发布时间:2025-01-10 15:47:32 来源:88Point 作者:La liga
Ngồi đối diện với chị bên chiếc bàn nhỏ quen thuộc, khi trước hàng hiên chợ nhóm Phường 8, TP Cà Mau vẫn náo nhiệt, tấp nập người qua lại và tiếng xe cộ cùng với tiếng trao đổi mua bán ồn ào, nhưng tiếng nói thanh thao, rành rọt của chị không lẫn vào đâu được.
Bóng đêm trùm phủ quê hương
Hồi ấy năm 1954, chị 16 tuổi, được tổ chức xét cho đi tập kết cùng người anh Hai, nhưng vì thiếu nhi đông quá nên lãnh đạo bàn chị ở lại miền Nam. Cha chị là ông Lê Văn Sánh cũng tuyên bố đi tập kết nhưng bí mật ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng sau này. Từ đó, chị được tổ chức phân công hoạt động công khai dạy học phổ thông ở Trường Phú Hưng, sinh hoạt trong tổ đoàn giáo giới. Chị được giao nhiệm vụ bí mật tổ chức quần chúng loại A thành 1 tổ 3 người (gọi là tổ 3.3), truyền đạt cho được nội dung: Đảng còn ở lại miền Nam, chuyển vào hoạt động bí mật, địch sẽ phá hoại Hiệp định Geneve, ta phải đấu tranh chính trị buộc địch thi hành hiệp định để thống nhất đất nước nên phải kiên trì đấu tranh lâu dài.
Chị Lê Thị Hồng (Hai Hồng) . Ảnh chụp ngày 2/5/1975 |
Cứ tổ 3 người này, tiếp tục vận dụng mối quan hệ bà con, thân nhân, bạn bè thân thiết tin tưởng tổ chức tiếp tổ 3 người khác, rồi 3 người khác nữa… Cứ thế, tổ chức theo hình thức "bắt rễ sâu chuỗi" trong quần chúng, tuyên truyền nội dung trên để cùng Đảng thực hiện nhiệm vụ hết sức quan trọng này.
Rõ ràng Đảng ta nhận định không sai, chẳng được bao lâu địch trở mặt không thực hiện Hiệp định Geneve, chúng đóng cửa trường học, trạm y tế, nhà bảo sanh… buộc Đảng ta phải chuyển hướng hoạt động. Một số đồng chí được ta cài lại chuyển vùng khác, riêng chị chuyển vào hoạt động bí mật, làm Phân đoàn trưởng phụ trách 3 ấp: Cái Rắn A, B và C. Cuối năm 1956, chị là Xã đoàn uỷ phụ trách 3 phân đoàn của 3 ấp trên.
Nhớ lại thời kỳ cách mạng miền Nam chìm vào bóng tối ấy, nhiều cán bộ, đảng viên trung kiên bị bắt, đánh đập, chặt đầu, anh dũng hy sinh, lòng chị ngùi ngùi thương tiếc. Đó là đầu năm 1957, địch bắt đầu truy lùng bắn giết, trả thù khốc liệt những người kháng chiến mà chúng biết ta còn cài lại ở miền Nam. Trong từng thôn quê, ngõ hẻm, nơi nào nghi có Việt cộng là đêm đêm chúng bắt dân phải đánh mõ thị uy dậy làng, dậy xóm. Chúng đốt đuốc sáng khắp nơi, chúng bao nhà, xét nhà, tra hỏi, hăm doạ những gia đình nghi có quan hệ cách mạng. Chúng cho rằng có cướp, có trộm nên rượt đuổi, lùng sục, ví bắt. Tiếng chân chạy thình thịch trên đường, xóm làng không lúc nào bình yên.
