Những nông dân tích cực,ăngđộngphttriểnkinhtếbóng đá chảo lửa năng động, dám nghĩ, dám làm để vươn lên phát triển kinh tế đã góp phần làm mới bộ mặt nông thôn ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A.
Hộ chăn nuôi ở Trường Long A linh hoạt chuyển đổi mô hình để phù hợp với nhu cầu thị trường.
Là địa phương tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, UBND xã Trường Long A tích cực vận động, tuyên truyền người dân tăng gia sản xuất, đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để tăng thu nhập. Nhất là trong thời buổi thị trường còn nhiều biến động, tiềm ẩn rủi ro. Những mặt hàng nông sản dễ bị ảnh hưởng trực tiếp từ sức tiêu thụ đến giá cả.
Vừa qua, trên địa bàn xã có khoảng 30 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi. Cùng với ngành nông nghiệp huyện, UBND xã tuyên truyền và hỗ trợ người dân chuyển đổi sang mô hình thích hợp để ổn định kinh tế. Qua nhiều lần họp bàn và tìm hiểu nguyện vọng của các hộ dân, có 20 hộ đã xác định chuyển hướng sang các vật nuôi khác.
Ông Nguyễn Đức Đoàn, ở ấp Trường Lợi, ban đầu có ý định nuôi heo, tuy nhiên thời điểm hoàn thành mọi khâu chuẩn bị thì tại địa phương bị ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi. Là người có kinh nghiệm làm việc trong ngành chăn nuôi 20 năm, ông Đoàn có liên kết chặt chẽ với các cơ sở cung cấp giống và thức ăn chăn nuôi. Sau khi tính toán kỹ về tình hình hiện tại và định hướng tương lai, ông quyết định rẽ hướng sang nuôi gà.
Theo ông Đoàn, dù tình hình khó khăn nhưng ngành chăn nuôi còn nhiều tiềm năng và cơ hội nếu người dân biết tận dụng và nắm bắt kịp thời. Quan trọng nhất là quyết tâm với con đường mình chọn và không ngừng tìm tòi các phương pháp mới để giảm chi phí sản xuất. Bởi có như vậy, khi giá cả thị trường có biến động bất lợi thì mình vẫn giữ được lợi nhuận.
Trên phần đất dự định nuôi heo trước đây, ông Đoàn xây dựng 4 chuồng nuôi, diện tích khoảng 250m2 mỗi cái và thả nuôi 5.000 con gà Bến Tre. Được biết, ông chọn giống gà này vì dễ nuôi, thời gian xuất chuồng từ 3,5 tháng trở lên, trọng lượng mỗi con khi đó đạt từ 1,4-2kg và giá bán ổn định bình quân khoảng 70.000 đồng/kg.
Trong chuồng nuôi, ông Đoàn sử dụng đệm lót sinh học nên không tốn công dọn dẹp, lại giảm thiểu dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Trừ những lúc phải tiêm phòng vắc-xin và dọn dẹp nền chuồng gà chuẩn bị cho đợt nuôi mới cần nhiều nhân công, thời gian còn lại chỉ cần 2 người có thể trông coi hết. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm thay thế cho thịt heo cũng khá cao, không chỉ các thương lái trong và ngoài tỉnh mà ngay tại địa phương cũng có người hỏi mua lẻ dù chưa đến ngày xuất bán. “Nhìn thấy không ít hộ nuôi heo sau khi bị ảnh hưởng dịch bệnh còn lúng túng nên với điều kiện sẵn có mình cũng mạnh dạn mở đầu. Nếu bà con muốn xây dựng mô hình cũng có cơ sở để tìm hiểu và dễ quyết định”, ông Đoàn chân thành chia sẻ.
Còn lĩnh vực trồng trọt, phong trào chuyển đổi đất vườn và đất lúa kém hiệu quả cũng diễn ra sôi nổi và nhiều hộ bắt đầu gặt hái thành quả. Điển hình như nông dân Nguyễn Văn Lâm, ở ấp Trường Bình. Cách đây vài năm, anh Lâm đã lên liếp vườn từ 5 công ruộng để trồng cam xoàn. Năm nay, vườn cam cho trái chiếng và đang thu hoạch, thương lái vào thu mua với giá 20.000 đồng/kg. Dự kiến kết thúc đợt đầu tiên gia đình anh Lâm bán hơn 10 tấn, thu lợi nhuận hơn trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí. Phần diện tích ruộng còn lại, anh Lâm đã đi tìm hiểu ở các nơi và quyết định mua 200 cây bơ sáp (giống 034) về trồng. Do đây là mô hình mới nên anh chuẩn bị khá kỹ, đã làm nhà lưới để mang cây giống về trồng trước, đợi cây phát triển tốt và thích nghi với điều kiện tại đây mới mang ra ngoài. Trong thời gian chờ bơ cho trái (khoảng 3 năm), gia đình trồng thêm rau màu các loại như dưa leo, đậu bắp để lấy ngắn nuôi dài.
Ông Huỳnh Văn Nhịn, Chủ tịch UBND xã Trường Long A, thông tin thêm: Trong năm 2019, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được địa phương quan tâm sâu sát. Xã cùng với ngành nông nghiệp huyện thường xuyên tổ chức các đợt tham quan, học hỏi để gợi mở nhiều hướng đi mới, khuyến khích người dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng cây ăn trái như sầu riêng, mít, bơ, cam xoàn… Đồng thời, hướng dẫn hộ dân lựa chọn mô hình chăn nuôi khác để gầy dựng kinh tế sau khi nhận hỗ trợ sau dịch tả heo châu Phi.
Bài, ảnh: THIÊN TRANG