Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả
Phong trào thi đua Dân vận khéo được các cấp ủy,ỏacácphongtràothiđbxh dức chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân huyện Đức Huệ đồng tình, hưởng ứng tích cực. Qua hơn 5 năm triển khai, thực hiện, có 170 mô hình được xây dựng. Trong đó, các phong trào, mô hình trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả nổi bật.
Tổng diện tích gieo sạ lúa hàng năm của huyện trên 46.000ha, sản lượng lương thực bình quân 240.000 tấn, trong đó, lúa chất lượng cao chiếm hơn 50%. Toàn huyện hiện có trên 2.700ha chanh (chanh không hạt trên 1.000ha, chanh có hạt trên 1.700ha), sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm. Tổng đàn trâu, bò gần 11.000 con. Trong sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn huyện thành lập 42 tổ hợp tác về chăn nuôi bò, gà, cá; trồng chanh, rau má, khoai từ, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP và có 10 hợp tác xã. Nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài các mô hình sản xuất gắn với thế mạnh như trồng lúa, chanh, nuôi bò, gần đây còn xuất hiện những mô hình sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế cao.
Trồng rau má mang lại hiệu quả kinh tế huyện biên giới cho người dân Đức Huệ (Ảnh: Nguyễn Dung)
Mô hình trồng rau má đang phát triển mạnh tại xã Bình Hòa Nam và Bình Hòa Hưng với diện tích hơn 90ha, năng suất khoảng 60 tấn/ha/năm, giá bán bình quân 18.000 đồng/kg, cho lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 12 lần so với trồng lúa. Hay mô hình trồng cây sâm bố chính phát triển tại các xã: Bình Hòa Nam, Bình Hòa Bắc, Mỹ Thạnh Đông, do Công ty TNHH Hoàng Ngọc Global khởi xướng từ năm 2018, diện tích sản xuất khoảng 7ha, năng suất khoảng 70 tấn/ha/năm, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha, cao gấp 10 lần so với cây lúa.
Mô hình cải tạo giống trâu ở địa phương bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo với giống trâu Murrah được thực hiện tại xã biên giới Mỹ Quý Tây, bước đầu cho hiệu quả cao. Nghé sinh ra có trọng lượng cao hơn các giống ở địa phương từ 5-7kg/con (trọng lượng sơ sinh khoảng 38-45kg). Huyện tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Ngoài ra, huyện còn có mô hình nuôi cá (trê vàng, sặt rằn, rô đầu nhím,...) ở xã biên giới Mỹ Thạnh Tây với tổng diện tích 6ha. Nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi cá, sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ nên mô hình mang lại lợi nhuận khoảng 3,5 triệu đồng/tấn cá thương phẩm (năng suất từ 5-7 tấn/1.000m2), tương đương khoảng 200 triệu đồng/ha/vụ.
Làm theo gương Bác, chăm lo đời sống người dân
Cùng với thi đua phát triển kinh tế, huyện quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hàng năm. Qua triển khai, thực hiện, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể lựa chọn nhiều nội dung đột phá gắn với nhiệm vụ chính trị được giao, giải quyết công việc hiệu quả hơn; lề lối, tác phong làm việc ngày càng khoa học; tinh thần, thái độ phục vụ người dân chuyển biến rõ nét, thể hiện được trách nhiệm trước nhân dân.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Huệ - Phạm Thị Châu Hoàng cho biết: “Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành phong trào thi đua lan tỏa sâu, rộng trong các cơ quan, đơn vị, đời sống xã hội. Cán bộ, đảng viên ngày càng sâu sát cơ sở, gần dân và nâng cao trách nhiệm trong công việc. Qua đó, nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu có việc làm, hành động tốt, ý nghĩa trên các lĩnh vực được biểu dương, khen thưởng”.
Sau thời gian thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, đến nay, huyện vận động trên 5 tỉ đồng hỗ trợ, giúp đỡ trên 500 lượt học sinh khá, giỏi có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. MTTQ và các đoàn thể huyện thực hiện tốt công tác vận động xã hội hóa, chăm lo gia đình chính sách, người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí hơn 12 tỉ đồng. Các cơ quan, đơn vị xây dựng nhiều mô hình ý nghĩa: Chung tay phục vụ người dân thực hiện thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ hành chính ngoài giờ của UBMTTQ và bộ phận “một cửa” thị trấn Đông Thành; Trung tâm Hành chính công huyện với mô hình Ân cần, lắng nghe, hướng dẫn, giải thích rõ ràng; Đoàn Thanh niên Công an huyện với mô hình Gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với nhân dân;…
Bên cạnh đó, thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", toàn huyện có gần 200 công trình phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, đời sống của người dân từ nguồn vận động xã hội hóa và sự đóng góp của người dân với tổng kinh phí gần 300 tỉ đồng và trên 2.200 ngày công lao động.
Trong đó, tiêu biểu như Chi bộ ấp 1, Đảng bộ xã Bình Hòa Nam vận động người dân đóng góp gần 5 tỉ đồng để xây dựng cầu nông thôn, nạo vét kênh, mương nội đồng, sửa chữa đường giao thông. Hay ông Nguyễn Văn Gắng - Bí thư Chi bộ ấp 2, Đảng bộ xã Mỹ Thạnh Đông, vận động mạnh thường quân và người dân đóng góp xây dựng, sửa chữa các công trình nông thôn trên địa bàn ấp, lắp camera giám sát an ninh, trật tự và đèn đường với kinh phí trên 500 triệu đồng.
Còn ông Nguyễn Văn Tổng - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bình Hòa Nam, vận động hội viên và người dân hiến 1.050m2 đất, trị giá gần 2 tỉ đồng làm đường giao thông nông thôn và vận động xây 1 cây cầu giao thông, rải đá 13km đường giao thông với kinh phí hơn 100 triệu đồng.
“Hiệu quả từ các phong trào thi đua phát triển sản xuất và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW đã tạo sự lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và người dân. Qua đó, thúc đẩy thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, góp phần quan trọng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên các lĩnh vực” - bà Phạm Thị Châu Hoàng nhấn mạnh./.
Lê Đức