là điểm sáng tạo thặng dư thương mại, nhưng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI và xuất khẩu của khu vực này đang có dấu hiệu giảm sút. Điều này cho thấy tính tự chủ của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nói riêng vẫn còn khó khăn. Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chưa thể khởi sắc sớm, có thể chờ đến năm 2024 mới thấy sự chuyển biến tích cực hơn. Trong bối cảnh xuất khẩu còn khó khăn, tiêu dùng nội địa khó bứt phá, đẩy mạnh đầu tư công sẽ là phần quan trọng đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024. Chia sẻ về những động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, Phó Viện trưởng phụ trách Viện VEPR kỳ vọng xuất khẩu sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại khi đã xuất hiện những tín hiệu xuất khẩu tích cực trong quý 4/2023. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kích thích cầu tiêu dùng trong nước thông qua việc tiếp tục giảm 2% thuế GTGT. Một nhân tố khác là độ trễ trong giải ngân vốn đầu tư công năm nay sẽ kích hoạt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm sau. Đánh giá về những động lực tăng trưởng trong năm tới, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng năm tới xuất nhập khẩu có thể tốt hơn nhưng vẫn ở mức thấp. Trong nước, động lực từ tiêu dùng đang có xu hướng giảm, nhất là tiêu dùng trong nước, cho nên việc thu hút khách du lịch nước ngoài rất quan trọng. Động lực đóng vai trò trụ cột của tăng trưởng kinh tế hiện vẫn là đầu tư công. Để phát huy được trụ cột tăng trưởng này, trong năm tới, cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đặc biệt là việc kéo dài chương trình phục hồi và phát triển. Cùng với đó, chính sách tiền tệ hiện đã gần hết dư địa chỉ còn chính sách tài khoá đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn này để vượt qua những "cơn gió ngược". Do vậy, cần chuyển đổi một số gói tài khoá không phù hợp sang những gói có khả năng giải ngân tốt hơn. |