Thâm độc hơn, trước mỗi nhà dân, chúng buộc phải ghi bảng “Nhà tôi không chứa Việt cộng” hoặc “Xuồng tôi không chở Việt cộng”. Mỗi nhà đều phải chong đèn trước cửa. Chúng phân loại mỗi gia đình bằng dấu hiệu bảng treo trước cửa nhà: Màu đỏ là người thân quốc gia, màu vàng là gia đình không thân Việt cộng, màu xanh là gia đình có quan hệ Việt cộng, làm chia rẻ tình đoàn kết nông thôn, nghi kỵ, ngờ vực nhau. Chúng buộc chị em có chồng tập kết và thoát ly phải ly dị, khen thưởng cho bọn tay sai nào làm tình được với vợ con cán bộ cách mạng. Chúng thẳng tay đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng. Chúng dựng lên bộ máy kìm kẹp và các tổ chức chính trị phản động, liên tục càn quét, bố ráp, bắt bớ giam cầm, bắn giết dã man người vô tội. Chúng thực hiện thà giết lầm hơn thả lầm, chúng dựng lên tổ chức phản động “tự vệ hương thôn”, chuyên lùng sục bắt bớ bất cứ ai tình nghi là Việt cộng.
Họ trang bị cây, roi, dây, đèn pin, đội mũ trắng để đi càn ruồng ban đêm. Có nhiều tên phản động cầm đầu như phân toán trưởng, phân toán phó, liên toán trưởng, liên toán phó. Bọn cảnh sát, thám báo, dân vệ làm nòng cốt, dùng bọn gian ác kìm kẹp bắt họ phải tự tay đánh đập, chặt đầu, mổ bụng, moi gan khi bắt được Việt cộng. Lần lượt chúng bắt tất cả đội viên phải nhúng tay vào máu, gây thù oán lẫn nhau.
Đó là năm 1959, chúng tổ chức nhiều cuộc càn vào vùng chúng tình nghi, trong đó có cuộc càn vào rộc Kỳ Đà. Chúng tập trung 2.000-3.000 người chà đi sát lại, giẫm đạp nát hết cỏ cây. Chúng bắt được đồng chí Tư Vân, tra tấn đánh đập cực kỳ man rợ, không khai thác được gì, chúng đem về vàm Cái Muối bắn đồng chí.
Tiếp theo đó, đêm 14/12/1959, chúng phục kích phát hiện chị đi liên hệ làm việc nên quăng một trái lựu đạn, chị trườn ra ruộng lúa, chúng tìm không gặp nên huy động cả ngàn tự vệ hương thôn của các ấp Rau Dừa, Rau Dừa B, Vịnh Gốc… giăng hàng ngang với gậy gộc, đèn pin, đèn măng-sông chà sát cánh đồng Biện Tràng, sau nhà chú Tư Trứ bắt được chị Lê Thị Hồng (Hai Hồng) giải về Chi khu Cái Nước. Nhờ cơ sở ta giúp chị trốn thoát, nếu không, suýt nữa chị bị đưa lên máy đi chém theo Luật 10/59 của Ngô Đình Diệm.
Nhớ lại giai đoạn này, chị ngừng lại giây lát như để tưởng niệm người đã hy sinh mạng sống cứu mình. Sau khi chị trốn thoát, trong trung đội xung kích này của địch, chúng bắt 3 người thanh niên loại A do ta cài vào. Đó là anh Thảnh, anh Hổ và anh Ngàn, buộc anh em trong trung đội thay phiên chặt đầu nhau tại Rau Dừa cho đến người cuối cùng. Anh Ngàn là người bị chặt đầu đến 6-7 nhát mã tấu mà đầu chưa rơi. Riêng anh Tấn Còi, người trung đội trưởng đội xung kích, trực tiếp làm ám hiệu cho chị Hai Hồng trốn thoát thì bỏ trốn ngay sau đó.
Về Rau Dừa vào đội du kích, nhưng trong một trận chống càn, anh bị địch bắt rồi đem về Rau Dừa chặt đầu.
