Hệ quả tất yếu của quyết định trên là việc sử dụng đồng NDT làm phương tiện thanh toán ngoài Trung Quốc sẽ gia tăng, vị trí của đồng NDT với tư cách là ngoại tệ dự trữ của các ngân hàng trung ương sẽ được nâng lên. Tuy nhiên, theo giới phân tích, vai trò ngoại tệ quốc tế của đồng NDT chỉ thực sự phát triển nếu đồng tiền này được hoán đổi tự do và nếu Trung Quốc tiến hành các cải cách tài chính cần thiết.
Giới phân tích cho rằng quyết định trên của IMF sẽ khuyến khích ngân hàng trung ương của các nước, đặc biệt là ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế lớn, đẩy mạnh việc đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối của mình bằng cách mua trái phiếu Trung Quốc, chứ không chỉ tập trung vào đồng USD hay euro. Theo hãng tin AFP, hiện khoảng 30 ngân hàng trung ương có thỏa thuận hoán đổi ngoại tệ với Trung Quốc. Ông Dariusz Kowalczyk, chuyên gia về chiến lược của ngân hàng Pháp Crédit Agricole ước tính trong 6 năm tới, tỉ trọng của đồng NDT trong các kho dự trữ ngoại tệ có thể tăng từ 1,4% hiện nay lên 4,7-10%.
Tuy nhiên, ông Andrew Kenningham, thuộc văn phòng tham vấn kinh tế Capital Economics, nhận xét: “Các ngân hàng trung ương, cũng như các công ty quản lý quỹ đầu tư, đều thích các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi có thể mua bán dễ dàng trên mọi thị trường tài chính". Theo chuyên gia này, nhược điểm của đồng NDT là không chuyển đổi được và tính thanh khoản hạn chế. Bên cạnh đó, còn có mối lo ngại về nguy cơ kinh tế Trung Quốc khựng lại.
Thực tế, đồng NDT lúc này chưa được tự do chuyển đổi, chỉ được phép dao động trong một biên độ do Nhà nước Trung Quốc quy định bên trên và dưới một mức trung bình so với đồng USD. Mặt khác, Bắc Kinh tiếp tục áp đặt các hạn chế không cho tiền tệ thoát ra bên ngoài. Việc Trung Quốc thông báo phá vỡ được các mạng lưới chuyển ngân trái phép hàng trăm tỉ NDT ra nước ngoài phản ánh thái độ không khoan nhượng của nhà cầm quyền.
Tóm lại, các chuyên gia cho rằng đồng NDT được IMF chính thức công nhận là ngoại tệ quốc tế hoàn toàn không có nghĩa là đồng tiền này sẽ dĩ nhiên trở thành ngoại tệ quốc tế.