Đó là những ngày đầu năm 1994,soi kèo thanh hóa tết Giáp Tuất sắp đến…
Lớp học những ngày này chộn rộn không khí tết, với những túi hạt dưa mấy bạn nữ mang đến lớp cắn tí tách trong những buổi ra chơi, thậm chí lén cắn trong cả giờ học. Thi học kỳ I đã xong, những buổi đến lớp thời gian này cũng không quá căng thẳng bởi việc kiểm tra 15 phút hay một tiết. Đám học trò mặt mũi đều tươi tỉnh, những câu chuyện không đầu không cuối lúc này chỉ xoay quanh bàn chuyện tết này sẽ đến nhà ai, có vào Thác số 4 chơi hay không?...
Dường như không khí se lạnh của tháng cuối năm và sự thong thả tạm thời trong chuyện học hành mang đến cho các cô, cậu học trò những quyết định… táo bạo. Cũng vì vậy, khi nhóm con trai rủ trốn học để vào rừng chặt mai về chưng tết, tôi không suy nghĩ gì nhiều mà nhanh chóng gật đầu, dù không mường tượng được rừng ở đâu và chuyện “cúp học” với tôi là chưa từng - dù thời gian này trường đang tổ chức học quân sự. Không thể đi vào ngày nghỉ cuối tuần vì mọi chuyện sẽ bị gia đình phát hiện và cản trở.
Với nhiều gia đình ở miền Nam, tết đến trong nhà không thể thiếu cành mai vàng với hàm ý cầu mong sự may mắn. Cách đây 30 năm, mai không nhiều như hiện nay, không được trồng trong chậu với đủ kích cỡ, kiểu dáng, tha hồ cho khách hàng lựa chọn, tùy vào sở thích và túi tiền. Mai tết ngày đó chỉ là những cành mai to, nhỏ khác nhau (tùy vào túi tiền của từng nhà) cắm trong những chiếc bình đổ đầy nước rồi để ở giữa nhà, hoặc đặt trên những cái bàn dài dùng tiếp khách. Lúc đó nhà chúng tôi cũng không dư dả gì, nhưng cũng không thiếu thốn đến nỗi không thể mua được cành mai, thậm chí góc sân nhà mấy đứa bạn còn trồng hẳn vài cây mai to tướng. Chẳng qua đó là trò vui của lũ “thứ ba học trò” và trên hết, vì mai rừng đẹp và thơm hơn mai nhà.
Như đã thỏa thuận, hôm sau, nhóm chúng tôi 8 đứa tập hợp trên 5 “con ngựa sắt”. Thức ăn, nước uống cũng được cả nhóm chuẩn bị chu đáo với bánh mì và chả, kèm theo một ít trái cây, chưa kể còn có dụng cụ vá vỏ xe phòng khi xe bị sự cố. Với những đứa con trai, đó là lần thứ hai đi chặt mai, còn với riêng tôi và T - đứa bạn thân nhất là lần đầu tiên trải nghiệm nên háo hức lắm.
Nhóm đi chặt mai của chúng tôi thường đi chung với nhau mỗi khi đến dịp lễ 20-11, hay những khi chỉ học 4 tiết (lúc thì chở nhau vào nhà bạn này, khi lại đến nhà bạn kia chơi), nên thân thiết lắm. Mỗi khi đi cùng nhau, mặc nhiên tôi sẽ được V chở. Đó là sự cố ý vì các bạn đều biết V thích tôi, còn tôi cũng chẳng ngại ngần gì vì chúng tôi đã học chung từ cấp hai, đã bao lần cùng nhau làm lồng đèn những dịp tết Trung thu, làm báo tường hay các phong trào của lớp. V là một chàng trai chu đáo và tình cảm, tôi luôn yên tâm khi ngồi sau xe bạn ấy chở nên chẳng thấy có vấn đề gì dù bị trêu ghẹo…
Từ trung tâm đến khu vực chặt mai rất xa, là xã Đồng Nơ - Tân Hiệp, huyện Hớn Quản ngày nay, cách trung tâm thị xã Bình Long hơn 20km. Di chuyển bằng xe đạp, đường sá lúc đó không như bây giờ, quả là thử thách không nhỏ. Nhưng với chúng tôi, mỗi lần đi chơi là một lần trải nghiệm, không thấy mệt, chỉ có vui. Chúng tôi vừa đi vừa hát, vừa trêu ghẹo nhau, tiếng cười đùa rộn cả không gian… Quãng đường xa vì vậy cũng như ngắn lại.
Đến nơi. Sau bữa trưa dã chiến nhanh gọn, tôi và T có nhiệm vụ ngồi giữ xe và các vật dụng, còn 6 chàng trai mang theo dao, cưa len lỏi vào những lùm cây tìm mai. Sau gần 2 tiếng đồng hồ, cả đám thất thểu đi ra, mặt méo xẹo, trên tay là những cành mai nhỏ tong teo, lú nhú vài búp non… Tôi và T cố gắng giấu vẻ thất vọng với “chiến lợi phẩm” mà các chàng trai thu được. “Không biết vì sao năm nay ít mai có thể nở đúng tết quá, không bằng phân nửa năm rồi” - V nói như phân trần trước vẻ mặt tiu nghỉu của tôi và T.
Ngồi nghỉ mệt một lúc cả nhóm quay xe đi về. Những cành mai bé xíu được buộc một cách cẩn thận trên yên sau của 2 chiếc xe đạp không phải chở ai. Dù kết quả chuyến đi không như ý, nhưng cả nhóm cũng không quá buồn, vì chúng tôi đã có thêm một ngày đi cùng nhau, tự tạo cho mình ký ức tươi đẹp trong những tháng năm học trò yêu dấu.
Mang những cành mai khẳng khiu được chia về đến nhà khi đã chiều muộn, tôi cắm vào cái xô nước nhưng chẳng mấy hy vọng chúng sẽ nở. Vậy nhưng, sức sống của loài mai rừng thật kỳ diệu. Đến ngày 29 tết, những cành mai khẳng khiu đã bung nụ vàng rực với hương thơm dịu dàng, nhè nhẹ. Tôi sung sướng ngắm nhìn và cẩn thận mang cắm vào bình, bày ra nhà sẵn sàng đón tết. Không uổng công chúng tôi đã vất vả đi tìm và nâng niu chúng suốt những ngày giáp tết.
Đó cũng là lần duy nhất tôi cùng các bạn đi chặt mai. Rồi chúng tôi tốt nghiệp ra trường và mỗi người có lối đi riêng. Nhóm của chúng tôi nhiều người chọn ở lại TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp, những lần gặp nhau cũng thưa dần. Và những lần chở nhau rong chơi trên chiếc xe đạp mãi là hoài niệm dấu yêu.
Để mỗi khi mùa xuân đến, nhìn những chậu mai vàng rực rỡ ngập tràn nơi chợ hoa, tôi lại không thôi thương nhớ về những cành mai rừng mỏng manh ngày ấy. Những cành mai mà V đã cất công lặn lội đi tìm, mang đến cho tôi một mùa xuân khác biệt.
30 năm trôi qua nhanh như một cái chớp mắt. Những người bạn năm xưa hôm nay tóc cũng đã điểm bạc, chỉ có ký ức thì vẫn mãi thanh xuân.
Để mỗi khi mùa xuân về, trong tôi lại rưng rưng những nỗi niềm thương nhớ về một mùa vui đã cũ…