Cùng thời điểm đó, đồng chí Trương Văn Vịnh, Huỳnh Văn Bình, Nguyễn Văn Muôn bị chúng bắt được cũng đem về chợ Rau Dừa chặt đầu thị uy, dằn phong trào cách mạng. Nhân dân phẫn nộ, căm uất bọn giặc tàn ác dã man đến tột cùng. Bọn tự vệ hương thôn lùng sục, chà sát khắp ngõ ngách, từ bụi ráng, cây rơm, vách nhà, bờ liếp, bờ đìa… đều bị chúng dùng chĩa xom nát hết. Đồng chí Hai Cự, Bí thư Chi bộ ấp Rau Dừa B "chém vè" trong bụi ráng, bị chúng dùng chĩa xom đến chết.
Trước tình hình khó khăn trên, Đảng ta chuyển vào hoạt động bí mật, còn lại một số đảng viên, đoàn viên nòng cốt chưa bị lộ, ta bố trí nằm trong các tổ chức công khai như: vạn vần đổi công, đội bóng đá, bóng chuyền, tổ nữ công, tổ văn nghệ, hội phụ huynh học sinh… Qua đó, ta tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, hướng dẫn quần chúng dùng mọi lý lẽ đấu tranh chống địch.
Mặt khác, ta đưa đảng viên, đoàn viên, nòng cốt cài vào bộ máy chính quyền và quân đội của địch, gây dựng cơ sở nội tuyến cho ta. Ta tổ chức mỗi ấp 1 đội chống cướp, thực chất là chống bọn biệt kích bắt cán bộ, đảng viên, khi có tin giặc bắt người, ta đánh mõ, dùng cây roi, đèn đuốc bao vây giải thoát cho cán bộ ta.
Ở ấp Vịnh Gốc đã giải thoát được cho các đồng chí: Bảy Không, Sáu Chiến, Tư Hạt… hoặc như ở đầm Thị Tường và một số nơi khác trong xã đã giải vây được cho nhiều đồng chí ta chạy thoát.
Hậu quả chính sách đàn áp cực kỳ dã man, tàn bạo của Mỹ - Diệm đã gây tổn thất nghiêm trọng cho phong trào cách mạng. Thực lực bị tổn thất nặng nề, cơ sở Đảng một số ấp bị tan rã, đảng viên một số bị tù đày, một số anh dũng hy sinh, một số dao động, bỏ cơ sở chạy dài hoặc ra đầu thú, xuất trình như tên Chương, tên Thịnh.
Chi bộ xã Hưng Mỹ từ 66 đảng viên đến cuối năm 1959 còn 20 đảng viên. Để tiếp tục lãnh đạo phong trào, Đảng chủ trương cán bộ, đảng viên thực hiện "3 bám": bám dân, bám đất, bám địa bàn. Do đó, những đồng chí đã chuyển vào hoạt động bí mật, muốn thực hiện được nhiệm vụ này phải có kế hoạch nằm trong lòng dân để gần dân, lãnh đạo dân đấu tranh chống địch. Và từ đó, hầm bí mật được xây dựng trong nhà cơ sở ta.
Hầm bí mật và cánh rừng Mũi Ông Lục thời ấy
Năm 1958, Huyện uỷ chủ trương đưa một số cán bộ, đảng viên bất hợp pháp cùng với chi uỷ vào cánh rừng Mũi Ông Lục xây dựng căn cứ. Ban đêm bám về cơ sở móc ráp lực lượng hợp pháp nắm tình hình, truyền đạt chủ trương tập hợp quần chúng hướng dẫn đấu tranh chống địch.
Cánh rừng tạp vài trăm công chia làm 4 khu vực cho 4 đơn vị làm căn cứ. Xã Hưng Mỹ từ rạch ông Ba Sứt trở về kinh Mười Phải; xã Phú Mỹ ở hướng Khâu Bè; xã Tân Hưng Đông ở kinh Giải Phóng, kinh Hoà Luỹ; Huyện uỷ Cái Nước ở Kinh 2, kinh Thổ Tây. Tổng lực lượng chính trị vũ trang tại đây khoảng 100 người. Lương thực thực phẩm do dân cung cấp thông qua việc cán bộ ta ban đêm về hoạt động mang ra căn cứ hoặc bố trí lực lượng hợp pháp chở tới nơi quy định.
