【soi keo vip】Tết nội, tết ngoại
作者:Cúp C2 来源:Cúp C2 浏览: 【大 中 小】 发布时间:2025-01-10 09:14:16 评论数:
“Thời nay, dễ chi có tấm chồng như vậy. Quả là con Ba nhà mình có phước”. Bà cao giọng trong tiếng cười mãn nguyện, ngước nhìn chồng như muốn chia sẻ niềm vui. Liền đó, bà gom hết những ông chồng xỉn say cả ngày, cờ bạc thâu đêm hay siêng ăn nhác làm kết thành phông nền u ám nhằm tôn rể quý lên cao. Vẻ hồ hởi của bà khiến ông rạng ngời, vui lây.
Ông nối dài niềm vui bằng cách góp chuyện về con trai, không phải sự tháo vát trong công tác, cũng không phải tính quảng giao bặt thiệp mà là sự thành thạo, tinh tế khi vào bếp. Ông bảo, thằng Hai khi xưa còn chẳng biết chiên trứng, luộc rau nhưng nay nó là số hai thì không ai nhà này số một về nấu nướng. Đơn giản như nấu bát canh rau hay kho cá, xào thịt, cậu cũng nêm nếm đậm đà, đánh thức tì vị thực khách ngay khi chưa đụng đũa. Ông bảo, trường đào tạo sĩ quan quả là rèn người học không chỉ trên thao trường mà cả khi vào bếp; nhờ thế Hai mới có sự khác biệt đáng mừng. Thật tréo ngoe khi vợ cậu - một nhân viên nuôi quân nhưng hình như không bằng chồng lúc vào bếp. Những khi nhà có đám tiệc, Hai lại vô bếp cùng vợ và có phần lấn lướt trong thiết kế cỗ bàn.
Ông san sẻ vẻ hài lòng cùng nụ cười đắc ý, cứ như muốn được bà cộng hưởng. Nhưng không, đáp lại là sự hững hờ, ngó lơ. Ông cụt hứng: “Bà sao vậy?”. Giọng dè bỉu kéo dài: “Đàn ông mà cứ chui vô bếp thì hay ho cái gì!?”. Những lần lên thăm cháu nội, nhìn con trai lúi húi nấu nướng, bà cảm thấy kỳ kỳ, như bị tổn thương. Hơn thế, cậu còn giành phần của vợ: “Em đã cả ngày vất vả trong bếp đơn vị, để anh phụ cho”. Nói rồi, cậu mang tạp dề và xắn tay áo, mặc vợ ái ngại nhìn nét mặt mẹ không vui.
Ông thắc mắc bất bình: “Bà lạ thật, cùng làm những việc tương tự nhưng với con rể, bà khuếch trương, cổ vũ; với con trai, lại chê trách. Vợ chồng trẻ biết san sẻ việc nhà cho nhau là quý chứ sao?”. Bà ú ớ, ngớ người. Đến bà cũng chưa chắc cắt nghĩa được đổi thay nơi lòng mình từ khi con có vợ, có chồng. Theo đó, những gì vợ chồng trẻ làm cho nhau, tạm gọi là “được” cho con trai, con gái thì bà vỗ tay; nếu con chiều chuộng bạn đời thái quá, bà lại lo vu vơ, kiểu như sợ nó bị thiệt thòi vậy.
Cả việc chi tiêu của chúng nó, bà cũng ngầm tỏ ý bênh con, trong khi bà là tay hòm chìa khóa chắc chắn trong nhà này. Mẹ từng ghé tai con trai: “Cũng phải dằn túi chút đỉnh, cứ lúc cần lại ngửa tay xin tiền vợ, tủi lắm, con ạ”. Con trai tươi cười, gạt đi: “Chúng con biết mà, mẹ không phải lo”. Vẫn không vơi được nỗi lo lòng mẹ, bà kể về những ông bị vợ quản hết tiền, khi chi tiêu lại phải năn nỉ, tiền của mình mà cứ như đi xin. Bà lắc đầu, chua chát: “Trông tội thật!”. Con trai nắm tay mẹ trấn an: “Chúng con không thế đâu, mẹ ạ”.
Quanh chuyện tiền bạc, nỗi lo của bà còn lan xa khi nghe cha mẹ vợ của con trai sắp làm nhà. Bà kể với chồng rồi gợi chuyện bâng quơ: “Ông bà bên ấy khó khăn, chắc lại nhờ tiền các con thôi”. Chồng tươi cười, vun vào cho sui gia: “Anh chị ấy đã già, được các con phụ giúp làm nhà thì quý hóa quá”. Bà lặng thinh, không hưởng ứng sự hồ hởi của chồng, chắc phập phồng lo con trai lại tốn tiền cho nhà vợ. Ngược lại, con gái mua cho mẹ cái quạt hơi nước, con rể mua cho cha chiếc chiếu trúc hay võng xếp, bà khoe khắp xóm, với nhiều lần đảo lại niềm vui được con chăm sóc.
