Cơ hội gọi vốn
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch CTCP Tasco (HUT) cho biết, trong năm 2017, HUT dự kiến phát hành tổng số khoảng 80 triệu cổ phần để phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược và trong đó có một phần trả cổ tức cho nhà đầu tư hiện hữu. Trước đó (năm 2016), Tasco cũng đã lên kế hoạch chào bán tối đa 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ, dù đã có một số đối tác quan tâm, nhưng các bên vẫn chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, Công ty sẽ cố gắng thực hiện việc tăng vốn trong năm nay.
Quý I/2017, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 3 tháng tăng 0,9%, thấp hơn mức 0,99% cùng kỳ năm ngoái; tăng trưởng tín dụng đạt 3% so với 1,54% của quý I năm ngoái; xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt hơn 43 tỷ USD, tăng 12,8%....
Dẫn số liệu mới nhất về nền kinh tế như trên, ông Dũng cho biết, nền tảng ổn định tăng trưởng của vĩ mô cùng với chuyển động tích cực của TTCK từ đầu năm 2017 đến nay chính là một yếu tố quan trọng hỗ trợ cho các doanh nghiệp tự tin hơn trong việc gọi vốn mới.
Hơn nữa, thị giá hiện tại của nhiều cổ phiếu đã vượt qua mức 10.000 đồng/CP, nên việc phát hành tương đương mệnh giá sẽ dễ dàng hơn. Tại HUT, nếu đợt phát hành thành công, mức vốn điều lệ của Công ty sẽ tăng lên hơn 3.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo HUT cho biết, trong năm 2017, Công ty sẽ đưa 2 trạm BOT mới vào thu phí là BOT QL 10 Hải Phòng và BOT Đông Hưng - Thái Bình. Tuy nhiên, Công ty dự kiến sẽ dừng đầu tư vào các dự án BOT mới và chuyển hướng sang đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.
Câu chuyện tăng vốn năm nay trở thành điểm nóng trong đại hội đồng cổ đông của nhiều doanh nghiệp. CTCP Sản xuất kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV) đã làm nhiều cổ đông bất ngờ khi đề xuất phương án tăng vốn lên mức 271 tỷ đồng thông qua việc phát hành riêng lẻ cho 5 nhà đầu tư cá nhân tổng cộng 25 triệu cổ phiếu với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP.
Nếu thành công, AMV sẽ tăng vốn lên gấp 13 lần so với mức 21 tỷ đồng như hiện nay. Cũng theo AMV, tổng số vốn thu được từ đợt chào bán sẽ được AMV sử dụng mua cổ phần của CTCP Đầu tư bệnh viện Việt Mỹ.
Chọn phương án nào để gọi được vốn mới?
Khác với nhiều DN phát hành thêm cổ phần, CTCP Tập đoàn Kinh Đô (KDC) quyết định huy động vốn thông qua việc đưa một phần “đứa con đẻ” của mình ra IPO.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà KDC chọn thời điểm bán đấu giá cổ phần 11,2 triệu cổ phần của CTCP Thực phẩm đông lạnh Kido - Kido food (KDF), tương đương tỷ lệ 20% vốn điều lệ, ngay trong tháng 4 này, bởi thời điểm thực hiện đấu giá rất quan trọng.
Là đơn vị tư vấn cho KDC, lãnh đạo CTCK HSC cho biết, số lượng nhà đầu tư đăng ký cổ phần mua KDF tăng gấp nhiều lần so với khối lượng DN bán cho thấy nhà đầu tư vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với những DN có hiệu quả kinh doanh tốt.
Quan trọng là việc lựa chọn phương thức phát hành, với nhiều DN kênh riêng lẻ là phù hợp, nhưng với KDF, như lời ông Trần Quốc Nguyên, Tổng giám đốc KDF thì thay vì bán cho một đối tác (đã có đơn vị ngỏ lời), mục đích chính trong đợt IPO KDF lần này là tìm các nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Một doanh nghiệp có giao dịch khá được quan tâm trên sàn UPCoM, đang lên kế hoạch chuyển sàn niêm yết trên HOSE trong tháng 5-6/2017 là Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holding (IBC). IBC nhận được giấy phép chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
IBC hiện có vốn điều lệ 313 tỷ đồng, theo kế hoạch, Công ty sẽ phát hành hơn 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:0,96 và đấu giá công khai qua Sở GDCK Hà Nội 7,5 triệu cổ phiếu với mức giá khởi điểm 20.000 đồng/cổ phần.
