【kq sevila】Kinh phí xúc tiến ít, đề án tốt cũng bị "bỏ rơi"
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, công tác XTTM của chúng ta vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Các ngành đã có thế mạnh như dệt may, thủy sản còn thiếu thị trường, còn các ngành như nông sản lại chưa tìm được thị trường bền vững, sản lượng còn thấp, ông nghĩ sao về nhận định này?
Nhận định này mới chỉ đánh giá một khía cạnh phát triển thị trường trong lĩnh vực XTTM. Việc đánh giá hiệu quả của công tác XTTM cần xem xét một cách toàn diện, trước hết là từ khâu sản xuất trong nước, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, phát triển các ngành hàng xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia…
Trên bình diện đó, có thể nói hoạt động XTTM trong thời gian qua đã được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, tận dụng tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp với nhiều lĩnh vực, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đứng trước những đòi hỏi của giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mới và thời kỳ phát triển mới về chất của nền kinh tế, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư cho công tác XTTM ngày càng cao. Tuy nhiên, trong khi các nền kinh tế phát triển đầu tư mạnh mẽ cho mạng lưới các cơ quan XTTM thì đầu tư cho XTTM của nước ta còn nhiều hạn chế. Ví dụ, kinh phí dành cho chương trình XTTM quốc gia của Việt Nam hiện nay tính trên kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 0,003% (so với mức trung bình của thế giới là 0,11%, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới- WB). Tính theo tỷ lệ phần trăm, kinh phí này chỉ tương đương 1/4 kinh phí của Bangladesh, bằng 1/10 của Thái Lan.
Thực tế, Bộ Công Thương đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc phê duyệt chương trình XTTM. Nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao và thiết thực phục vụ trực tiếp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và an sinh xã hội nhưng do không có kinh phí, nên không được đưa vào phê duyệt thực hiện.
Năm 2016 sẽ là một năm hội nhập sâu rộng của đất nước, như vậy công tác XTTM sẽ phải thay đổi theo hướng nào?
Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương (như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP) và các hiệp định song phương, ngoài những lợi ích có thể đem lại cho xuất khẩu các mặt hàng chiến lược của Việt Nam thì các ngành sản xuất trong nước được dự báo là chịu nhiều tác động tiêu cực nếu như không có các biện pháp hỗ trợ phù hợp và kịp thời.
Trước yêu cầu mở cửa hội nhập đó, công tác XTTM ngày càng phải thể hiện rõ vai trò và vị trí của mình. Hoạt động XTTM vì thế cần phải nâng cao cả về chất và lượng, triển khai phối hợp nhiều biện pháp cả trong và ngoài nước nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác XTTM, đồng thời cần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và công tác thông tin XTTM (Văn phòng XTTM đã được thành lập tại Hoa kỳ và Trung Quốc; hoàn thành việc thành lập các Văn phòng XTTM tại Trung Quốc; hoàn thiện Đề án thành lập các văn phòng XTTM tại nước ngoài)...
Theo đó, các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng theo hướng tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành tại nước ngoài, tổ chức đoàn giao dịch thương mại giúp duy trì kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, đặc biệt chú ý tới các thị trường Việt Nam đã hoặc chuẩn bị ký kết các hiệp định tự do thương mại.
Hoạt động xúc tiến xuất khẩu thông qua các hoạt động tổ chức ngay tại Việt Nam như: Tổ chức triển lãm quốc tế tại Việt Nam; hội nghị quốc tế ngành hàng; tổ chức đón các đoàn mua hàng của nước ngoài vào Việt Nam; huy động hệ thống tham tán thương mại tại các nước trên thế giới giới thiệu các cơ hội kinh doanh, kết nối giao thương, cung cấp thông tin thị trường cập nhật cho doanh nghiệp.
Với độ bao phủ của rất nhiều FTA, đã, đang và sẽ được ký kết trong thời gian tới, theo ông, chúng ta có cần thiết phải đi tìm kiếm thêm các thị trường mới?
Như tôi đã đề cập ở trên, các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia vào mở ra cơ hội lớn cho đất nước khi được hưởng các lợi thế về mở cửa có từ các Hiệp định. Những đối tác mà chúng ta ký kết FTA đều là những đối tác lớn như EU, Mỹ,.. Tuy nhiên, các cơ hội là vậy nhưng không có nghĩa là chúng ta chờ đợi cơ hội tới, mà vẫn phải liên tục thực hiện các hoạt động tìm kiếm. Các hoạt động tìm kiếm ở đây không chỉ ở mở rộng thị trường mới mà ngay cả những thị trường chúng ta đã đặt chân vào thì vẫn cần tìm kiếm khách hàng mới và xây dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước và bằng nỗ lực, chủ động của doanh nghiệp, bên cạnh thị trường xuất khẩu chủ lực như thị trường châu Á, các thị trường khác thuộc các khu vực như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc… đã có sự gia tăng về kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và gia tăng kim ngạch xuất khẩu, ngoài các thị trường truyền thống, việc đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường mới sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu và tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường truyền thống.