Từ 1/8,ínhsáchtàichínhmớicóhiệulựctừđầuthákèo colombia thu tiền sử dụng đất theo hướng dẫn mới
Ngày 1/8/2014, Thông tư 76/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất (SDĐ) do Bộ Tài chính ban hành chính thức có hiệu lực.
Tại Thông tư này, Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu tiền SDĐ được xác định theo từng khu vực, tuyến đường, vị trí tương ứng với mục đích SDĐ.
Nếu vị trí đất thực hiện dự án cùng 1 khu vực, tuyến đường có hệ số SDĐ khác mức bình quân chung thì UBND cấp tỉnh được quy định hệ số điều chỉnh giá đất cao hoặc thấp hơn mức bình quân chung.
Thông tư cũng hướng dẫn rõ cách phân bổ tiền sử dụng đất đối với nhà cao tầng, chung cư, nhà có mục đích sử dụng hỗn hợp: được tính bằng hệ số phân bổ nhân (x) với diện tích nhà.
Ngoài ra, các loại Giấy tờ dùng để chứng minh việc đã nộp tiền cho cơ quan, tổ chức khi xác định tiền SDĐ cho hộ gia đình đối với đất ở được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01/7/2014 cũng được liệt kê trong Thông tư.
Cách áp dụng đơn giá thuê đất theo Nghị định 46
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 77/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2014, thay thế cho Thông tư 120/2005/TT-BTC, Thông tư 141/2007/TT-BTC, Thông tư 94/2011/TT-BTC.
Thông tư 77/2014/TT-BTC quy định việc áp dụng đơn giá thuê đất như sau: Dự án thuê đất trả tiền hàng năm trước ngày 01/7/2014 và đang trong thời gian ổn định đơn giá nhưng đơn giá đang nộp cao hơn quy định tại Nghị định 46 thì được điều chỉnh lại theo Nghị định 46.
Việc điều chỉnh đơn giá này được thực hiện khi người thuê đất có đề nghị bằng văn bản; thời điểm xác định lại và bắt đầu ổn định đơn giá thuê đất được áp dụng từ ngày 01/01/2015.
Ngoài ra, Thông tư 77/2014/TT-BTC cũng quy định chi tiết việc điều chỉnh đơn giá thuê đất đối với một số dự án thuê đất trước ngày 01/7/2014.
Áp dụng quy định mới về thuế TNDN từ 2/8
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 218/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật Thuế TNDN.
Thông tư 78 đã bổ sung thêm hai đối tượng được tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ, đồng thời quy định cụ thể tỷ lệ % thuế TNDN trên doanh đối với lãi tiền vay, tiền gửi là 5% đối với dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay). Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật: 2%; Đối với kinh doanh hàng hoá: 1% và đối với hoạt động khác là 2%.
Thông tư 78 cũng thay đổi một số nội dung về xác định chi phí hợp lý, trong đó quan trọng nhất là quy định về việc yêu cầu chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt với các hóa đơn từ 20 triệu đồng trở lên. Quy định này không áp dụng với các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ đã thanh toán bằng tiền mặt phát sinh trước thời điểm ngày 2/8/2014…
Thông tư 78/2014/TT-BTC sẽ có hiệu lực từ ngày 2/8/2014, và các nội dung của Thông tư này sẽ được áp dụng cho kỳ tính thuế của năm 2014 trở đi.
Quy định cơ cấu vốn mới trong DNNN
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN cổ phần hóa, thay thế Quyết định 14/2011/QĐ -TTg, có hiệu lực thi hành từ ngày 6/8/2014.
Theo tiêu chí mới này, tỉ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước đối với các DN được chia thành 4 mức: DN mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; DN mà nhà nước nắm giữ từ 75% tổng số cổ phần trở lên; DN mà nhà nước nắm giữ từ 65 đến dưới 75% tổng số cổ phần; và DN mà nhà nước nắm giữ từ 50 đến dưới 65% tổng số cổ phần.
Các ngành, lĩnh vực mà nhà nước giữ 100% vốn điều lệ cũng có sự thay đổi. Tiêu biểu như lĩnh vực sản xuất thuốc lá điếu từ 100% vốn nhà nước theo quy định cũ, nay nhà nước chỉ cần nắm giữ từ 65% đến dưới 75%. Bảng tiêu chí các ngành, lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động tương ứng với mức nắm giữ vốn được đính kèm theo Quyết định.
Từ 10/8, áp dụng Biểu thuế GTGT mới
Từ 10/8/2014 sẽ áp dụng Biểu thuế GTGT mới ban hành theo Thông tư 83/2014/TT-BTC đối với hàng hoá ở khâu nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo Danh mục hàng hoá nhập khẩu Việt Nam, ban hành bởi Thông tư 156/2011/TT-BTC.
