Phóng viên đa nhiệm vùng biên Đây là năm thứ 10 phóng viên Trà Giang gắn bó với Đài Truyền thanh huyện Bù Gia Mập. Làm báo ở một huyện biên giới,m bbảng xếp hạng giải vô địch mexico có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chị gặp không ít gian nan. Nhưng tình yêu nghề cùng với sức trẻ đã giúp chị kiên trì theo đuổi đam mê. Tình yêu nghề cùng với sức trẻ đã giúp phóng viên Trà Giang kiên trì theo đuổi đam mê Gọi Trà Giang là phóng viên đa nhiệm vì công việc mỗi ngày mà chị đảm đương là từ viết báo, quay phim đến phát thanh viên. Nói về một kỷ niệm đáng nhớ với nghề, chị cho biết đó là lần tác nghiệp tại xã Đa Kia vào năm 2016. “Đợt đó là mùa nắng, tự nhiên mưa bất ngờ. Mình mang theo 1 máy quay, 1 chân máy và 1 laptop nhưng chỉ có cái áo mưa nhỏ. Lúc đó mình nghĩ nếu mắc mưa, bị bệnh thì uống thuốc là khỏi nhưng máy quay và những thiết bị tác nghiệp mà bị dính nước thì ảnh hưởng rất lớn đến công việc” - phóng viên Trà Giang nhớ lại. Với suy nghĩ đó, chị đã lấy áo mưa gói máy quay, laptop, còn bản thân thì dầm mưa chạy xe về. Nếu như nhiều người nữ chọn làm báo dễ bị gia đình phản đối thì trái lại, động lực để Trà Giang chọn nghề báo chính là từ sự cổ vũ của ba chị. Ba là người hướng chị đến với nghề và ba luôn nói rằng: “Con hãy theo nghề báo vì con gái làm báo rất năng động”. Không chỉ vậy, Trà Giang còn có một gia đình nhỏ làm chỗ dựa vững chắc. Chị tâm sự: “May mắn là hậu phương luôn quan tâm và hỗ trợ hết sức, đặc biệt là những ngày mình phải đi sớm, về khuya. Mình có một con trai hơn 4 tuổi, khi ai hỏi mẹ làm nghề gì thì con trả lời rất tự hào: “Mẹ làm phóng viên!””. Với Trà Giang, để nói về tình yêu với nghề báo thì khó có thước đo nào có thể đo được. “Mình luôn nghĩ là phải sống trọn với đam mê qua mỗi tác phẩm. Sự nỗ lực, chỉn chu cho từng tác phẩm báo chí cũng là một trong những cách để mình thể hiện tình yêu với nghề” - Trà Giang nhấn mạnh. Nỗ lực cống hiến và trưởng thành Thuộc thế hệ người làm báo trẻ của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), phát thanh viên Văn Chung cho biết, anh vẫn đang nỗ lực mỗi ngày để cống hiến và trưởng thành. Tốt nghiệp cử nhân báo chí, Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II, giữa nhiều lựa chọn, Văn Chung quyết định về Bình Phước để bắt đầu sự nghiệp với khát khao cống hiến cho nơi mình sinh ra và lớn lên. Văn Chung (áo xanh) chọn về BPTV công tác với khát khao cống hiến cho nơi mình sinh ra và lớn lên Phát thanh viên Văn Chung trải lòng: “Đến hiện tại mình vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi tại sao mình lại chọn nghề báo. Đã có những lần mình suy nghĩ sẽ dừng lại bởi nhiều khó khăn và vất vả quá”.Nhưng rồi, guồng quay công việc cùng những trải nghiệm thú vị đã giúp Văn Chung yêu hơn nghề báo. Theo anh, thử thách lớn nhất đối với một người trẻ khi tiếp xúc với bất kỳ nghề nghiệp nào là sự non trẻ, thiếu kinh nghiệm. Anh cho biết, kỹ năng mà anh mất nhiều thời gian rèn luyện nhất là xử lý tình huống. “Khi đứng trước thông tin, nhân vật hay bất cứ vấn đề nào, tôi phải liên tục “nhảy số” trong đầu, bắt mình phải động não suy nghĩ đa dạng cách tiếp cận và hướng khai thác để có thể truyền tải thông tin vừa nhanh, chính xác vừa mới lạ, theo kịp xu hướng và gây ấn tượng cho khán, thính giả” - anh chia sẻ. Với sức trẻ và sự nhiệt huyết, sáng tạo, anh vẫn đang học hỏi để hoàn thiện bản thân hơn mỗi ngày. “Tôi luôn xem công việc là niềm vui mỗi ngày” - Văn Chung khẳng định khi nói về tình yêu nghề. Tự hào lan tỏa ngôn ngữ mẹ đẻ Gắn bó với vai trò biên dịch viên tại BPTV đã được 3 năm, công việc hằng ngày của chị Sa Rây là biên dịch bản tin, chương trình từ tiếng Việt sang tiếng Khmer, thu phát thanh và dẫn chương trình truyền hình tiếng Khmer. Sa Rây cho biết, đặc thù của nghề biên dịch không chỉ là sự chính xác của thông tin mà cách truyền tải còn phải dễ hiểu và gần gũi, đây chính là thách thức đối với người trẻ khi chưa có nhiều kinh nghiệm. Chị chia sẻ, để theo đuổi nghề này, việc duy trì và phát triển liên tục vốn từ vựng ở cả hai ngôn ngữ là đặc biệt quan trọng. Nhớ những ngày đầu mới vào cơ quan, Sa Rây tâm sự: “Lúc đó, vốn từ chưa nhiều nên đôi lúc mình phải gọi về nhà hỏi ông bà, cha mẹ để được hỗ trợ khi gặp những từ khó, những câu ca dao, tục ngữ”. Sa Rây luôn tự hào và hạnh phúc khi được sử dụng tiếng mẹ đẻ không chỉ trong cuộc sống mà còn trong công việc - Ảnh: Đặng Hùng Trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, công nghệ và các thiết bị hiện đại đã trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu đối với người làm báo. Chia sẻ về một số cách mà chị áp dụng để nâng cao kiến thức, kỹ năng giúp công việc biên dịch thuận lợi và suôn sẻ hơn, Sa Rây cho biết, chị thường dành thời gian mỗi ngày để đọc sách báo, xem các video tiếng Khmer. Bên cạnh đó, chị còn tham gia nhiều hội, nhóm biên dịch viên trên các nền tảng mạng xã hội để trao đổi, học hỏi từ các anh chị trong nghề nói chung và biên dịch tiếng Khmer nói riêng. Phóng viên Trà Giang, biên dịch viên Sa Rây và phát thanh viên Văn Chung (từ trái qua) trò chuyện về chủ đề “Người trẻ làm báo” Sa Rây luôn tự hào và hạnh phúc khi được sử dụng tiếng mẹ đẻ không chỉ trong cuộc sống mà còn trong công việc. Với chị, làm biên dịch viên tiếng Khmer tại BPTV chính là cơ hội để chị được góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ Khmer, lan tỏa văn hóa dân tộc mình đến người dân trong và ngoài tỉnh. |