Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay người dân, DN không còn phản ánh vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan, song vẫn còn một số ý kiến về vấn đề chi phí ngoài quy định. Điển hình như, trong buổi làm việc với Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc ngày 20-1 vừa qua, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, một số hội viên vẫn phản ánh việc phải nộp chi phí ngoài quy định khi làm thủ tục. Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc khẳng định, quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của ngành Hải quan không cho phép CBCC Hải quan thu tiền ngoài quy định. Để thực hiện nghiêm điều này, Tổng cục Hải quan đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục cải thiện và đẩy lùi các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận CBCC. Đặc biệt, cuối năm 2014, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định 3749/QĐ-TCHQ ngày 15-12-2014 về kế hoạch phòng chống tệ phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của ngành Hải quan, với 12 giải pháp hết sức cụ thể.
Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc nhấn mạnh, trường hợp Chi cục Hải quan nào bị nhiều DN phản ánh về vấn đề phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực… Tổng cục Hải quan sẽ chỉ đạo luân chuyển ngay Chi cục trưởng ở đơn vị đó và thực hiện thanh, kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Lãnh đạo Thanh tra Tổng cục Hải quan cho biết: Khác với nhiều năm trước, năm 2015, công tác tổ chức thực hiện, nhất là tập trung phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm, người đứng đầu đơn vị để xảy ra vi phạm được xem là vấn đề then chốt. Trước đây, ở một số đơn vị có CBCC vi phạm, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ ràng, nhưng năm 2015 điều này phải được đẩy mạnh để tạo sự chuyển biến rõ rệt. Người đứng đầu ở đây là từ cấp Đội trưởng (và tương đương) ở các Chi cục Hải quan (và tương đương) trở lên. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, năm 2015 Thanh tra Tổng cục Hải quan sẽ theo dõi chặt chẽ việc xử lý về trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu ở những đơn vị có CBCC có hành vi vi phạm. Đặc biệt, không chỉ phát hiện, xử lý sai phạm qua công tác quản lý nội bộ như thanh tra, kiểm tra, tổ chức cán bộ… Tổng cục Hải quan cũng hết sức chú trọng thông tin phản ánh tiêu cực, sai phạm, phiền hà, sách nhiễu, thu tiền trái quy định của CBCC từ các cơ quan báo chí, các cơ quan chức năng. Với trường hợp có thông tin từ các đơn vị trên, Tổng cục Hải quan sẽ khẩn trương kiểm tra, nếu thông tin chính xác sẽ lập tức xử lý nghiêm minh thông qua điều chuyển hoặc đình chỉ công tác với CBCC trực tiếp vi phạm và người đứng đầu đơn vị, trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể buộc thôi việc trước khi các cơ quan thực thi pháp luật có hình thức xử lý tiếp theo… Đây là những động thái rất quyết liệt, rõ ràng của lãnh đạo Tổng cục Hải quan.
Lãnh đạo Thanh tra Tổng cục Hải quan tiết lộ, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm của CBCC, công tác thanh, kiểm tra được đẩy mạnh thực hiện ở các bộ phận trực tiếp làm thủ tục, ví dụ như bộ phận giám sát (kho bãi ở cảng biển, sân bay, xác nhận thực xuất…), kiểm tra thực tế hàng hóa…; thanh, kiểm tra hiệu quả sử dụng các trang thiết bị phục vụ công tác đã được Tổng cục trang cấp; thanh, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại… Và ngay với các đơn vị trực tiếp thực hiện thanh, kiểm tra cũng sẽ được giám sát, kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên để ngăn chặn vi phạm.
Một số biện pháp cụ thể được Thanh tra Tổng cục Hải quan đề nghị thực hiện: Kiểm tra thực hiện chức năng, nhiệm vụ của CBCC ở khâu làm thủ tục; kiểm tra công tác thanh, kiểm tra đột xuất của các Cục Hải quan địa phương; việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, chống buôn lậu trên địa bàn; thực hiện kê khai, công khai minh bạch tài sản; hiệu quả sử dụng trang thiết bị; công tác điều động, luân chuyển cán bộ; việc xử lý vi phạm đối với CBCC và người đứng đầu…
Cũng theo lãnh đạo Thanh tra Tổng cục Hải quan, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không chỉ là công việc của đơn vị thanh tra, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã và sẽ chỉ đạo sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự phối hợp của Cục Điều tra chống buôn lậu, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Kiểm tra sau thông quan, Báo Hải quan… Ngoài ra, các đơn vị Hải quan địa phương cũng phải chú trọng công tác tự thanh, kiểm tra nội bộ.
Bên cạnh đó, việc duy trì hoạt động của Đội kiểm tra, giám sát đột xuất (Đội đặc nhiệm) do đích thân Tổng cục trưởng chỉ đạo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Đội sẽ hoạt động theo phương thức vừa bí mật vừa công khai. Lãnh đạo Thanh tra Tổng cục lý giải: Bí mật trong hoạt động theo dõi, nắm bắt thông tin; công khai, minh bạch quá trình xử lý vi phạm.
Như đề cập ở trên, vấn đề xử lý vi phạm qua kênh thông tin báo chí sẽ được Tổng cục Hải quan hết sức chú trọng, do đó, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng mong muốn sự phối hợp vào cuộc của các cơ quan báo chí trong phát hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng góp phần để Tổng cục Hải quan chấn chỉnh và xây dựng lực lượng Hải quan ngày càng trong sạch, vững mạnh.
12 giải pháp để phòng chống tệ phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của ngành Hải quan (ban hành theo Quyết định 3749/QĐ-TCHQ) gồm: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống; Cải cách thủ tục hành chính; Chú trọng công tác đào tạo; Hiện đại hóa trang thiết bị giám sát; Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ; Sử dụng hiệu quả trang thiết bị; Nâng cao hiệu quả kiểm soát, chống buôn lậu; Đẩy mạnh thanh, kiểm tra; Tăng cường kiểm tra, giám sát CBCC ở các đơn vị thừa hành; Giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo; Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; Đo sự hài lòng của doanh nghiệp. |