Một số hướng dẫn chung khi áp dụng Biểu thuế như sau: Biểu thuế trên áp dụng cho các mã hàng 08 chữ số theo Danh mục; các mặt hàng thuộc nhóm 04 chữ số được nêu tên cụ thể tại mục “Riêng” thì áp dụng mức thuế suất GTGT tại mục “Riêng”.
Trường hợp hàng hoá là đối tượng không chịu thuế hoặc chịu mức thuế suất 5% hoặc 10% theo Luật thuế GTGT và các VB hướng dẫn khác thì thực hiện theo quy định của các văn bản đó. Trừ hàng hoá là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ hải sản; thiết bị, dụng cụ y tế thì thực hiện theo Thông tư này.
Thông tư này thay thế cho các Thông tư 131/2008/TT-BTC, Thông tư 74/2009/TT-BTC, Thông tư 84/2009/TT-BTC.
Không xét cấp bảo lãnh cho dự án của DN vi phạm
Theo hướng dẫn mới từ Bộ Tài chính tại Thông tư 81/2014/TT-BTC, có hiệu lực từ 10/8/2014, người được bảo lãnh chính phủ (DN) phải báo cáo định kỳ hoặc báo cáo đột xuất cho Bộ Tài chính đúng hạn và đầy đủ, đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin cung cấp.
Các hình thức cung cấp thông tin bao gồm: thông tin trước khi cấp bảo lãnh, báo cáo phát hành trái phiếu theo đợt, báo cáo định kỳ trong khi đang bảo lãnh, báo cáo đột xuất.
Trình tự, thời gian, nội dung chi tiết báo cáo và các nội dung khác được quy định cụ thể tại Thông tư 81/2014/TT-BTC về chế độ cung cấp thông tin, báo cáo đối với các chương trình, dự án vay vốn được cấp bảo lãnh Chính phủ.
Trường hợp vi phạm các quy định về chế độ cung cấp thông tin, báo cáo 3 lần liên tiếp, Bộ Tài chính yêu cầu Công ty mẹ, cổ đông chính kiểm tra tình hình của người được bảo lãnh. Trường hợp người được bảo lãnh tiếp tục vi phạm, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng không xem xét cấp bảo lãnh cho các dự án khác của DN.
Các yêu cầu khi xây dựng dự toán NSNN năm 2015
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 84/2014/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN 2015, có hiệu lực từ ngày 11/8/2014.
Theo đó, công tác xây dựng dự toán NSNN 2015 cần tuân thủ các yêu cầu sau: Lập dự toán NSNN đảm bảo thời gian quy định của Luật NSNN; thuyết minh về cơ sở pháp lý, chi tiết tính toán và giải trình cụ thể.
Thực hiện tiết kiệm chi đầu tư phát triển ngay từ khâu bố trí dự toán gắn với cơ chế quản lý, cân đối theo KH trung hạn. Rà soát, lồng ghép các chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi thường xuyên tránh chồng chéo, lãng phí.
Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2015, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 của ngành, lĩnh vực và địa phương cùng với yêu cầu chi tiêu công chặt chẽ để xây dựng dự toán NSNN 2015 sát với nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm của cơ quan, đơn vị.
Dự toán phải đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành, chủ động sắp xếp thứ tự nhiệm vụ chi ưu tiên để chủ động điều hành, cắt giảm trong trường hợp cần thiết.
Tạm ứng tối đa 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án phát triển rừng
Thông tư 85/2014/TT-BTC về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ NSNN thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng vừa được ban hành, thay thế cho Thông tư 172/2011/TT-BTC và có hiệu lực từ 15/8/2014.
Theo đó, tổng mức vốn mà chủ đầu tư được tạm ứng của các hợp đồng (HĐ) trong năm tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án. Trường hợp có đề nghị của chủ đầu tư, nếu xét thỏa điều kiện, KBNN có thể tạm ứng tiếp cho dự án nếu dự án có kế hoạch vốn mà mức vốn tạm ứng không đủ theo HĐ, đã được thanh toán khối hoàn thành và thu hồi toàn bộ hoặc một phần vốn tạm ứng trước đó.
Vốn tạm ứng được thanh toán từng lần bắt đầu từ lần thanh toán đầu tiên khối lượng hoàn thành của HĐ và thu hồi hết khi khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị HĐ.
Việc kiểm soát thanh toán của KBNN thực hiện theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần thanh toán và “kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với lần thanh toán cuối cùng trong HĐ.
Chỉ phải nộp phí tối đa 2 trạm trên Quốc lộ 51
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 87/2014/TT-BTC quy định mức thu phí đường bộ trên Quốc lộ 51. Theo đó, phương tiện khi đi qua 1 trạm phải nộp phí tại trạm đó. Việc thu phí phải đảm bảo không thu quá 2 lần phí nếu phương tiện đi hết tuyến QL51.
Cụ thể, nếu xe qua 02 trạm kế tiếp nhau (T1 và T2 hoặc T2 và T3) thì phải nộp phí tại trạm đầu tiên và không nộp phí qua trạm thứ 2. Các xe đi toàn tuyến QL51 sẽ không phải nộp phí qua trạm phụ T2 mà chỉ nộp phí tại Trạm T1 và T3. Mức thu phí qua QL51 được giữ nguyên như cũ.
