发布时间:2025-01-27 09:01:31 来源:88Point 作者:Cúp C2
Đó là một trong những nội dung được Bộ Tài chính trả lời kiến nghị cử tri liên quan đến cổ phần hóa các DNNN.
Kiến nghị gửi đến Chính phủ, cử tri nhiều tỉnh, thành phố đã đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn đối với việc thúc đẩy cổ phần hóa các Tập đoàn, DNNN để tăng tính cạnh tranh và sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước.
Phấn đấu đạt 90% DN cổ phần hóa
Thuộc lĩnh vực quản lý của mình, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng về tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DN nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”. Trong đó, cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước đối với các khoản vốn đã đầu tư vào ngành, lĩnh vực không thuộc ngành kinh doanh chính của DN, vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần duy trì tỷ lệ nắm giữ được xác định là những giải pháp trọng tâm để thực hiện tái cơ cấu DN và cần được hoàn thành trước 31-12-2015.
Theo phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt, trong 2 năm 2014 - 2015, cả nước phải hoàn thành sắp xếp 479 DN (trong đó: cổ phần hoá 432 DN; bán, giao, giải thể, phá sản 22 DN; sáp nhập, hợp nhất 25 DN), chưa kể số DNNN tiếp tục thực hiện rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn tới.
Tính đến hết năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 167 DN, trong đó: Cổ phần hoá 143 DN, chuyển 1 DN thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, giải thể 3 DN, bán 3 DN, sáp nhập 14 DN và đề nghị phá sản 3 DN. Như vậy, tính đến 31-12-2014 cả nước còn phải thực hiện cổ phần hoá 289 DN.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, trong 10 tháng năm 2015, cả nước đã có 175 DN được sắp xếp. Trong đó, 159 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa; 16 DN thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác gồm: 4 DN thực hiện bán, 5 DN sáp nhập, 2 DN giải thể, 5 DN chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Theo cơ quan này, nếu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa đã được phê duyệt, dự kiến năm 2015 sẽ cổ phần hóa được khoảng 210 DN. Như vậy, số DN cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 sẽ là 459 DN, đạt 90% kế hoạch. Riêng 2 năm 2014 và 2015 cổ phần hóa được 353 DN.
Qua công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN.
Các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt "vào cuộc"
Theo Bộ Tài chính, trên thực tế tiến độ sắp xếp, tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là: Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán làm cho nhu cầu sụt giảm, do đó kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các DN cổ phần hóa cũng như thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt được kế hoạch đề ra, tỷ lệ bán thành công thấp, nhiều DN sau IPO vẫn còn số lượng vốn nhà nước lớn.
Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn; Nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và đặc biệt là lãnh đạo DN về chủ trương tái cơ cấu DN tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu DN đối với phát triển kinh tế - xã hội, còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa.
Tiến độ sắp xếp, tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN còn chậm có nguyên nhân quan trọng đó là do đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các DN có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
Để đẩy nhanh tiến trình này, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã hoàn tất và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định bán cổ phần theo lô; mở “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán... Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ chủ động rà soát, tổng hợp các vướng mắc, khó khăn để xử lý ngay theo thẩm quyền, hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Để thúc đẩy thoái vốn, tái cơ cấu theo lộ trình đã đề ra, theo Bộ Tài chính, cần được các bộ, ngành và DN thực hiện quyết liệt. Trong đó, các bộ, ngành và địa phương cần công khai danh sách và tiến độ cổ phần hóa các DN, đồng thời đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra để kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh tại DN.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Thủ trưởng các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, phân loại danh mục đầu tư ngoài ngành, đưa ra nguyên nhân và kế hoạch thoái vốn cụ thể, trong đó kiên quyết thoái vốn các danh mục đầu tư không hiệu quả, thua lỗ; công khai danh sách các DN cố tình chậm thoái vốn theo kế hoạch, kiểm điểm trách nhiệm của Ban lãnh đạo các DN này.
相关文章
随便看看