Chị Hà Anh thân mến!
Em và vợ cưới nhau được 2 năm nhưng do chúng em cũng còn trẻ,ươnglagraveldquoliềuthuốcrdquochữty le keo bd anh chỉ muốn phấn đấu trong công việc nên chưa nghĩ đến có em bé. Tuy nhiên, “kế hoạch” bị vỡ nên chúng em có con sớm hơn dự định. Từ khi vợ mang thai, tâm tính cô ấy thay đổi hẳn làm em cảm thấy vô cùng áp lực.
Chúng em sống chung với ba mẹ nên hầu như cũng không lo gì nhiều, nhất là về ăn uống. Từ khi biết con dâu mang thai, ngày nào mẹ em cũng nấu những món tẩm bổ dành cho thai phụ và thường xuyên căn dặn đủ điều. Mẹ em còn hạn chế cho sử dụng điện thoại vì sợ sẽ ảnh hưởng đến em bé, kiêng cữ đủ điều. Có lẽ bao nhiêu ấm ức, bực bội trong lòng vợ em bị dồn nén, nên chỉ đợi em đi làm về là trút hết cơn bực dọc, khó chịu vào em.
Thật sự em rất mệt mỏi vì áp lực công việc mà về tới nhà lại nghe vợ càm ràm, “mặt nặng, mày nhẹ”, nhiều lúc em không muốn về nhà mà chỉ muốn đi đâu đó hay hẹn bạn bè đi cà phê cho hết buổi tối. Không lẽ phụ nữ nào mang thai tâm, sinh lý đều thay đổi và trở nên “trái tính, trái nết”… Mong chị cho em lời khuyên để tình cảm vợ chồng không bị xấu đi trong giai đoạn này.
Q.A (Đồng Phú)
Q.A thân mến!
Trong 3 tháng đầu mang thai, hầu như tâm, sinh lý phụ nữ thay đổi rất nhiều. Đây là giai đoạn mà bất kỳ người vợ nào cũng cần được quan tâm, chăm sóc. Lúc mang thai cơ thể thường hay mệt mỏi, ốm nghén do thay đổi hóc môn và sự phát triển của thai nhi. Chính vì thế, cô ấy rất cần sự động viên, an ủi từ chồng. Em hãy thể hiện tình yêu bằng cách quan tâm vợ nhiều hơn, đặc biệt là việc ăn uống của vợ, tâm sự xem vợ có cần hỗ trợ gì trong công việc hay không. Khi đi làm về, 2 vợ chồng có thể rủ nhau ra ngoài ăn món vợ thích, đi xem phim thư giãn… Bản thân em cũng phải thường xuyên nói những lời yêu thương, dành thời gian nhiều hơn bên vợ để cô ấy luôn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, để cô ấy cảm nhận rằng con đến trong đời là điều tuyệt vời nhất của gia đình lúc này.
Đối với người mang thai lần đầu chưa có kinh nghiệm, vì vậy, nếu có điều kiện, em có thể cùng vợ tham gia các lớp học tiền sản. Điều này không chỉ trang bị cho vợ chồng thêm nhiều kiến thức mà còn gắn kết tình cảm gia đình hơn.
Còn về mẹ em, có lẽ là vì quá mong đợi cháu nên mẹ em đã dành hết sự quan tâm, lo lắng cho con dâu. Mẹ muốn để dành những thứ bổ dưỡng, tốt nhất cho con, cháu nên món ăn trong gia đình dành cho người mang thai được ưu tiên trước hết. Bất kỳ người phụ nữ nào khi làm mẹ đều dành hết tình cảm cho con mình. Vì vậy, em hãy hiểu lòng mẹ, dành thời gian tâm sự để mẹ hiểu rằng, vợ chồng em rất biết ơn mẹ đã chăm sóc, nuôi dưỡng em nên người. Mẹ đã tần tảo cả đời vì con, giờ lại hết lòng vì cháu. Tuy nhiên, mẹ hãy để cho vợ chồng em được “tự lập”. Mẹ yêu thương em thế nào thì em cũng yêu thương con em như thế! Vì vậy, vợ chồng em biết làm những gì tốt nhất cho bé, mẹ không cần quan tâm, chăm sóc quá nhiều mà dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, quan tâm đến sức khỏe bản thân hơn.
Mang thai là thời kỳ rất khó khăn với phụ nữ, nhất là những phụ nữ bị ốm nghén nhiều. Chính vì thế, em hãy dùng yêu thương để “chữa lành” mọi cảm xúc tiêu cực của cô ấy. Hãy đồng hành để vợ luôn trong trạng thái vui vẻ và cân bằng cảm xúc, cùng đón con chào đời trong sự yêu thương, hạnh phúc nhất.