Khi thấy trong người không được khoẻ, ông Tô Công Quận, Khóm 6, Phường 7, TP Cà Mau, đi khám bệnh tại Bệnh viện Ða khoa TP Cà Mau. Sau khi xác định bị K, ông xin chuyển sang Bệnh viện Ða khoa Cà Mau để khám và điều trị.
Ông Tô Công Quận chia sẻ: "Khi chuyển sang Bệnh viện Ða khoa Cà Mau, tôi được bác sĩ chẩn đoán bị khối u trực tràng, phải phẫu thuật, sau đó hoá trị, hiện đang xạ trị... Tất cả các khâu, từ khám, phẫu thuật, hoá trị, xạ trị đều được đội ngũ y, bác sĩ tận tình thăm khám, điều trị. Có nhiều bệnh nhân ở ngoài tỉnh đang xạ trị cùng tôi như: Cần Thơ, Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang".
Quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, bà Nguyễn Thị Bích Duyên chia sẻ: “Tôi bị K vùng ngực, đã phẫu thuật và hoá trị tại một bệnh viện ở Cần Thơ, đến khi xạ trị thì bệnh viện ở Cần Thơ quá tải, có thể phải đợi mấy tháng. Ðược bác sĩ tư vấn, tôi đã chuyển đến Bệnh viện Ða khoa Cà Mau để xạ trị”.
Bệnh nhân đang được khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau.
Bác sĩ Phan Văn Tam, Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau, thông tin, hệ thống máy xạ trị gia tốc điều trị cho bệnh nhân ung thư được áp dụng tại bệnh viện đem lại rất nhiều lợi ích. Những bệnh nhân trước đây có chỉ định xạ trị, phải chuyển lên tuyến trên, chi phí tăng thêm nên gặp rất nhiều khó khăn. Hiện trung bình mỗi ngày khu xạ trị tiếp nhận khoảng 25-30 bệnh nhân, hầu hết đều có BHYT nên không tốn nhiều chi phí trong cả quá trình điều trị.
Bệnh viện Ða khoa Cà Mau được Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh chọn, được Bộ Y tế công nhận, là bệnh viện vệ tinh cho 2 bệnh viện tuyến Trung ương. Là bệnh viện vệ tinh nên giai đoạn 2016-2020, bệnh viện đã cử nhiều bác sĩ đi đào tạo, tập huấn; được HÐND, UBND, Sở Y tế trực tiếp chỉ đạo mua sắm các trang thiết bị máy móc để đáp ứng điều trị kỹ thuật cao, qua đó tạo được niềm tin cho người dân trong tỉnh khi điều trị tại bệnh viện.
Bác sĩ CKII Bùi Ðức Văn, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa Cà Mau, cho biết, trước đây, tất cả các trường hợp bị thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim đều phải chuyển lên TP Hồ Chí Minh hoặc Cần Thơ điều trị. Những trường hợp đó tỷ lệ thành công thấp, do không kịp thời can thiệp trong 6 giờ đầu. Khi nhận chuyển giao từ Bệnh viện Chợ Rẫy, đến nay đã can thiệp thành công hơn 1 ngàn ca, giảm tỷ lệ phải chuyển lên tuyến trên, giảm rất nhiều chi phí, tạo niềm tin cho người bệnh.
Bệnh viện Ða khoa Cà Mau là một trong những điểm sáng về điều trị ung thư ở 13 tỉnh ÐBSCL. Thời gian gần đây, bệnh viện đã kịp thời đáp ứng và hỗ trợ các tỉnh lân cận như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang... về xạ trị, được bệnh viện tuyến trên đánh giá cao.
Kỹ thuật viên tại khu xạ trị, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau, đang điều chỉnh hoạt động xạ trị cho bệnh nhân thông qua hệ thống điều khiển.
Nhờ thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới, chất lượng khám chữa bệnh của Bệnh viện Ða khoa Cà Mau ngày càng được nâng cao, nhất là trang thiết bị, những phương tiện phục vụ người bệnh được trang bị hiện đại, góp phần gia tăng chỉ số thu hút người bệnh. Ðến nay, đã có gần 7 ngàn lượt bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được chăm sóc, điều trị tại bệnh viện theo hướng chuyên khoa sâu và điều trị thành công nhiều trường hợp.
Bệnh viện Ða khoa Cà Mau đã ký thoả thuận với Bệnh viện Ða khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, trong năm 2023 sẽ chuyển giao can thiệp mạch não. Hiện bệnh viện đã thực hiện can thiệp lấy huyết khối, đặt stent ở ngoài não, thời gian sắp tới sẽ triển khai can thiệp đặt stent trong não.
Với việc phát triển đồng bộ, cơ bản những kỹ thuật cao, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau tạo được niềm tin cho người dân, đồng thời nâng tầm vị thế, ngang với các bệnh viện khu vực ÐBSCL./.
Hồng Phượng