【bảng xếp hạng nhật bản 1】Chú trọng thuế trực thu để đảm bảo công bằng
Đây là ý kiến của ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.
* PV: Thưa ông, hiện nay tỷ lệ huy động thuế trong GDP của chúng ta đang ngày càng giảm. Liệu điều này có phải là một khó khăn cho giai đoạn tới?
- ĐB Trần Du Lịch:Theo tôi, không nên so sánh cách này vì chúng ta đang tăng trưởng, GDP số tuyệt đối tăng nhanh, tăng cao, chúng ta ép thuế đi theo rõ ràng là không ổn. Gốc vấn đề lớn nhất trong chính sách tài chính công, theo tôi, là làm sao thời gian tới chấm dứt tình trạng tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước tăng quá nhanh trong 5 năm qua, phải kéo giảm tỷ lệ này xuống. Đây là vấn đề rất lớn, liên quan đến bộ máy hành chính.
* PV: Dù vậy, thời gian tới nhiều loại thuế của chúng ta cũng sẽ phải cắt giảm mạnh theo các cam kết về hội nhập, gây ảnh hưởng đến thu ngân sách. Vậy Chính phủ nhiệm kỳ tới cần làm gì để khắc phục vấn đề này, theo ông?
- ĐB Trần Du Lịch: Trước hết, phải nói rằng giảm thuế suất chưa hẳn đã làm giảm số thu tuyệt đối. Bởi nếu giảm thuế mà số doanh nghiệp (DN) có lãi nhiều lên thì nguồn thu vẫn tăng. Đó mới là điều chúng ta cần. Hiện nay, khi hội nhập, chúng ta sẽ giảm rất nhiều khoản thuế, là các loại thuế gián thu lâu nay. Tuy nhiên, chúng ta nên tận dụng cơ hội này để tăng số DN khởi nghiệp. Ví dụ như từ nửa triệu DN hiện nay, chúng ta tăng lên được 1,5 - 2 triệu DN như kỳ vọng thì nguồn thu sẽ không bị giảm. Đó mới là nguồn thu ổn định, bền vững từ nội lực của nền kinh tế.
|
Bên cạnh đó, chúng ta cần có một chiến lược về tài chính quốc gia, theo đó nguồn thu phải chuyển dần từ thuế gián thu sang thuế trực thu (thuế trực thu là thuế điều tiết trực tiếp vào thu nhập hoặc tài sản của người nộp thuế, người nộp thuế và người chịu thuế là một - PV). Ví dụ, kỳ họp trước tôi đề xuất phải đánh thuế vào bất động sản, đối với người sở hữu từ cái nhà thứ 2 trở đi. Ở các nước tiên tiến, nguồn thu địa phương chủ yếu dựa vào thuế bất động sản, còn chúng ta chỉ thu từ bán đất, làm sao có thể bán được mãi. Các đô thị nên đặt vấn đề đánh thuế bất động sản bởi thuế này chỉ có xu hướng tăng chứ không giảm. Thuế trực thu sẽ dần dần điều tiết cả thị trường, điều tiết cơ cấu thu. Nếu không thay đổi cơ cấu thu quyết liệt, thì vấn đề cân đối ngân sách sẽ còn rất khó khăn.
* PV: Nhưng việc đưa ra thêm các chính sách thuế mới, chẳng hạn về bất động sản như vậy, liệu có sợ trùng lắp, thuế chồng thuế gây khó khăn cho người dân?
- ĐB Trần Du Lịch:Không có chuyện thuế chồng thuế ở đây. Hiện nay, chúng ta đang có nhiều bất hợp lý về tiền thu sử dụng đất. Tiền sử dụng đất đã đẩy giá đất lên cao, khiến thực chất các dự án bất động sản là mua hai lần, một là mua của người dân theo giá thị trường, hai là nộp tiền sử dụng đất thêm lần nữa, đẩy giá đất lên. Một trong những nguyên nhân các DN đổ xô làm căn hộ cao cấp là vì nếu không làm cao cấp thì không bù nổi tiền đất. Chúng ta phải tính toán đồng bộ, không đánh tràn lan trên giá đất mà phải tính toán vào người sử dụng lâu dài.
Hơn nữa, việc quản lý thuế phải làm sao tập trung vào nguyên tắc suy đoán, với quan điểm đa số người nộp thuế chấp hành tốt, để tạo thuận lợi cho số đông. Với số ít còn lại không chấp hành tốt thì xử lý chặt bằng biện pháp khác. Và dù thu đúng, thu đủ, nhưng nước nào cũng phải chấp nhận một tỷ lệ thất thu, nếu không sẽ khó khăn cho người nộp thuế. Đây là quan điểm cần rõ ràng, dù không nói ra nhưng cũng phải chấp nhận.
* PV: Quan điểm chính sách là vậy nhưng thực tế việc ban hành bất cứ một sắc thuế nào cũng khó, bởi hầu như người dân không đồng tình?
- ĐB Trần Du Lịch:Thực ra không có một nước nào trên thế giới ban hành thuế mà người dân ủng hộ cả, vấn đề ở đây là cách làm. Phải làm sao để người dân thấy tiền thuế đó được thu công bằng, được sử dụng đúng mục đích, phục vụ cho phúc lợi xã hội, đầu tư hạ tầng thì họ sẽ yên tâm.
* PV: Xin cảm ơn đại biểu!
H.Y (thực hiện)