Hình như lờ mờ nhận ra góc hẹp nơi lòng mẹ, con dâu từ phố về quê thường thăm nhà nội trước rồi mới về nhà mẹ đẻ, ở lại lâu hơn. Nếu hôm nào chị đi ngược lại thì khi sang nhà nội không kể chuyện nhà ngoại, sợ mẹ chồng so đo. Cũng có lần bà biết việc con dâu ở với mẹ đẻ cả ngày rồi mới ghé qua nhà nội chốc lát, dù hai nhà cách nhau không xa. Bà nhăn mặt, trách con bằng cách ca cẩm với chồng: “Nó qua đây loáng thoáng cho phải phép thôi mà”. Ông ngó sững, khẽ gắt lên: “Con gái về, bà cũng muốn giữ nó ở lại chơi lâu kia mà, người ta cũng thế thôi. Nên nghĩ thoáng một chút cho nhẹ lòng, bà ạ”.
Tết đến, nàng dâu thêm một lần phân vân khó xử, đón tết nhà nội hay ngoại. Cưới nhau năm năm nhưng đôi vợ chồng trẻ chưa có được cái tết sum vầy trọn vẹn. Năm chị được nghỉ thì anh trực đơn vị; năm sau anh được tự do thì chị lo phục vụ cơm nước cho số anh em ở lại sẵn sàng chiến đấu. Những khi đồng đội nghỉ ngơi, vui chơi thì chị thường bận bởi nuôi quân có nhiệm vụ tổ chức liên hoan hay ăn tăng cường, tết còn gói bánh chưng, bánh tét.
Năm nay, chồng lại đón tết ở đơn vị, vợ cùng con nhỏ về quê. Chị định ở nhà nội đến sát tết rồi sang nhà ngoại nên tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, chùi rửa li chén rồi phụ mẹ làm bánh in, bánh thuẫn. Chị đem bộ lư đồng ra ngâm nước lá bứa rồi đánh rửa cả buổi trưa, lại giặt mùng mền phơi quanh bờ rào. Ngước nhìn trần nhà đầy mạng nhện, chị lại đi tìm chổi cán dài. Cha mấy lần bảo nghỉ nhưng chị không ngơi tay, cũng chưa dám nói ý định sang nhà ngoại đón tết. Vẻ như ông cảm nhận được điều khó nói của con nên hôm sau liền bảo: “Con thu xếp rồi sang nhà ngoại đi. Cha cũng được mời dự mừng thọ ông bà ngoại thằng nhỏ ngay sau tết đấy. Con nên về sớm để lo tính cho ông bà bên nhà”.
Chị khẽ “dạ”, mừng lẫn ngạc nhiên, cúi xuống giấu xúc động khi được thấu hiểu. Lâu sau, chị ngước nhìn cha, trải lòng: “Tết này, vợ chồng cô Ba và chú Út cũng không về, con lo nhà mình trống vắng…”. Người cha tươi cười, gạt đi: “Không sao đâu, con ạ!”.
Nói thế nhưng khi con quay xe, cháu vẫy chào, ông bần thần, bước lần ra ngõ, nhìn theo cho đến khi cháu con khuất dần sau hàng xà cừ trên đường làng. Chồng quay vô, gặp ngay nét mặt không vui của vợ. Bà càu nhàu: “Con cháu đón tết nhà nội là phải quá rồi; ông lại…”. Vẻ như đoán trước tình huống này, ông tươi cười hạ giọng: “Vẫn biết bên con cháu trong ngày tết mới vui nhưng nhà bên ấy đang chuẩn bị mừng thọ, ông bà ngoại thằng nhỏ lại yếu rồi…”. Nhìn nét mặt nặng bực dọc, ông khẽ nhẹ như ghé vào tai vợ: “Nên nghĩ cho người khác một tí, bà ạ”.
Chiều ba mươi, mâm cúng rước ông bà đã bày trên bàn thờ, với khói hương nghi ngút. Sau khi khấn vái tổ tiên, ông bước ra hiên, lơ đãng nhìn cây mai ở mé sân đơm đầy búp dưới màn mưa lây rây như sương, bà thì vẫn lúi húi trong bếp. Nghe con chó hực hực, ông nhìn ra cổng, sau tiếng còi là thằng cháu nhảy khỏi xe, chạy ào vô sân. Ông đứng sững, bà từ nhà dưới hấp tấp chạy lên, cả hai lặng nhìn con cháu.
Con dâu dựng xe, tươi cười chào cha mẹ. Trước vẻ ngạc nhiên của hai cụ, cô lên tiếng: “Con sợ cha mẹ buồn trong những ngày tết…”. Tay xách túi đồ vô nhà, cô nhìn bàn thờ rực rỡ đèn hoa, xuýt xoa như có lỗi: “Má con cứ giục về để kịp phụ mẹ nấu cúng nhưng xe cộ đông quá, con không dám chạy nhanh”.
Ông nén vui, rụt rè: “Còn việc bên nhà ngoại…”. Tiếng đáp lại vồn vã: “Cậu em của con may là mua được vé máy bay, vừa về sáng nay, cậu ấy sẽ lo lễ mừng thọ, cha ạ”. Ông tươi cười, bước tới bồng xốc thằng cháu hôn hít, bà thì quay đi, vẻ hổ thẹn.