Thông tư có hiệu lực từ 20/8, bãi bỏ Thông tư 134/2012/TT-BTC. Thời gian bắt đầu thu phí trạm T2 sẽ do Bộ Tài chính quyết định sau khi kiểm tra thực tế.
Hỗ trợ 100% lãi suất vay mua máy móc, thiết bị trong 2 năm đầu
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư 89/2014/TT-BTC, có hiệu lực ngày 22/8/2014, mức hỗ trợ, cấp bù và nguồn vốn hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất như sau:
Vay để mua máy móc, thiết bị được NSNN hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, 50% lãi suất trong năm thứ ba.
Vay để thực hiện dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị;dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp được NSNN cấp bù chênh lệch giữa lãi suất cho vay thương mại của các NHTM và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của NN.
Mức lãi suất cho vay của NHTM được niêm yết công khai theo từng thời kỳ tại các điểm giao dịch. Mức lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của NN được công bố áp dụng cho từng thời kỳ.
Nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.
Ưu đãi thuế cho ngành thủy sản
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP quy định một số chính sách đầu tư, tín dụng, bảo hiểm… nhằm phát triển thủy sản.
Theo đó, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản được hưởng chính sách ưu đãi thuế như, miễn thuế tài nguyên khi khai thác hải sản tự nhiên, thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số loại thu nhập.
Miễn thuế nhập khẩu cho máy móc, thiết bị, nguyên liệu, linh kiện (trong nước chưa sản xuất được) để đóng mới, nâng cấp tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.
Không đánh thuế giá trị gia tăng các sản phẩm thủy sản tự nuôi trồng, khai thác bán ra; bảo hiểm tàu, thuyền; trang thiết bị và các thiết bị khác phục vụ trực tiếp khai thác thủy sản.
Hoàn thuế giá trị gia tăng đối với tàu khai thác hải sản được đóng mới, nâng cấp có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.
Miễn lệ phí trước bạ cho tàu, thuyền và tiền thuê đất thuê mặt nước nhằm phục vụ hoạt động khai thác thủy, hải sản.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2014.
02 chuẩn mực kiểm toán nhà nước mới
Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa ban hành 02 chuẩn mực KTNN mới.
Chuẩn mực số 40 – Kiểm soát chất lượng kiểm toán, ban hành kèm theo Quyết định 03/2014/QĐ-KTNN và thay thế chuẩn mực số 08 kèm theo Quyết định 06/2010/QĐ-KTNN. Theo đó, chuẩn mực giúp KTNN đạt được sự đảm bảo hợp lý, có hiệu lực từ 29/8/2014.
Theo đó, KTNN và Kiểm toán viên nhà nước, các đối tượng khác tham gia vào hoạt động kiểm toán của KTNN tuân thủ Hiến pháp, Luật KTNN, các chuẩn mực nghề nghiệp và quy định pháp luật có liên quan; Các báo cáo kiểm toán do KTNN phát hành phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.
Chuẩn mực số 100 – Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của KTNN, ban hành kèm theo Quyết định 02/2014/QĐ-KTNN, có hiệu lực từ 28/8/2014.
Các nội dung của chuẩn mực số 100 gồm các qui định chung về kiểm toán lĩnh vực công; các yếu tố của kiểm toán lĩnh vực công; các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán lĩnh vực công.
Thủ tục xác nhận DN có hoạt động tạm nhập – tái xuất
Từ 30/8/2014, DN có nhu cầu muốn được xác nhận hoạt động tạm nhập tái xuất (TN-TX) để xin cấp mã số TN-TX có thể nộp hồ sơ đến Tổng cục Hải quan, gồm văn bản đề nghị xác nhận DN có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hoặc TN-TX hàng hóa; bản chụp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tổng cục Hải quan sẽ có văn bản xác nhận hoặc trả lời DN trong trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện để được xác nhận.
Đối với hàng TN-TX, Bộ Tài chính không cho phép chia nhỏ container khi vận chuyển từ cửa khẩu TN đến khu vực giám sát hải quan, địa điểm TX, điểm thông quan. Trường hợp bất khả kháng, thương nhân phải có văn bản đề nghị, nêu rõ lý do, thời gian thay đổi, chia nhỏ container.
Nội dung này được quy định tại Thông tư 94/2014/TT-BTC hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan.
Thông tư này cũng hướng dẫn cụ thể về hồ sơ để thực hiện TN-TX hàng hóa; các vấn đề về quản lý hàng hóa TN-TX, hàng chuyển khẩu, hàng hóa đưa vào kho ngoại quan...
Các quy định ở Thông tư 94/2014/TT-BTC sẽ thay thế quy định ở Thông tư 59/2013/TT-BTC./.
Nguyễn Phượng