Hiện mô hình quản lý bệnh thối rễ chết cành trên cây mãng cầu xiêm do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh làm thử nghiệm tại hộ ông Đoàn Thế Khâm,ốngchếđượcbệnhtrnmngcầkèo hiệp 2 ở ấp Khánh Hội B, xã Phú An, huyện Châu Thành, đã khẳng định hiệu quả bước đầu.
Ông Phan Tiến Công kiểm tra lại đất và rễ cây trong vườn mãng cầu xiêm của gia đình mình.
Theo ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian gần đây, bệnh thối rễ chết cành trên cây mãng cầu xiêm phát triển nhanh chóng. Tác nhân gây bệnh là do sự kết hợp giữa nấm Calonectria variabillis và tuyến trùng Pratylenchus spp, rệp sáp. Còn nấm Diaporthe phaseolorum gây chết cành, nhánh nhỏ và lở loét cành và thân cây. Thông thường khi cây mắc bệnh sẽ có biểu hiện như sinh trưởng kém dần, lá vàng nhợt nhạt, héo úa và rụng từ từ, chết nhánh, gây thương tổn trên thân. Nhất là rễ cái của cây bị hoại tử, thối đen, dẫn đến chết cây.
Ông Phan Tiến Công, ở ấp Khánh Hòa, xã Phú An, cho biết khoảng 10 năm trước, người dân ở đây đã bắt đầu trồng mãng cầu xiêm, nhưng diện tích lúc đó rất ít. Người dân lại chưa biết kỹ thuật xử lý cho cây ra hoa, thụ phấn. Mãi đến năm 2014, cây mãng cầu xiêm bắt đầu khẳng định tiềm năng phát triển thông qua năng suất ổn định, đạt khoảng 20 tấn/ha, cũng như giá bán hấp dẫn, dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg. Từ đó, giúp người trồng thu lợi nhuận kinh tế rất cao. Thế là không ít nhà vườn địa phương đã ồ ạt phá bỏ vườn tạp, mua cây mãng cầu xiêm giống về trồng nên diện tích gia tăng nhanh chóng.
Cũng theo ông Công, với diện tích 2.000m2, ông trồng hơn 150 gốc mãng cầu xiêm, nhưng năng suất trung bình đạt khoảng 5 tấn trái/năm. Nếu cân với giá 30.000 đồng/kg thì gia đình ông có nguồn lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, vườn mãng cầu của ông có dấu hiệu kém phát triển, lá vàng, chết cành và thối rễ. Nguyên nhân là do bệnh thối rễ chết cành gây ra. Hiện tỷ lệ cây nhiễm bệnh chiếm hơn 60%, mặc dù ông điều trị bằng nhiều loại thuốc nhưng vẫn không hết. Cho nên ông dự tính sẽ phá bỏ để trồng chuối vài năm nhằm cải tạo nền đất trước khi trồng mới lại vườn mãng cầu xiêm.
Tương tự, hơn 4 năm trước, hộ ông Đoàn Thế Khâm, ở ấp Khánh Hội B, xã Phú An đã bắt đầu chuyển đổi đất vườn tạp sang trồng mãng cầu xiêm kết hợp với nhãn Ido. Chưa kể là trước khi trồng, ông tiến hành cải tạo đất, rồi lên liếp, đắp mô rất bài bản với mong muốn đạt hiệu quả cao nhất. Thế nhưng, không biết nguyên nhân từ đâu, sau khi thu hoạch lứa trái đầu tiên, năng suất khoảng 4 tấn trái thì vườn cây xuất hiện bệnh thối rễ chết cành. Do đó, ông Khâm đã chủ động phối hợp với cán bộ kỹ thuật địa phương triển khai thực hiện thử nghiệm mô hình quản lý bệnh thối rễ chết cành tại vườn nhà mình.
Cụ thể, với diện tích 2.000m2, bao gồm một mô hình 500m2 để người dân làm đối chứng, còn lại 1.500m2 làm theo khuyến cáo của các cán bộ kỹ thuật địa phương. Qua đó, đã cho thấy tỷ lệ bệnh thối rễ chết cành ở mô hình làm theo khuyến cáo đã thuyên giảm hơn 70%; còn mô hình đối chứng giảm khoảng 25%. Ông Khâm khẳng định: “Vườn mãng cầu nhà tôi hiện đã phục hồi và phát triển trở lại. Ước sản lượng thu hoạch tới đây khoảng 1,6 tấn/công”. Theo lý giải của ông Trần Ngọc Thể, sở dĩ mô hình làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật địa phương đạt hiệu quả cao là vì họ áp dụng đồng bộ 2 quy trình điều trị và phòng bệnh tốt trên cây mãng cầu xiêm.
“Người dân cần xử lý điều trị và phòng bệnh một cách đồng bộ. Trong đó, đối với những cây mãng cầu mắc bệnh dưới 30% thì người dân nên cắt tỉa tàn, nhánh bị bệnh, vệ sinh vườn và làm cỏ dại. Mặt khác sử dụng thêm một số loại thuốc đặc trị để xử lý côn trùng, nấm gốc, cũng như bổ sung thêm các phân bón trung vi lượng và phân NPK cần thiết nhằm cải tạo lại đất, hạ phèn, chống ngộ độc hữu cơ, giúp rễ cây phát triển trở lại. Kế đến là 7 ngày sau, nhà vườn lưu ý phun xịt thêm các loại thuốc như Dakamon, Manozeb 80Wp, kích thích đâm chồi và phòng trừ ruồi đục trái”, ông Thể khuyến cáo.
Ngoài ra, đối với những hộ mới trồng, ông Thể lưu ý người dân cần lên liếp cao ráo, đắp mô, sử dụng phân chuồng đã qua xử lý với nấm đối kháng Tricoderma để giúp cây phát triển tốt. Hơn hết là khi để trái, nhà vườn hạn chế xử lý thuốc kích ra hoa, hạn chế cho cây mang trái quá nhiều, gây tổn thương đến quá trình sinh trưởng của cây. Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho rằng: Tới đây, để giúp cây mãng cầu phát triển bền vững, ổn định đầu ra thì rất cần các nhà vườn “câu tay” liên kết lại với nhau, thành lập câu lạc bộ sản xuất, hay hợp tác xã nông nghiệp để cùng hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật. Có như thế mới hạn chế được diện tích trồng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung. Đồng thời, có thể tạo ra sản lượng đủ lớn, đáp ứng yêu cầu của các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, góp phần giảm thiểu rủi ro trong quá trình canh tác.
Mặt khác, ông Lê Văn Đời cũng khuyến cáo người dân không mua cây giống trôi nổi trên thị trường, kém chất lượng để trồng mới vườn cây. Điều này gián tiếp làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là cán bộ kỹ thuật địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức chăm sóc và cách chọn phân thuốc hợp lý, an toàn, giúp người trồng mãng cầu xiêm sản xuất ổn định lâu dài.
Theo thống kê của ngành chuyên môn Hậu Giang, hiện diện tích trồng mãng cầu xiêm trên địa bàn tỉnh đã hơn 500ha, tập trung chủ yếu ở huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, Châu Thành. Trong đó, diện tích bị nhiễm bệnh thối rễ chết cành cao nhất là ở huyện Châu Thành, với khoảng 41ha trong tổng số 108ha toàn tỉnh. |
Bài, ảnh: CHÍ CÔNG