Tháo gỡ vướng mắc thủ tục đầu tư Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), trong bối cảnh đặc biệt của năm 2019 và năm 2020, trước đại dịch Covid -19, của thiên tai, hạn hán và được xem là tác động kép thì Việt Nam đã có những ứng phó tuyệt vời, để lại dấu ấn quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế. Về các giải pháp giúp phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới, vị đại biểu Lạng Sơn cho rằng, một trong các giải pháp là tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế như các tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận,… Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cũng nhấn mạnh: “Với tình hình bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước hiện nay, tôi thống nhất cao với việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ở nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế”. Tuy nhiên, cần lưu ý phải xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, rõ ràng để tránh cơ chế xin - cho tiêu cực có thể xảy ra. Đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công thời điểm hiện nay, đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hiệu quả, nghiên cứu tháo gỡ rào cản liên quan đến thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng để thu hút đầu tư của tư nhân. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/5/2020 tín dụng tăng trưởng mới chỉ đạt 1,96% so với cuối năm 2019, tỷ lệ rất thấp so với mức tăng trưởng 5,71% của 5 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, đi kèm với đó là việc theo dõi sát diễn biến của nợ xấu tiềm ẩn và có những biện pháp cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, điều chỉnh thời hạn trả nợ. Liên quan tới vấn đề này, đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) cũng bày tỏ cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, khởi công các công trình lớn, nguồn đầu tư công và nguồn ngoài ngân sách, thúc đẩy dòng tiền vào xã hội, cho phép thực hiện song song nhiều thủ tục đầu tư trong cùng một thời điểm, như dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) sắp được Quốc hội thông qua. Ngoài ra, Chính phủ cần rà soát những vướng mắc về thủ tục đầu tư để tháo gỡ kịp thời, thực hiện giải quyết đầu tư song song không chỉ ở Luật Xây dựng mà nên áp dụng ở các luật khác, như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, bởi hiện nay luật quy định nhiều thủ tục chồng chéo giữa các luật với nhau và ngay trong cùng một luật, không biết thủ tục nào làm trước, thủ tục nào làm sau. Đưa chính sách hỗ trợ vào cuộc sống Bên cạnh nội dung về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Bùi Thu Hằng cho rằng cũng cần chú trọng tới hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các doanh nghiệp đã cầm cự để tồn tại trong thời gian khá dài từ sau Tết nguyên đán đến nay, lo duy trì sản xuất, lương công nhân, lo giữ người lao động, lo giữ quan hệ thương mại, sản xuất. Doanh nghiệp lớn thì ảnh hưởng càng lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp du lịch, vận tải, xuất khẩu. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 85,5% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng. “Tôi đề nghị Chính phủ sử dụng các chỉ số doanh nghiệp cuối năm 2019 để hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu chúng ta dùng chỉ số năm 2020 thì đến năm 2021 doanh nghiệp mới được hỗ trợ, như vậy là sẽ không kịp thời. Thực tế, Chính phủ đã dùng số liệu giảm nghèo năm 2019 để hỗ trợ ngay cho người nghèo, người cận nghèo là rất đúng đắn, do vậy áp dụng số liệu chỉ số cuối năm 2019 để hỗ trợ cho doanh nghiệp là phù hợp”, vị đại biểu Hòa Bình nói. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng cho rằng, cần tiếp tục có chính sách trợ giúp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị tác động mạnh bởi đại dịch, nhất là trong lĩnh vực hàng không, du lịch và các ngành liên quan đến xuất khẩu. Tuy nhiên, cử tri cũng mong muốn các chính sách, các giải pháp Chính phủ đưa ra quyết đã có quyết sách rồi nhưng cần thực hiện nhanh chóng để đưa những chính sách này vào cuộc sống. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải phân tích: Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách từ trực tiếp đến gián tiếp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế như là chính sách an sinh xã hội, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Đến nay, ước tính quy mô tổng số biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội khoảng 600.000 tỷ đồng. “Tôi đề nghị các chính sách hỗ trợ cần phải được chỉ đạo kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cộng đồng và người dân để tránh tình trạng “bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo” như báo chí đã nêu trong thời gian gần đây”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói. |