Thông tư số 71/2020/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm (NSNN) 2021, kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2021-2023, quy định: các bộ, ngành, địa phương phải đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển (ĐTPT) năm 2020 và 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.
Về đánh giá việc triển khai và tổ chức thực hiện dự toán chi ĐTPT năm 2020, thông tư quy định các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo về tình hình bố trí và giao dự toán chi ĐTPT như: thời hạn phân bổ và giao kế hoạch cho chủ đầu tư; kết quả bố trí dự toán để thu hồi vốn ngân sách ứng trước và thanh toán nợ xây dựng cơ bản thuộc nguồn NSNN; việc điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ĐTPT giữa các bộ, ngành, địa phương năm 2020; khó khăn, vướng mắc và kiến nghị điều chỉnh cơ chế, chính sách; kiến nghị trong tổ chức thực hiện.
Chi ĐTPT từ nguồn chi cân đối NSNN (bao gồm cả chuyển nguồn từ các năm trước sang năm 2020 theo quy định), phải đánh giá vốn thanh toán đến hết quý II/2020, dự kiến đến hết ngày 31/12/2020; tình hình giải ngân vốn ĐTPT năm 2020, chi tiết theo từng nguồn vốn.
Đối với chi ĐTPT từ nguồn tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền và chuyển mục đích sử dụng đất, phải báo cáo tình hình thu, nộp ngân sách và việc thực hiện dự toán chi ĐTPT năm 2020 từ nguồn thu này.
Đánh giá tình hình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn NSNN và thu hồi vốn ứng nguồn NSNN, gồm: số nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng nguồn NSNN đến ngày 31/12/2019; ước số xử lý trong năm 2020; dự kiến số nợ xây dựng cơ bản, số ứng chưa có nguồn thu hồi đến ngày 31/12/2020 (chi tiết từng dự án).
Ngoài ra, cần phải đánh giá về chi ĐTPT theo hình thức hợp tác công tư. Trong đó, cần đánh giá tình hình thực hiện việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao theo Nghị định số 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ; khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, kiến nghị…/.
Minh Anh