Tuy nhiên, cũng trong cuộc họp báo này, đặc phái viên chung Liên hợp quốc - AL Lakhdar Brahimi đã từ chối đưa ra thời gian cụ thể, đồng thời lên tiếng cảnh báo rằng hội nghị chỉ có thể diễn ra nếu có sự hiện diện của một "phe đối lập đáng tin cậy đại diện cho một bộ phận quan trọng của người dân Syria", những người đang chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Ông Brahimi đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh một vụ đánh bom vừa xảy ra làm hơn 40 người thiệt mạng tại đất nước đang bị chiến tranh tàn phá này. Ông Brahimi đang có chuyến công du Trung Đông để thúc đẩy sự ủng hộ cho sáng kiến nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 31 tháng ở Syria làm hơn 115.000 người thiệt mạng. Nhà trung gian hòa giải này cho biết ông sẽ tới Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria và sau đó là Geneva (Thụy Sĩ) để hội đàm với các đại diện của Nga và Mỹ. Ông Brahimi dự kiến đến Syria vào tuần tới. Washington và Moskva đã nỗ lực để tổ chức một hội nghị hòa bình ngay sau khi hai bên đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt về việc phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria vào giữa năm 2014. Sáng kiến Geneva lần đầu được đưa ra hồi năm 2012, nhưng đã nhiều lần bị trì hoãn trong bối cảnh xuất hiện những tranh cãi trong phe đối lập và bất đồng xung quanh việc một số quốc gia (bao gồm Iran) có được tham dự hay không. Hội nghị Geneva I được tổ chức tháng 6-2012 đã thông qua Tuyên bố Geneva, trong đó đưa ra kế hoạch cho một sự chuyển giao quyền lực ở Syria nhằm chấm dứt nội chiến. Syria đã chỉ trích mạnh mẽ Đặc phái viên Brahimi, đặc biệt sau khi ông đề xuất việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp và trao toàn bộ quyền lực cho chính phủ này đến khi tổng tuyển cử được tổ chức. Đề xuất này được đưa ra sau chuyến thăm Syria mới nhất của ông Brahimi hồi cuối năm 2012. Giới phân tích cho rằng Damascus chỉ sẵn sàng chào đón ông chừng nào "ông làm việc với vai trò là người trung gian hòa giải, chứ không phải là một bên can dự vào cuộc xung đột quốc tế về Syria". Syria vẫn một mực từ chối tham gia các cuộc đàm phán mà trong đó các nhà thương thuyết yêu cầu ông Assad phải từ bỏ quyền lực. Liên minh Dân tộc đối lập cho biết các thành viên của họ sẽ quyết định trong một vài ngày tới về việc có tham dự Hội nghị Geneva hay không. Trong khi đó, Hội đồng Dân tộc Syria - thành phần chủ chốt của liên minh này - đe dọa sẽ từ bỏ liên minh nếu liên minh quyết định tham dự hội nghị. Tuy nhiên, cho dù Liên minh Dân tộc tham dự Hội nghị Geneva, vẫn chưa rõ họ có thể thúc đẩy bất kỳ thỏa thuận nào hay không sau khi hàng chục nhóm đối lập đã phản đối liên minh này trong nhiều tuần qua. Hiện các quan chức quốc tế đều thừa nhận rằng vẫn còn tồn tại rất nhiều rào cản để tổ chức hội nghị hòa bình về Syria. Các nhà ngoại giao Arab và phương Tây sẽ có cuộc gặp với các thủ lĩnh của phe đối lập Syria tại hội nghị "Những người bạn của Syria" để thuyết phục lực lượng này tham gia đàm phán. Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng từng ám chỉ rằng Hội nghị hòa bình Geneva II về Syria có thể sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 tới. Tuy nhiên, với những tuyên bố chưa có gì là rõ ràng của Đặc phái viên Brahimi, người ta lại đang phải đặt câu hỏi liệu hội nghị có chắc chắn được tổ chức hay không khi thời gian từ nay tới cuối tháng 11 không còn nhiều và cứ thêm một ngày, máu ở Syria lại đổ nhiều hơn. M.Châu |