Châu thổ miền Tây lâu nay nổi danh là vùng đất trù phú,ệncontemtrntricymiềkq. giàu sản vật. Vùng đất này cũng là nơi có nhiều địa phương được mệnh danh là “vương quốc trái cây”. Cái thế trời phú bồi bổ phù sa hàng thế kỷ tạo nên địa lợi, con người hào sảng, từ đó hình thành nhiều giai thoại trên hành trình cây trái đơm hoa, kết quả. Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, tạo hình bưởi hồ lô khắc chữ Tài - Lộc. “Gã thương hồ may mắn” ! Có lẽ dấu ấn trong khoảng 20 năm qua khó phai mờ là cây bưởi Năm Roi. Giờ người dân ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đã dán tem điện tử bưởi Năm Roi, đạt chuẩn GlobalGAP xuất khẩu đi nhiều nước. Tôi vẫn thích giai thoại về cái tên bưởi Năm Roi. Một thương hồ ở làng Mái Dầm (Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), trong lúc lênh đênh qua đêm trên chiếc ghe bầu ở An Giang vô tình nhặt được một trái cây trên sông da màu xanh, ruột màu đỏ vàng. Xé ra, nếm thử thấy vị ngọt mọng nước. Ông chắt chiu từng hạt mang về Mái Dầm để trồng. “Giai thoại về gã thương hồ” ấy đã có từ thế kỷ trước. Và cũng không có gì khó hiểu, khi giống bưởi này được trồng nhiều nhất ở hai địa phương là Châu Thành, Hậu Giang và Bình Minh, Vĩnh Long. Bởi hai địa phương này “được nối” với nhau bằng con sông Hậu. Họ nhanh chóng chia sẻ giống bưởi. Còn cái tên gọi Năm Roi cũng thú vị, nhưng cho thấy người dân vốn rất quý loại trái cây ngon, ngọt thanh này. Do ban đầu khan hiếm, nên nông dân rất quý để nhân giống. Có lão nông đã răn dặn con cháu không được phá phách hái trái sẽ bị phạt đòn “Năm Roi” và cái tên bưởi Năm Roi cũng từ đó thành danh. Nhìn lại đường đi của bưởi Năm Roi cũng gian truân thăng trầm mấy bận như tất cả các loại trái cây miền Tây. Không chỉ cam, quýt, bưởi Năm Roi cũng nằm trong cây có múi bị bệnh Greening (vàng lá gân xanh) quét cho tơi tả. Nhiều nhà vườn ở Hậu Giang, Vĩnh Long phải chặt bỏ hàng trăm héc-ta bưởi đã có tuổi đời 20-30 năm để làm mới lại từ đầu. Cả hai khu vực trồng bưởi trọng điểm ở Châu Thành, Hậu Giang và Bình Minh, Vĩnh Long đều chịu sức ép “lấn đất” từ các khu công nghiệp ven sông Hậu. Diện tích teo tóp có lúc tưởng sẽ bị “triệt tiêu”. Thế nhưng người không bỏ cây và bưởi Năm Roi cũng không phụ lòng người. Cách đây gần 6 tháng, Viettel đồng ý dán tem điện tử của tập đoàn lên trái bưởi Năm Roi Mỹ Hòa xác thực nguồn gốc cho thương hiệu nổi tiếng này. Trong đó vùng trồng bưởi Năm Roi của Bình Minh là xã Mỹ Hòa đã hình thành nhiều HTX gắn với 3 công ty chuyên đầu tư và kinh doanh bưởi. Nổi lên là Công ty TNHH MTV Hương Bưởi, khi sản phẩm của công ty đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Hàng chục nông dân hợp tác với công ty đều đạt lợi nhuận trên 1 tỉ đồng. Trong đó hơn chục hộ dân trồng bưởi đã xây nhà lầu. Đây cũng là công ty đã xuất khẩu hàng trăm tấn bưởi Năm Roi sang thị trường châu Âu. Người ta ví von người dân trồng bưởi hai bờ sông Hậu đều có cách “dán thương hiệu” cho bưởi Năm Roi. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự xuất hiện của bưởi da xanh cùng với bưởi Năm Roi đã tạo nên “cặp đôi hoàn hảo” cho cây có múi ĐBSCL xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Bưởi da xanh, ruột đỏ au, ít rịn nước khi ăn, được dân châu Âu ưa thích không thua kém bưởi Năm Roi. Bến Tre đang là tỉnh dẫn đầu vùng trồng bưởi da xanh với khoảng 5.500ha, sản lượng khoảng 48.000 tấn/năm, xuất khẩu khoảng 500 tấn/năm. Cách đây gần 15 năm, ĐBSCL bắt đầu rộ lên sự quan tâm về cây ăn trái nhất là từ các hội thi đấu xảo trái ngon ĐBSCL. Nhiều loại trái cây đã lên ngôi từ các cuộc đấu xảo này, như: Vú sữa lò rèn, xoài cát Hòa Lộc, chôm chôm nhãn… Chọn nghịch vụ hay nâng chất bảo quản ? Song các nhà khoa học và chuyên gia trong ngành cũng nhìn nhận những khiếm khuyết của trái cây ĐBSCL đó là thu hoạch tập trung cùng lúc, ùn ứ hàng, rớt giá. Giá trị xuất khẩu quá nhỏ với tiềm năng rất lớn của vùng. Và các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP bắt đầu được chuyển giao để nông dân theo hướng xuất khẩu. Các nhà khoa học nghiên cứu cho trái cây ra trái nghịch vụ để tránh đụng hàng, dội chợ. Và ghi nhận từ xuất khẩu năm 2017 đã có bước nhảy vọt. Cụ thể giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt 3,45 tỉ USD, tăng 40,5% so năm 2016. Có thể nói hành trình xuất khẩu trái cây của Việt Nam là gian nan. Để có được lô xuất khẩu vú sữa đầu tiên vào thị trường Mỹ vào đầu năm 2018, phía Việt Nam phải mất hành trình đàm phán 10 năm. Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã có 5 loại trái cây xuất khẩu sang Mỹ là: thanh long, nhãn, chôm chôm, vải, vú sữa. Do đặc thù của cây ăn trái trong vùng, thời gian dự trữ khó để lâu (nếu không có kỹ thuật bảo quản can thiệp), áp lực tiêu thụ trong thời gian ngắn là rất lớn. Tìm thị trường xuất khẩu là xu hướng tất yếu để điều tiết đầu ra và gia tăng giá trị, tăng thêm thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. ĐBSCL hiện có rất nhiều loại trái cây ngon. Các nhà khoa học đã tìm giải pháp cho cây ra trái nghịch vụ thành công (để tránh đụng đầu ra giữa các địa phương). Còn Bộ NN&PTNT khuyến khích trồng rải vụ. Theo đó, 5 loại trái cây trồng rải vụ chủ lực ở các tỉnh phía Nam: xoài (Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ) là 22.075ha; chôm chôm (Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang) là 7.577ha; nhãn (Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ) là 21.445ha; thanh long (Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, khoảng 38.000ha; sầu riêng (Tiền Giang, Bến tre và Vĩnh Long) có khoảng 11.000ha... Tuy nhiên đến nay, cũng có ý kiến cho rằng: nên tập trung nghiên cứu giúp nông dân trồng đúng kỹ thuật, đạt các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, áp dụng các quy trình bảo quản tiên tiến để xuất khẩu. Đây là một đề xuất rất cần được nghiên cứu để sớm đưa ra định hướng cho nhà vườn. Nông dân và doanh nghiệp liên kết trồng bưởi ở Vĩnh Long và Hậu Giang là một xu hướng tất yếu của kinh tế thị trường. Người ta ví von người dân trồng bưởi hai bờ sông Hậu đều có cách “dán thương hiệu” cho bưởi Năm Roi. Nông dân Bình Minh, Vĩnh Long dán tem điện tử, thì người dân Châu Thành, Hậu Giang dán chữ “Tài Lộc” tạo hình trên bưởi hồ lô Năm Roi. Bài, ảnh: CAO PHONG |