Bàn Kế hoạch chống hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử | |
Kiến nghị thu hồi website thương mại điện tử vi phạm | |
Tận dụng thương mại điện tử để xuất khẩu với chi phí hợp lý | |
Phát triển thương mại điện tử: Áp dụng thông lệ quốc tế để tránh sai sót |
Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng phương thức kinh doanh hàng hóa qua TMĐT để thực hiện các hành vi sản xuất và buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả. |
Phối hợp trao đổi thông tin để thu thuế
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tốc độ tăng trưởng TMĐT ở Việt Nam khá cao, năm 2017 trên 25% và năm 2018 trên 30%. Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này đang phát sinh nhiều rủi ro làm mất lòng tin của người tiêu dùng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống của người dân. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng phương thức kinh doanh hàng hóa qua TMĐT để thực hiện các hành vi sản xuất và buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các vi phạm khác. Nhiều website giả mạo DN có uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ lừa dối người tiêu dùng. Đặc biệt, hiện nay rất nhiều website, mạng xã hội, các tổ chức tài chính nước ngoài... đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nhưng chưa được kiểm soát đầy đủ, gây thất thu thuế.
Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra-Kiểm tra (Tổng cục Thuế) Vũ Mạnh Cường cho biết, Tổng cục Thuế đã báo cáo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia những kết quả cụ thể truy thu từ Google, Facebook, các công ty sử dụng dịch vụ gia tăng trên mạng. Như năm 2018, Tổng cục Thuế truy thu hơn 150 tỷ đồng tiền thuế, đây là con số khá khiêm tốn.
Phó Vụ trưởng Vũ Mạnh Cường cho biết thêm, kinh doanh TMĐT phần lớn thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Thời gian qua, Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đã chuyển cho Tổng cục Thuế nhiều thông tin có giá trị để phục vụ công tác quản lý thuế. Qua đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cơ quan Thuế cấp dưới tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra. Kết quả, cơ quan Thuế rà soát số lượng người kinh doanh qua mạng là rất lớn. Từ năm 2014 đến tháng 11/2017, cơ quan Thuế rà soát 598 tổ chức, tổng số tiền rà soát là 512 tỷ đồng; 17.130 cá nhân, với tổng lượng tiền là 580 tỷ đồng.
Muốn quản lý thuế buộc phải có thông tin, nhưng kinh doanh TMĐT có đặc thù riêng là không hiện hữu các gian hàng, các văn phòng, các trụ sở, các địa điểm kinh doanh cụ thể. Mặt khác, so với loại hình kinh doanh truyền thống, kinh doanh TMĐT được thực hiện thông qua các dịch vụ gia tăng trên mạng internet. Rõ ràng, nếu không đăng ký kinh doanh rất khó thu thuế.
Ông Vũ Mạnh Cường cho biết thêm, Tổng cục Thuế đang xây dựng dự thảo Luật Quản lý thuế, trong đó rất cần sự ủng hộ của các sở, ban ngành trong quản lý lĩnh vực TMĐT. Dự thảo cũng đề cập tới việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan của Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước... để cơ quan Thuế có thông tin quản lý. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến khích sử dụng các ứng dụng, tiện ích để thanh toán điện tử xuyên biên giới, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát quản lý chặt chẽ hơn, chuyển các thông tin giao dịch xuyên biên giới liên quan đến TMĐT đến cơ quan Thuế, trên cơ sở đó sẽ phối hợp thực hiện thu thuế.
Xác định rõ địa điểm tập kết hàng giả
Mới đây, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức buổi làm việc với các lực lượng chức năng liên quan để xây dựng Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đại diện các đơn vị cũng lo ngại, trong kinh doanh TMĐT xuất hiện tình trạng quảng cáo hàng thật nhưng lại bán hàng giả của chính DN làm ăn chân chính ngay ở trong nước. Mặt khác, loại hình kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh an toàn thông tin, thanh toán bất hợp pháp xuyên biên giới.
Trưởng Phòng Giám sát Hải quan trực tuyến (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) Nguyễn Minh Tuấn phân tích, cơ chế quản lý đối với hàng hóa XNK không phân biệt hàng hóa được trao đổi thông qua TMĐT. Cơ quan Hải quan trong quá trình thực hiện thủ tục chấp nhận tất cả các chứng từ TMĐT. Tuy nhiên, do tính chất giao dịch nhỏ lẻ, các đối tượng chủ yếu lợi dụng các dịch vụ chuyển phát của các bưu cục, chuyển phát nhanh. Theo quy định hiện nay, hàng hóa thực hiện theo 2 loại hình này đều được đơn giản hóa về thủ tục, đơn giản hóa khai báo (không khai báo mã số thuế so với hàng hóa NK thông thường-PV), do vậy có tình trạng giảm trị giá hàng hóa hòng trốn tránh nộp thuế. Mặt khác, so với hàng hóa NK, hàng hóa theo 2 loại hình trên hầu hết được miễn kiểm tra chuyên ngành. Hiện Tổng cục Hải quan đang báo cáo Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để siết chặt quản lý đối với hàng hóa chuyển phát nhanh, cũng như hàng hóa chuyển phát của các bưu cục.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tuấn, muốn kiểm soát hoạt động kinh doanh hàng hóa thông qua TMĐT phải xác định rõ đối tượng, ổ nhóm, địa điểm tập kết, kho lưu trữ hàng hóa, cũng như các cơ sở sản xuất hàng giả ở trong nước đưa đến các địa điểm giao dịch trung gian. Có 2 nhóm gồm: Các cá nhân, tổ chức có nhu cầu có thể đặt hàng từ nước ngoài thông qua TMĐT thông qua dịch vụ logistic, đây là dịch vụ trung gian làm nhiệm vụ giao nhận hàng hóa và chịu trách nhiệm làm thủ tục; các đối tượng trực tiếp kinh doanh hàng hóa này có thể đặt hàng từ nước ngoài (hàng cận date), thậm chí sản xuất hàng giả ngay trong nước để trục lợi.
“Muốn bắt giữ hàng giả phải nắm rõ thông tin địa điểm lưu trữ, tập kết hàng hóa, cơ sở sản xuất. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện là hàng hóa NK thì cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra thủ tục đối với hàng hóa đó. Mặt khác, trong trường hợp phát hiện hàng sản xuất từ nội địa, lực lượng Quản lý thị trường, Công an vào cuộc kiểm tra cơ sở sản xuất”, ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ.
Dự kiến trong tuần này, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trình Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch này là lập lại trật tự, kỉ cương trong hoạt động TMĐT, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả việc lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các bộ, ngành, lực lượng chức năng trung ương và địa phương được phân công thực hiện kế hoạch phải phân định đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tránh chồng chéo; nâng cao trách nhiệm, thực hiện công khai, minh bạch, đúng qui định pháp luật; nói không với tiêu cực, không bao che, tiếp tay, làm ngơ trước những hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật. |