Với tổng số vốn huy động ước tính là 450,79 tỷ đồng, IBC dự kiến chi 340,8 tỷ đồng để đầu tư mua cổ phiếu CTCP Anh Ngữ Apax nhằm tăng tỷ lệ nắm giữ lên 98%, số còn lại bổ sung vào nguồn vốn lưu động của Công ty.
IBC cũng là doanh nghiệp có tốc độ tăng vốn khá nhanh trong 2 năm trở lại đây. Đầu năm 2017, IBC tăng vốn thành công lên 313 tỷ đồng bằng việc phát hành 25 triệu cổ phiếu cho CTCP Tập đoàn giáo dục EGROUP với giá 10.000 đồng/CP và hiện tại EGROUP đang là cổ đông lớn nhất của IBC (nắm giữ 79,9% vốn điều lệ).
Điểm cộng cho đợt phát hành
Công ty cổ phần Đường Biên Hoà (BHS) lên kế hoạch tăng vốn từ hơn 1.295 tỷ đồng lên 2.978 tỷ đồng, tức gấp hơn 2 lần thông qua phát hành 38,85 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 30%, đồng thời chào bán 129,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1.
Thực tế, kế hoạch này đã được BHS đưa ra từ năm 2016 nhưng do thời điểm chưa phù hợp nên Công ty chuyển sang năm 2017. Để có nhiều thời gian cho nhà đầu tư, BHS đã quyết định kéo dài tới chốt danh sách sang ngày 18/5.
Việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo BHS là nhằm huy động vốn cho việc thực hiện các hạng mục đầu tư nâng cao năng lực sản xuất của nhà máy đường luyện, nâng cao quy mô hoạt động, mở rộng vùng nguyên liệu và tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Mía đường Tây Ninh.
Tại một DN khác, đại hội đồng cổ đông mới đây của CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP), các cổ đông tiếp tục được tiếp nhận thông tin về việc tăng vốn. Cụ thể trong năm 2017, DNP sẽ phát hành cho cổ đông hiện hữu 19,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Trong đó, hơn 7,5 triệu cổ phiếu sẽ được phát hành dưới hình thức chi trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 25% và hơn 12 triệu cổ phiếu sẽ được chào bán cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền tỷ lệ 40% với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phần.
DNP cũng lên phương án phát hành 400.000 cổ phiếu thưởng ESOP và chào bán thêm 100.000 cổ phiếu cho người lao động. Như vậy, tổng số lượng cổ phần mà DNP dự kiến phát hành thêm trong năm nay là hơn 20 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên hơn 500 tỷ đồng.
Năm 2016, DNP đã nâng vốn điều lệ từ hơn 135 tỷ đồng lên hơn 300 tỷ đồng thông qua các đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư và cán bộ nhân viên.
Theo DNP, tổng số vốn huy động dự kiến 462 tỷ đồng, Công ty sử dụng 97,5 tỷ đồng đầu tư vào dự án nhà ở xã hội Tam Hòa, Đồng Nai; 24 tỷ đồng vào dự án BT đường vành đai quanh hồ Trị An; 100 tỷ đồng để đầu tư 5 máy nghiền, sàng đá cho mỏ đá Tân Cang 8, mỏ đá Xuân Hòa và mỏ Đồi Chùa 3 và số tiền còn lại hơn 240 tỷ đồng, Công ty sẽ dùng thực hiện tái cơ cấu nợ ngắn hạn và nợ khác.
Theo một số CTCK đang thực hiện tư vấn cho DN trên sàn, bên cạnh các DN tìm vốn mới để mở rộng kinh doanh hoặc M&A thì cũng có nhiều DN muốn phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ, nhằm giảm áp lực nợ vay. Tuy vậy, trường hợp DN phát hành tăng vốn để tái cơ cấu nợ thì thường việc phát hành đó sẽ khiến chỉ số thu nhập trên cổ phiếu (EPS) trong năm tới, thậm chí vài năm tới của DN giảm và không dễ để thuyết phục được chủ nợ chấp nhận đổi nợ lấy cổ phiếu.
Vấn đề mà cổ đông thường đề cập sau mỗi đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn là mức độ pha loãng giá trên sàn. Gọi được vốn mới đã khó, khó hơn là DN làm thế nào để có thể đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và EPS cao hơn mức độ pha loãng giá, đó mới là điều cổ đông, nhà đầu tư cần nhất, là điểm cộng cho mỗi đợt phát hành.