Với mục tiêu kết nối giao thương,ếttiuthụsảnphẩmchodoanhnghiệphợal najma liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mang tính đặc trưng của tỉnh; mới đây, lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Hậu Giang và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk đã ký thỏa thuận hợp tác nhiều nội dung quan trọng để mở ra những cơ hội cho lĩnh vực kinh tế tập thể và HTX của 2 tỉnh phát triển. Một số sản phẩm đặc trưng và đạt chuẩn OCOP của tỉnh Đắk Lắk được giới thiệu tại Hậu Giang. Trong những năm qua, tỉnh Hậu Giang đã bình chọn được 125 chủ thể có các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, trong đó có 266 sản phẩm chủ lực tại các địa phương trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh, cấp huyện. Điều phấn khởi là hiện toàn tỉnh có 36 HTX và 18 công ty trách nhiệm hữu hạn là chủ thể các sản phẩm OCOP của tỉnh, với nhiều sản phẩm chủ lực về nông - thủy sản như: khóm, lúa, mít, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, chanh không hạt, cá thát lát, lươn… Nhằm phát triển thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, chỉ tính riêng trong 2 năm trở lại đây, Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang đã tổ chức hơn 15 cuộc hội chợ, xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành trong cả nước và có hơn 165 HTX, liên hiệp HTX của tỉnh tham gia hoặc gửi sản phẩm tham gia. Qua hoạt động trên đã giúp cho các HTX tìm kiếm được thị trường, mở rộng đầu ra các sản phẩm, đặc biệt là việc kết nối cung cầu, giao thương hàng hóa với các doanh nghiệp trong cả nước. Ông Hồ Văn Phú, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang, cho biết: Tiếp nối thành công trong việc kết nối giao thương, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với tỉnh ngoài, mới đây Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang và tỉnh Đắk Lắk đã ký kết thỏa thuận hợp tác về tăng cường hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX của 2 tỉnh. Mặt khác, lãnh đạo Liên minh HTX 2 tỉnh còn tổ chức hội nghị và trưng bày một số sản phẩm đặc trưng và mang tính vùng miền của HTX, doanh nghiệp 2 địa phương. Hoạt động này là cơ sở giúp cho các công ty, doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX của tỉnh Hậu Giang và Đắk Lắk được gặp gỡ, trao đổi, học tập kinh nghiệm, tìm hiểu nhu cầu, kết nối hợp tác trong hoạt động sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm, ký kết giao thương trong sản xuất, phân phối, tiêu thụ và xuất khẩu vào thời gian tới. Giới thiệu về tiềm năng của địa phương, lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ với lợi thế lớn về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nhiều loại cây trồng, lại nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên và được tạo điều kiện thuận lợi nên những năm gần đây mô hình kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX ở Ðắk Lắk đã tăng nhanh về số lượng và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến tháng 9 năm nay, Đắk Lắk có 832 HTX, trong đó có 577 HTX nông nghiệp thu hút khoảng 71.500 thành viên tham gia và giải quyết việc làm cho khoảng 23.000 lao động thường xuyên. Doanh thu bình quân của HTX là 2,5 tỉ đồng/năm, lợi nhuận bình quân của HTX là 300 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân thành viên, người lao động là 60 triệu đồng/năm. Các HTX ở Đắk Lắk gần đây phát triển mạnh các sản phẩm về cà phê, ca cao, mắc ca, hồ tiêu, lúa gạo, cây ăn trái, dược liệu và chăn nuôi... Các sản phẩm phần lớn đã có chứng nhận về nhãn mác cũng như đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm về VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, sản phẩm OCOP... Ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk, cho hay: “Mặc dù mô hình kinh tế tập thể của tỉnh đang phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, tuy nhiên thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các HTX chủ yếu là ở trong tỉnh. Do đó, việc tham gia chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm với tỉnh Hậu Giang có ý nghĩa rất quan trọng. Trên tinh thần hợp tác, hỗ trợ để các HTX, doanh nghiệp cùng nhau phát triển, tôi hy vọng tới đây, các HTX, doanh nghiệp 2 tỉnh sẽ ký kết được nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ trong cung ứng và tiêu thụ sản phẩm giữa 2 địa phương lẫn nhau”. Đáp lại sự kỳ vọng của lãnh đạo Liên minh HTX 2 tỉnh, sau khi đi tham quan thực tế tại một số HTX tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, cũng như thông qua việc trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm mang tính vùng miền và trao đổi thông tin về nhu cầu cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, bước đầu một số doanh nghiệp và HTX của tỉnh Hậu Giang và Đắk Lắk đã ký kết những bản ghi nhớ về liên kết sản xuất và cung ứng sản phẩm qua lại để mở rộng thị trường tiêu thụ trong thời gian tới. Bà Võ Thị Phương Trang, Chủ cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây, ở ấp Tân Long A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, bộc bạch: Bản thân rất vui khi được tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm của cơ sở; đặc biệt là gặp gỡ được nhiều doanh nghiệp và HTX đến từ tỉnh Đắk Lắk để trao đổi và thiết lập các mối quan hệ hợp tác mới trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Điều phấn khởi hơn là cơ sở đã ký kết được những hợp đồng đầu tiên trong việc tiêu thụ sản phẩm của mình với HTX ở tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới. Cùng chia sẻ niềm vui, ông Nguyễn Trọng Huê, Giám đốc HTX Macca Eahleo, ở thôn 9B, xã Ea Hiao, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk, thông tin: “Hiện HTX đang kinh doanh một số sản phẩm từ hạt macca, hạt điều, cà phê, hạnh nhân, tiêu xanh, các sản phẩm trái cây sấy… Chúng tôi rất vui khi có dịp đến thăm và trải nghiệm nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu của HTX, doanh nghiệp ở tỉnh Hậu Giang. Thành công của chuyến đi là HTX được trưng bày và giới thiệu các sản phẩm của đơn vị đến với thị trường ở Hậu Giang, đồng thời ký kết với một số HTX, doanh nghiệp của Hậu Giang trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vào thời gian tới; trong đó có sản phẩm từ rượu Út Tây để HTX bổ sung vào giỏ quà tết hàng năm của đơn vị thêm đầy đủ và đậm đà hơn. Từ những tín hiệu tích cực bước đầu trong việc kết nối giao thương, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng miền, lãnh đạo Liên minh HTX 2 tỉnh Hậu Giang và Đắk Lắk cam kết sẽ làm đầu mối liên kết tiêu thụ hàng hóa khi các HTX có nhu cầu tham gia liên kết, đồng thời hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, ký gửi, trao đổi hàng hóa hai chiều giữa các HTX về phân phối tại địa phương. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi giúp HTX 2 tỉnh có cơ hội học tập kinh nghiệm, trao đổi thông tin, giao lưu, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới. HỮU PHƯỚC |