Trong cánh rừng Mũi Ông Lục, các đồng chí chi uỷ và cán bộ, đảng viên, đoàn viên Hưng Mỹ thường xuyên bám về Rau Dừa, Vịnh Gốc, Rau Dừa B, Lý Ấn để hoạt động vừa nắm tình hình, vừa nhận lương thực thực phẩm. Nhiều gia đình đã giúp đỡ, nhất là chị Ba Hiếu, Bảy Thưa, Sáu Hạnh, nhà ông Lê Văn Cự, ông Sáu Thế, Bảy Quyền, ông Tân, ông Năm Chiến, Sáu Thoàng, chị Láng…
Đi hoặc về đều đảm bảo bí mật, không có đường mòn. Trong rừng có cất chòi nhỏ, thấp, có sàn gỗ hoặc bờ đất, nấu cơm phải không để khói bay lên. Cho nên có chuyện, chỉ 1 cây đèn cầy, chị Hai Hồng làm thời thế nấu nồi cơm cho 8 người ăn. Đến bây giờ, có 2 người ăn chung nồi cơm đó còn sống là ông Hà Văn Sang (Tư Sang) và chị. Ông hiện ở Cái Bát và ông nói cố gắng sống để được nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Những tháng năm gian khổ ấy, ngày ẩn mình trong cánh rừng Mũi Ông Lục, đêm chị bám về cơ sở ở Rau Dừa, Lý Ấn, Biện Tràng hoạt động. Nhiều khi chị lưu lại mấy ngày đêm liền trong hầm bí mật để móc nối cơ sở làm việc. Ở Rau Dừa, nhà Sáu Huân, Chín Bình, Út Công, Tư Năng, Tư Ngà, Hai Cứ đều có làm hầm bí mật, thường xuyên thay đổi, không ở một chỗ lâu.
Hầm bí mật tại nhà chú Tư Ngà (Ngà móm) ở rạch Biện Tràng ngày chị trú trong hầm, đêm lên khỏi hầm liên hệ cơ sở làm việc. Đêm nào tình hình "êm" chị ngủ chung trong mùng chú thím Tư. Chú có người con trai làm liên toán phó, nó về nhà, chị ém trong buồng. Thím Tư bảo nó gặp Việt cộng đừng bắt, nó bảo phải bắt chớ không bắt nó, nó bắt mình. Chú thím một dạ che chở bảo vệ chị, chú dìm chiếc xuồng be bảy của chị dưới đìa, khi êm chú lại tát nước đưa chị lên đầu đất liên hệ cơ sở làm việc. Khi có tình hình động, chú lại dìm xuồng dưới đìa, che mắt địch.
Chị ở thường xuyên nhất là hầm bí mật tại nhà chú Hai Cứ (gọi là Hai Cứ cùi) vì chú bệnh cùi rất nặng, địch ít chú ý. Trong nhà chú hầm bí mật làm rất kiên cố, bốn bên đều tấn bằng ván, có ống tre lấy hơi và ánh sáng vào, chị ngồi được trong hầm và thím Hai đưa cơm vào cho chị ăn. Lại một lần khác, chị và anh Mười Tấn bị giặc đuổi rát quá, chạy vào nhà cơ sở ta là nhà thím tư Dè có hầm bí mật. Nhưng rủi thay, khi 2 người xuống hầm, nước tràn ra lênh láng nền nhà nên phải nhảy lên, lội qua đám sậy ngang sông. Lúc đó giặc tràn tới. Thím Tư nhanh trí giả bộ đổ bể nồi tấm heo, đang la rầy con dâu và lấy chổi quét nước văng tung toé để xoá sạch chứng cứ. Lòng dân ta một lòng bảo vệ cán bộ là thế đó.
