Đồng USD chịu áp lực giảm giá trong trung hạn Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa đưa ra một báo cáo phân tích về những tác động lớn có thể có từ nhiệm kỳ của tân Tổng thống Mỹ đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Báo cáo cho biết, ngay khi cuộc bầu cử diễn ra, diễn biến trên thị trường tiền tệ thế giới trong phiên ngày 9/11 rất khó lường và phát đi những tín hiệu có phần “nhiễu”. Trong lúc các bang kiểm phiếu cho kết quả nghiêng về ông Trump thì đồng USD mất giá mạnh so với EUR, JPY nhưng kết thúc phiên giao dịch, đồng USD lại hồi phục đáng kể với chỉ số USD Index tăng 0,7%. Trong tuyên bố tranh cử trước đó, ông Donald Trump chủ trương cắt giảm nhiều loại thuế, bao gồm cả thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thừa kế… đồng thời ủng hộ tăng mạnh chi tiêu công, đặc biệt vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và quân sự. Theo các nhà phân tích, việc tăng thuế nhưng đồng thời tăng chi tiêu sẽ khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng. Điều này nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên lạm phát và đồng USD sẽ có xu hướng giảm giá trong nhiệm kỳ của ông Trump. Khi đó, lạm phát sẽ tăng lên và đồng USD có xu hướng giảm giá trong trung hạn. Tuy nhiên trong ngắn hạn, đồng USD sẽ có xu hướng tăng giá so với các đồng tiền của các nước “có thể là đích ngắm” của các hành động bảo hộ thương mại của Mỹ, bao gồm JPY, EUR và đặc biệt là đồng tiền của các thị trường đang phát triển hiện đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Diễn biến này phản ánh trước yếu tố “kỳ vọng” và dự báo về những khó khăn mà các nước đang phát triển sẽ gặp phải trên lĩnh vực thương mại quốc tế cũng như khía cạnh xuất khẩu. Thêm vào đó, rủi ro lạm phát tăng lên cùng với chủ trương cắt giảm thuế khá mạnh tay của ông Trump sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể đẩy nhanh việc tăng lãi suất. Điều này cũng hỗ trợ cho đà tăng giá của đồng USD thời gian tới. Kịch bản này cùng yếu tố mang tính mùa vụ cuối năm trong nước có thể sẽ gây áp lực mất giá nhất định lên đồng VND trong hai tháng cuối năm, báo cáo của BVSC đánh giá. Thương mại quốc tế sẽ chịu nhiều biến động Những kịch bản này với thị trường tiền tệ xuất phát từ những ảnh hưởng tiêu cực đối với lĩnh vực thương mại quốc tế khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ. Điểm nhấn trong chiến dịch tranh cử của ông là chống thương mại hóa toàn cầu, phản đối các hiệp định thương mại tự do và đưa ra các chính sách mang tính bảo hộ thương mại ở mức cao, tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa các nước khác. Cụ thể hơn, đối với các hiệp định thương mại tự do, ông đề xuất đàm phán lại các điều khoản của NAFTA (Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ), rút khỏi TPP và các hiệp định khác đang chờ đàm phán. Tác động rõ nhất đối với Việt Nam là việc TPP sẽ còn khá ít cơ hội được thực thi dưới thời Tổng thống Donald Trump. Theo BVSC, điều này có thể gây suy giảm động lực tăng trưởng và những mặt tác động tích cực mà chúng ta đã kỳ vọng trong thời gian qua. Ngoài ra, khả năng thu hút các dòng vốn FDI mới hoặc mở rộng quy mô của các dự án FDI đã đầu tư vào Việt Nam trong các năm gần đây để đón đầu TPP có thể chững lại khi mà cơ hội để TPP được thực thi hẹp dần. Về bảo hộ thương mại, dù hiện ông Trump mới chỉ chủ trương đàm phán lại các điều khoản thương mại với hai đối tác là Mexico và Trung Quốc nhưng quan điểm này có thể sẽ còn tiếp tục chi phối đối với các đối tác mà Mỹ có thâm hụt thương mại, trong đó có Việt Nam. Quan điểm cứng rắn của ông Trump về bảo hộ sản xuất trong nước có thể sẽ khiến ông áp dụng các chính sách tăng thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ từ tất cả các đối tác thương mại. Nếu điều này xảy ra, xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng không loại trừ khả năng trên thực tế những chính sách mà ông Trump theo đuổi sẽ ôn hòa hơn những gì ông đã phát biểu trong kỳ tranh cử nhằm mục đích gây ấn tượng với dân chúng. Hơn nữa, hệ thống chính trị của Mỹ cũng có sự ràng buộc, phân quyền rất lớn và các chính sách đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện qua rất nhiều nhiệm kỳ tổng thống trước đây. Vì vậy, để thực hiện những thay đổi lớn như trong tuyên bố của ông Trump là không đơn giản.
H.Y |