Chiều 5/3, Thường trực Chính phủ chính thức đồng ý điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh và thời điểm điều chỉnh giá bán điện từ ngày 16/3/2015. Với mức tăng 7,5%, việc điều chỉnh giá điện lần này đảm bảo các yêu cầu EVN không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng); đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%. Tuy nhiên, bên cạnh đó là rất nhiều lo ngại về việc tăng giá điện lần này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), cũng như khả năng sản xuất của doanh nghiệp… Trong báo cáo phân tích mới công bố, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra nhận định, giá điện tăng 7,5% sẽ ảnh hưởng đến CPI. Theo đó, báo cáo phân tích, trong khi nhóm hàng xăng dầu góp phần quan trọng nhất trong việc “kéo” CPI các tháng gần đây liên tục âm thì sang tháng 3, hiệu ứng trên có thể sẽ không còn nữa. Thậm chí nếu giá dầu thế giới tiếp tục duy trì quanh mức 50 USD/thùng trong thời gian tới nhưng quỹ bình ổn xăng dầu suy giảm thì rất có thể liên bộ Công thương – Tài chính sẽ sớm có quyết định tăng giá xăng dầu trong nước trở lại (ước tính sau Tết giá xăng có thể đã tăng thêm gần 2.500 đồng/lít nếu Quỹ bình ổn giá không được sử dụng). Ngoài xăng dầu thì giá điện dự kiến sẽ tăng 7,5% kể từ ngày 16/3 tới đây cũng đang là mối lo của không ít doanh nghiệp. Theo tính toán của BVSC, nếu giá điện tăng thêm 7,5% thì chỉ riêng mặt hàng này sẽ khiến CPI tăng thêm khoảng 0,25% trong thời gian tới. Trong tháng 3, mức độ ảnh hưởng có thể mới chỉ khoảng 0,1%; còn lại sẽ phản ứng rõ rệt hơn trong CPI tháng 4. Báo cáo cũng nhận định, ngoài CPI thì chỉ số giá sản xuất PPI chắc chắn cũng sẽ tăng lên do giá điện tăng. Mức độ tăng sẽ khác nhau giữa các ngành nghề, doanh nghiệp nhưng sẽ đặc biệt lớn đối với các hộ sử dụng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng… Theo Trí thức trẻ Ăn nhiều gan lợn có thể khiến con người giảm tuổi thọ |