Cũng tại cánh rừng Mũi Ông Lục này, chị nghe được câu chuyện đầy cảm động, cùng sự khâm phục tinh thần tổ chức kỹ luật Đảng rất nghiêm minh của những đảng viên kiên trung, một lòng theo Đảng. Giữa năm 1959, địch bố ráp quá gắt gao, không còn chỗ nương thân. Đồng chí Hồ Văn Bỉ (Năm Lài) và đồng chí Bảy Cung là 2 Chi uỷ viên xã Hưng Mỹ bị đứt liên lạc nửa tháng, không biết sống chết ra sao. Tổ chức của ta cho người đi khắp các bờ đìa, biền sậy, bụi rậm giả làm tiếng bìm bịp kêu để tìm ám hiệu trả lời. Nhưng đi hết các nơi cần tìm đều không có 2 đồng chí.
Tiếp theo ta cho đi tìm ở các bờ đìa xã Tân Hưng cho đến một nơi cũng giả làm tiếp bìm bịp kêu thì có tiếng bìm bịp kêu trả lời. Tìm gặp 2 đồng chí, thấy râu tóc dài, xanh xao, quần áo rách tươm thương lắm và rất mừng nên đưa 2 đồng chí về căn cứ rừng Mũi Ông Lục.
Đêm hôm ấy, chi uỷ họp kiểm thảo 2 đồng chí, thi hành kỷ luật cách chức chi uỷ do bỏ địa bàn, không thực hiện "3 bám". Nhận kỷ luật xong, 2 đồng chí rất hối hận, bản thân tự trách mình…
Tối về chỗ chị Hai Hồng để nghỉ, phải ngồi đuổi muỗi hoài vì chị chỉ có cái mùng 1 nóc. Chị thấy vậy kêu 2 chú cùng vô mùng nằm ngang chống muỗi đốt, chờ sáng. 2 chú cứ khóc thút thít, nói chuyện về việc sai trái của mình. Chị nghe mà thương quý vô ngần. Bản thân kiên cường, không đầu hàng giặc, chịu đựng gian khổ, chỉ bỏ địa bàn nửa tháng mà bị kiểm thảo kỷ luật, chị thấy tinh thần và nhiệm vụ người đảng viên cao cả vô cùng.
Nói thêm về đồng chí Hồ Văn Bỉ. Sau giải phóng miền Nam, đồng chí giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện uỷ, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời. Sau đó là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước cho đến ngày nghỉ hưu. Ông sống đời thanh bạch, liêm khiết, hết lòng vì nhân dân phục vụ.
Sau một thời gian, 4 đơn vị lui về rừng Mũi Ông Lục xây dựng căn cứ để bảo toàn lực lượng. Bọn giặc phát hiện, chúng cho bảo an, dân vệ, tự vệ hương thôn càn xuống, ta đánh bật ra. Bị thất bại liên tiếp, bọn lính địa phương nghe nói tới Mũi Ông Lục đều hoảng sợ. Tên Tỉnh trưởng Cà Mau lồng lộn điên cuồng tập trung lực lượng quyết tiêu diệt bằng được căn cứ của ta. Cuối năm 1959, chúng huy động 2 trung đoàn thuỷ quân lục chiến, 1 tiểu đoàn bảo an, tổng đoàn dân vệ Cái Nước và 15.000 tự vệ hương thôn cùng pháo binh yểm trợ hình thành vòng tròn, bao vây chặt khu rừng, phía đầm Thị Tường chúng bố trí xuồng nối nhau căng ngang đầm.
Qua 4 ngày bao vây, chúng tấn công nhiều đợt, bị ta đánh bật ra. Nhưng lương thực, thực phẩm thì bị cạn kiệt dần. Đêm về, má Mười Định, Năm Xưởng, chị Thu, chị Đầm, chị Bé,… giả đi giăng câu, neo gạo dưới nước đưa tới kinh Bà Ba Năng cho anh em ta ra lấy nhưng chỉ đủ ăn cầm hơi. Đến sáng ngày thứ năm, đồng chí Sáu Vui (lúc ấy là Bí thư Huyện uỷ Cái Nước) trực tiếp đi quan sát, lội từ kinh Mười Phải đến giáp các kinh phát hiện mặt yếu của địch là cánh quân Tổng đoàn dân vệ và tự vệ hương thôn, chỉ huy tổng đoàn dân vệ là ông Hồ Hiền Thanh, người của ta cài vào đang chịu mặt Khâu Bè. Đồng chí trở về bàn với đồng chí Hai Sảnh là Thường vụ Huyện uỷ phá vòng vây hướng này cho lực lượng ta thoát về hướng Mỹ Bình.
Lực lượng 3 xã và Huyện uỷ tập trung hoả lực mở đường, khoảng 3-4 giờ chiều ta đốt lửa lừa địch. Chúng tưởng ta nấu cơm cho pháo dập, ta nổ súng chính xác vào đội hình địch, chúng quăng cây roi, la hét mạnh ai nấy chạy. Hơn 6 giờ tối, lực lượng ta hơn 100 người rút khỏi vòng vây an toàn.
Cuối năm 1959, đầu năm 1960, Nghị quyết 15 của BCH Trung ương Đảng ra đời như một thần dược, tăng thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân. Ta vùng lên và làm nên Đồng Khởi 1960, diệt ác phá kiềm, tiêu diệt hầu hết bộ máy tề, điệp của địch; giải thể tự vệ hương thôn, dân vệ, chấm dứt những năm tháng sống trong chuỗi ngày đen tối, từng giờ, từng phút đối mặt với cảnh máu đổ, đầu rơi.
Lực lượng ta ngày một phát triển, ai cũng góp phần đánh địch. Rừng Mũi Ông Lục tiếp tục là nơi xây dựng công trường sản xuất vũ khí đánh địch. Cuộc chiến tranh nhân dân với phương châm trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi của cách mạng miền Nam tiếp tục kéo dài thêm 15 năm sau, ta mới giành toàn thắng vào 30/4/1975.
Những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ, chị 3 lần bị địch bắt, 1 lần bị bắt ở cánh đồng lúa tại ấp Biện Tràng vào ngày 14/12/1959, một lần bị bắt sau Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 và 1 lần bị bắt tại căn cứ Tỉnh uỷ Năm Căn ngày 14/12/1970. Cả 3 lần bị bắt chị đều trang bị cho mình 1 lý lịch khác, khôn khéo qua mắt địch, không một lời khai báo và chị lại trở về bên đồng đội tiếp tục chiến đấu.
Đã 80 tuổi, đi lại có phần khó khăn hơn, nhưng miền ký ức xưa vẫn còn hiện rõ mồn một với bao niềm thương nỗi nhớ... Các bác sĩ bệnh viện Trung ương từ chối phẫu thuật khối u trên não chị do quá phức tạp, ở đó còn có 1 mảnh đạn M79 nằm yên từ 47 năm qua, còn một mảnh đạn nằm cách mí trên mặt trái như 1 hột lúa, 1 mảnh đạn ở sống mũi và một mảnh đạn trong phổi phải… Có phần đơn côi, chiếc bóng trong căn nhà như rộng hơn, nhưng chị vẫn tổ chức điều hoà sinh hoạt cuộc sống phù hợp, an hưởng tuổi già. Hằng ngày vẫn đọc báo Nhân dân, theo dõi thời sự khắp nơi; thỉnh thoảng trò chuyện với đồng đội xưa trên điện thoại hoặc với em cháu về thăm… Một đời sống đạm bạc và thanh bạch, trọn vẹn và mãn nguyện…/.
Nguyễn Tuyết Nga
相关文章
随便看看